Ổn định kinh tế vĩ mô: “Con ngựa bất kham” đã được “ghìm cương”
Năm 2013, những dấu hiệu bất ổn vĩ mô được cải thiện so với các năm trước, đặc biệt là nguy cơ lạm phát cao đã được ngăn chặn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu thiếu những quyết sách mạnh mẽ thì sẽ tái diễn sự bất ổn với vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.
Khi đi tìm nguyên nhân dẫn đến bất ổn vĩ mô, TS Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận định rằng: Không phủ nhận sự tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự bất cập của cơ cấu kinh tế và tác động tính hai mặt của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ.
Từ năm 2011-2012, Việt Nam nỗ lực hành động để ổn định kinh tế vĩ mô, coi đó như một giải pháp quan trọng hàng đầu của chính sách điều hành nền kinh tế. Vào tháng 2-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô với chính sách kinh tế và đầu tư công thắt chặt. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...”
TS Trần Du Lịch cho rằng: Mặc dù năm 2013 tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể, nhưng điểm tích cực nổi bật là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn; lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỉ giá... Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” thì kết quả của năm 2013 là tích cực.
Không chỉ các chuyên gia trong nước mà các đối tác nước ngoài của Việt Nam cũng nhìn nhận “ổn định kinh tế vĩ mô” như một thành tựu đáng kể của kinh tế Việt Nam trong năm 2013. Nhiều lời khen đã được dành cho Việt Nam khi các đối tác quốc tế có dịp bàn bạc, thảo luận về kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, những rủi ro về lạm phát, về bất ổn vĩ mô vẫn còn hiện hữu. Những bất cập mang tính cơ cấu, dẫn đến kém hiệu quả của đầu tư công, khu vực DN và hệ thống ngân hàng đã làm gia tăng giá của sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát trong ngắn hạn. Bởi vậy nên việc nới lỏng các chính sách vĩ mô để kích thích tổng cầu nhằm đạt tăng trưởng cao hơn trong ngắn hạn sẽ tạo ra những rủi ro lớn về lạm phát và mất cân đối vĩ mô, làm kéo dài phương thức tăng trưởng giật cục không có lợi cho phát triển kinh tế trong dài hạn. Do đó, quá trình điều chỉnh của nền kinh tế Việt Nam sang một quỹ đạo mới cân bằng và bền vững hơn sẽ còn cần nhiều thời gian. Bởi vậy cần có một tầm nhìn trung hạn đối với quá trình điều chỉnh này thay vì quá chú ý đến những dao động ngắn hạn của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Vì vậy trong những năm tiếp theo, cần thực hiện kiên định và quyết liệt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi chính sách tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây cũng là điều đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trên nhiều diễn đàn. Tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) lần thứ nhất tổ chức đầu tháng 12-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi đến các đối tác trong và ngoài nước thông điệp rằng: Trong năm 2014-2015, Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Năm 2014-2015 Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, có cơ chế khuyến khích, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế.
Có thể nói, trong ngắn hạn, lạm phát không còn là “con ngựa bất kham”. Do đó, hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra.
Lương Bằng
Hải quan
|