Thứ Ba, 31/12/2013 13:28

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật 2013

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói đã có những điểm sáng quý giá. Hãy cùng Tuổi Trẻ Online điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật nhất.

1. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Đáng chú ý nhất trong năm 2013 là chỉ số lạm phát thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 6,04% và thấp hơn mức kế hoạch 8% thông qua hồi đầu năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tăng trưởng 5,42%. Mức tăng này tuy thấp hơn mục tiêu 5,5% đề ra nhưng lại cao hơn mức tăng 5,25% của 2012.

Tăng trưởng tín dụng 2013 ước tăng 8,83%, tuy thấp hơn kế hoạch là 12% nhưng vẫn cao hơn 2012...

2. Lãi suất ngân hàng xuống thấp nhất

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên; giảm 1% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi và từ cuối tháng 6 cho phép các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Mặt bằng lãi suất theo đó cũng giảm 2-5%/năm so với năm 2012 và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Đến cuối năm, lãi suất các khoản vay cũ đã về dưới 13%/năm, lãi suất cho vay các khoản mới kỳ hạn ngắn chỉ còn 8 - 9%/năm.

Trong khi đó, tỷ giá năm 2013 chỉ điều chỉnh có 1,3%, thấp hơn so với mục tiêu 2 - 3% NHNN đề ra. Vào cuối năm tỷ giá tại các ngân hàng thương mại niêm yết phổ biến ở mức 21.085 - 21.125 đồng (mua - bán), thấp hơn so với mức 21.100 - 21.246 đồng/USD tại Sở Giao dịch NHNN.

3. Giá vàng giảm 11,6 triệu đồng, lần đầu tiên đấu thầu vàng miếng

Tính đến cuối ngày 30-12-2013, giá vàng SJC mua vào bán ra ở 34,62 - 34,92 triệu đồng/lượng. So với đầu năm 2013, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 11,62 triệu đồng/lượng, mức giảm kỷ lục. Kênh đầu tư vàng không được cho là “hầm trú ẩn an toàn” trong năm 2013.

Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên được NHNN tổ chức ngày 28-3 với 26.000 lượng chào bán. Tính đến ngày 20-12 đã có 75 phiên đấu thầu được tổ chức. Trong đó, NHNN đã bán ra 1.799.900 lượng vàng (tương đương 69,2 tấn) trên tổng số 1.912.000 lượng chào thầu.

Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới giảm dần từ 6,6 triệu đồng, hiện còn khoảng 4 triệu đồng/lượng.

4. Thị trường chứng khoán phục hồi mạnh

Thị trường chứng khoán đã có một năm phục hồi và tăng trưởng khá mạnh. Các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012. Tính đến ngày 24-12-2013, chỉ số VN-Index tăng 22,2% trong khi HNX-Index là 19,32%. Dòng vốn nước ngoài luân chuyển tăng 54%.

VN trở thành một trong những nước có thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

5. Triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng

Căn cứ Nghị quyết số 02 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 11 về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Gói tín dụng được kỳ vọng là một trong những giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên cho đến nay, tốc độ giải ngân gói tín dụng này vẫn còn chậm.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng đến giữa tháng 12-2013, gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng dành cho phát triển nhà ở mới chỉ giải ngân đạt 555 tỉ đồng, chưa bằng 2% tổng nguồn vốn dự kiến.

6. Xét xử các đại án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế

Cuối năm 2013 là thời điểm xét xử dồn dập các đại án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có 8 đại án liên quan tới ngân hàng đang được đưa ra xét xử. Điển hình là vụ đại án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank (ALC II) làm thất thoát gần 532 tỉ đồng của Nhà nước được xét xử hồi tháng 11-2013 với 2 án tử hình.

Vụ “trùm lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.900 tỉ đồng sẽ đưa ra xét xử từ ngày 6 đến 25-1-2014. Vụ bầu Kiên cùng 6 đồng phạm gây thiệt hại gần 1.700 tỉ đồng cũng sẽ được xét xử trong tháng 1-2014…

7. Đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương

Chính thức tham gia đàm phán vào Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), VN là nước có nhiều khung nội dung còn phải “thương thảo” so với các nước khác.

TPP đặt ra những chuẩn mực cho tự do thương mại, đầu tư trong tương lai, nếu VN đàm phán thành công TPP sẽ khắc phục được khó khăn khi tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do khác mà VN đang thực hiện như FTA với Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan…

TPP có bước ngoặt mới khi từ vòng đàm phán thứ 17 ở Peru, Nhật Bản chính thức tham gia với tư cách là thành viên thứ 12. Dù được kỳ vọng kết thúc trước năm 2013 nhưng đến nay TPP vẫn còn dang dở vì nhiều vấn đề chưa tìm được sự đồng thuận.

Nếu kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định này thành công sẽ có trên 90% dòng thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước Úc, Brunei, Chile, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam được hạ xuống bằng 0%.

8. Điều tra chuyển giá doanh nghiệp FDI

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 15-12, vốn FDI cả đăng ký mới tăng thêm đạt 21,6 tỉ USD, tăng 54,5% so cùng kỳ 2012. Vốn FDI giải ngân năm 2013 ước đạt 11,5 tỉ USD, tăng 9,9% so 2012. Đây là con số ấn tượng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.

Cùng với tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2013 cũng chứng kiến cuộc chiến chống chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI của cơ quan quản lý đầy gay cấn. Các hành vi chuyển giá điển hình đã và đang diễn ra tại VN ngày càng tinh vi. Hàng chục doanh nghiệp lớn cũng đã được ngành thuế đưa vào diện “nghi vấn chuyển giá” nhưng đến nay chưa có “án” nào được phán.

9. M&A ngân hàng sôi động nhất

Năm 2013, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra sôi động chưa từng thấy. Trong tháng 9, WesternBank sáp nhập với PVFC thành Ngân hàng Đại chúng (PvcomBank); nhóm nhà đầu tư mới mua 85% cổ phần của TrustBank và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Một thương vụ sáp nhập khác đáng chú ý trong 2013 là DaiABank sáp nhập với HDBank. Sau khi sáp nhập, cái tên DaiABank bị xóa bỏ trên thị trường. Ngoài ra, HDBank cũng mua công ty tài chính SGVF của Pháp…

10. Thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản, nông dân điêu đứng

Năm 2013 rộ lên hàng loạt vụ việc thương nhân Trung Quốc thao túng vùng nguyên liệu của VN. Hết đầu tư vào vùng chuyên canh khoai lang tại Vĩnh Long, thương nhân Trung Quốc nhảy xuống Bạc Liêu gom mua cua biển, mua tôm nguyên liệu, tranh mua nông sản… gây hoang mang cho người nông dân.

Chiêu sở trường của thương nhân Trung Quốc thường sử dụng là tăng - hạ giá đột ngột kết hợp việc thu mua hàng loạt hoặc hủy bỏ hàng loạt các giao dịch nhằm tạo thế chủ động để thâu tóm thị trường - trong đó có thị trường lúa gạo.

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Năm 2014: Vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao (31/12/2013)

>   Kỳ vọng kinh tế 2014 (31/12/2013)

>   Vốn FDI và chuyện được - mất (31/12/2013)

>   Năm 2014: Duy trì bình ổn giá thị trường (31/12/2013)

>   Khả năng lạm phát cao vẫn tiềm ẩn trong năm 2014 (30/12/2013)

>   Kinh tế Việt Nam: “Cầm cự chờ nguồn lực mới” (30/12/2013)

>   Đại gia dự báo về kinh tế 2014: Khó, cảnh giác đổ vỡ nhưng vẫn... có chỗ (30/12/2013)

>   Hàng chục nghìn doanh nghiệp lầm lũi chết trong năm 2013 (27/12/2013)

>   Chuyên gia kiến nghị tạo môi trường tốt hơn cho DN tư nhân (26/12/2013)

>   Các CEO lạc quan về doanh thu năm 2014 (26/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật