Góc nhìn của tôi: Tín hiệu nới lỏng để “thúc” tăng trưởng?
Đầu năm mới 2014, VnEconomy mở một chuyên mục mới mang tên “Góc nhìn của tôi”, phản ánh quan điểm và dự báo đến từ các chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý uy tín về các vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật, với mong muốn mang đến những thông tin tham khảo đáng chú ý cho bạn đọc, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cuộc khảo sát về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 đã được VnEconomy tiến hành với 14 người, trong đó có 9 chuyên gia và 5 đại diện doanh nghiệp.
|
GDP 2014: Chuyên gia lạc quan, doanh nghiệp thận trọng
Năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 5,42%, trong đó quý 1 tăng 4,76%, quý 2 tăng 5,00%, quý 3 tăng 5,54%, quý 4 tăng 6,04%.
Mức tăng 5,42% được đánh giá là thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi.
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua mục tiêu GDP tăng khoảng 5,8%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.100 USD.
Cuộc khảo sát về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 đã được VnEconomy tiến hành với 14 người, trong đó có 9 chuyên gia và 5 đại diện doanh nghiệp.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, có 7 chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (TS. Lê Đăng Doanh, TS. Quách Mạnh Hào, TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Đỗ Minh Phú, TS. Lê Anh Tuấn), chiếm 50% số người trả lời cho rằng GDP năm nay tăng 5,8% - mức mục tiêu Chính phủ đề ra.
Đáng chú ý, TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã đưa ra dự báo lạc quan nhất trong số những người tham gia khảo sát khi nhận định GDP năm 2014 tăng 6%.
Như vậy, việc có 8 người (chiếm 57%) dự báo GDP tăng khoảng 5,8% và 6%, bằng hoặc cao hơn mục tiêu tăng trưởng GDP 2014, cho thấy sự lạc quan nhất định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ tốt hơn năm 2013.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 5 người (ông Nguyễn Thành Long, ông Văn Đức Mười, TS. Nguyễn Đức Thành, ông Mai Hữu Tín và ông Lê Phước Vũ) nhận định GDP năm 2014 tăng 5,5%, nhỉnh hơn so với mức 5,42% năm 2013, nhưng thấp hơn mục tiêu 5,8% đã đề ra cho năm nay.
Riêng TS. Võ Trí Thành đưa ra dự báo GDP năm nay tăng khoảng 5,4%-5,6%.
Có một sự khác biệt thú vị giữa quan điểm của chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Trong khi hầu hết các chuyên gia dự báo GDP tăng 5,8%, thì hầu hết đại diện doanh nghiệp tin rằng GDP năm nay tăng khoảng 5,5%.
Ở khối chuyên gia, TS. Võ Trí Thành và TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra dự báo GDP thấp hơn mục tiêu 5,8%, trong khi ở khối doanh nghiệp chỉ có ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch DOJI - một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, đưa ra dự báo GDP năm 2014 tăng 5,8%, còn lại đều nhận định tăng 5,5%.
Tín hiệu nới lỏng?
Trao đổi với VnEconomy, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, năm 2014 Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế, khi có nhiều chính sách hướng tới giải pháp dài hạn như mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế và hệ thống thể chế.
Bên cạnh đó, theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc kiên quyết phân bổ lại vốn tập trung vào các dự án hiệu quả, loại ra những dự án không hiệu quả, đã bước đầu thành công khi hệ số ICOR bắt đầu giảm xuống, thể hiện hiệu quả đầu tư vốn tăng, dàn trải ít đi.
“Đấy là những điểm dài hạn tôi cho là tốt”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, sau khi sắp xếp 8, 9 ngân hàng yếu kém thì năm 2014 cần tập trung sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Nợ xấu đã được giải quyết vòng đầu để tránh đổ vỡ, tiến tới tập trung nợ xấu về và đến tháng 6 năm nay sẽ tính lại nợ xấu triệt để hơn để cho nền kinh tế rõ ràng hơn. Đó cũng là vừa giải quyết tồn tại, vừa đưa nền kinh tế theo hướng bền vững.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO hoặc trước khủng hoảng, thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Theo nghĩa đó, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng, đòi hỏi phải vài năm nữa, khoảng 3-4 năm.
“Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam hai năm tới, thì thời điểm năm 2013 có thể coi là “đáy”, ông Thành nói.
Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, mục tiêu đề ra cho năm 2014 lạm khoảng 7%, dù năm 2013 chỉ 6,04%, gần như là một thông điệp “ngầm” cho thấy chấp nhận nới chỉ tiêu lạm phát để kích thích tăng trưởng.
“Việc đưa mục tiêu tổng phương tiện thanh toán, tín dụng tăng lên, trái phiếu tăng lên và nâng trần bội chi ngân sách để đạt tăng trưởng kinh tế 5,8% là được, là hài hòa”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Kỳ tới: Lạm phát năm 2014 có đáng lo ngại?
Duy Cường
vneconomy
|