Đại gia dự báo về kinh tế 2014: Khó, cảnh giác đổ vỡ nhưng vẫn... có chỗ
Năm 2013 đã đi qua, để lại bao chứng tích về những khó khăn mà các doanh nghiệp, doanh nhân và cả nền kinh tế phải chống chọi. Phía sau hàng vạn doanh nghiệp bị phá sản, dừng hoạt động, hàng loạt đại gia lâm vào nợ nần... thì vẫn có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nổi lên như một điểm sáng trên thương trường. Họ đã chống chọi và vượt lên trong khủng hoảng như thế nào, và dự báo về tương lai nền kinh tế năm 2014 ra sao?
Trước thềm năm mới, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với một số đại gia - điểm sáng của năm 2013.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình: Khó, nhưng vẫn có chỗ cho các DN
Mặc dù là một năm khó khăn, nhưng năm 2013, FPT đã đạt doanh số hơn 1 tỉ USD. Nói về những khó khăn phải đối mặt trong năm 2013, ông Trương Gia Bình cho biết: FPT phải đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế và tình trạng cắt giảm chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) của khối Chính phủ, Ngân hàng và DN. Để khắc phục điều này, lãnh đạo tập đoàn ngay từ đầu năm 2013 đã vạch ra những hướng đi chiến lược.
Trước hết, đặt mục tiêu khai thác tối đa các cơ hội từ những khách hàng truyền thống tại thị trường trong nước và nước ngoài ở các mảng kinh doanh cốt lõi. Đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ mảng cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo xu hướng công nghệ mới như công nghệ di động (mobility), điện toán đám mây (cloud). Dự kiến năm 2013, doanh thu từ mảng dịch vụ này đạt tốc độ tăng trưởng 3 con số.
Mặt khác, FPT đẩy mạnh tăng trưởng từ thị trường nước ngoài, trong đó trọng tâm là thị trường Mỹ, Nhật, Singapore... Dự kiến mức tăng trưởng doanh thu từ thị trường Mỹ của FPT trong năm 2013 sẽ đạt khoảng 50%, tại thị trường Nhật Bản xấp xỉ 40%. Một hướng tiếp theo là FPT tối ưu hóa các nguồn lực trong tập đoàn để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội từ thị trường trong nước và nước ngoài.
Tính đến hết tháng 11 năm 2013, doanh thu của toàn tập đoàn đã đạt con số 24.927 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Nói về tương lai của năm 2014, Chủ tịch HĐQT FPT - ông Trương Gia Bình - cho biết: "Theo dự báo của các chuyên gia, nền kinh tế trong nước vẫn nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, vẫn còn khá nhiều cơ hội tăng trưởng cho các DN trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là trong mảng cung cấp các dịch vụ theo xu hướng công nghệ mới tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Tại Việt Nam, ngành CNTT đang đứng trước cơ hội lớn, đó là trở thành phương thức phát triển mới của đất nước, bởi bất cứ đề án nào cũng phải dành ngân sách cho CNTT như giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh... Còn tại thị trường nước ngoài, theo ước tính của hãng nghiên cứu Gartner, thị trường ủy thác dịch vụ CNTT toàn cầu (worldwide IT outsourcing) có giá trị khoảng 288 tỉ USD trong năm 2013.
Đây thực sự là một thị trường không giới hạn. Vấn đề và khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nguồn nhân lực còn rất thiếu, cụ thể là đội ngũ chuyên gia công nghệ và chuyên gia công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, tự động hóa..."
Ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Cty CP thủy điện Sông Bạc: Các đại gia đã chán… chơi rồi, nhưng còn nghe ngóng
Là một doanh nhân đã từng nổi danh trên lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe máy, nhưng ông Đỗ Văn Bình vẫn được coi là một “đại gia” kín tiếng. Chỉ đến khi ông tham gia vào HĐQT Cty Sudico thì dư luận mới “để mắt” tới vị doanh nhân này.
Nhìn vấn đề dưới con mắt “dò xét”, ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Cty CP thủy điện Sông Bạc - cho biết: Đến lúc này, nhiều “đại gia” đã chán chơi rồi, muốn đầu tư làm ăn, nhưng không đầu tư thì còn tiền, hễ mở ra làm ăn điều gì là “cụt vốn” khoản đó nên suốt một thời gian dài, không ít người đã chọn phương án bảo toàn vốn. Cũng theo ông Bình, bước sang năm mới các DN vẫn chưa dám đầu tư mạnh, bởi còn phải nghe ngóng tình hình về chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước.
Với DN, không phải lạm phát thấp là tốt, mà lạm phát cần có tốc độ tương đồng với tốc độ phát triển kinh tế thì mới kích thích được sản xuất, và DN sẽ quan sát rất kỹ điều này để có những quyết định phù hợp trong việc sẽ đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh đến mức nào, bởi lạm phát thấp là sẽ kìm hãm sự tăng trưởng.
Trong năm tới nếu chính phủ chưa có chính sách tháo gỡ thì các DN không phát triển được. Trong lúc kênh bán lẻ nội địa đang bị nước ngoài đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, nếu nhà nước không có các giải pháp thích hợp thì các DN trong nước không còn có chỗ đứng trong kênh phân phối.
Và với việc kênh bán lẻ có quyền quyết định nhập hàng ở đâu, nhập hàng của ai... thì việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước sẽ bị đưa xuống hàng thứ yếu. Để khắc phục, DN đang chờ đợi sự kích thích từ chính sách để tạo đà cho DN vực dậy. Trước đây VN đã từng có chính sách “bơm vốn” cho DN vay lãi suất thấp, nhưng việc làm này hiệu quả không lớn. Nên trở lại cách không cho vay lãi suất thấp, mà hỗ trợ về lãi suất để DN thực sự vay tiền và đưa vào sản xuất.
Còn vay vốn như hiện tại lãi suất thì có thấp, nhưng không mấy DN dám vay, bởi mức lãi suất của ngân hàng vẫn rất cao, vay tiền kinh doanh chỉ cần “lỡ một nhịp” là lại trắng tay nên các DN vẫn đang còn rất sợ khi bước ra thương trường vào lúc này.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB - ông Đỗ Quang Hiển: Chúng tôi phải cảnh giác với sự đổ vỡ
Không chỉ nổi danh là một ông “bầu” thành công trên lĩnh vực bóng đá, “bầu” Hiển thành công trong việc dưa Cty CP An Bình đang ở bờ vực phá sản thành doanh nghiệp chế biến thủy sản có lãi, đưa cả guồng máy của Ngân hàng Habubank từ chỗ thua lỗ, phải sáp nhập vào SHB, nay đã sinh lợi.
Kể về việc vượt qua những khó khăn về tín dụng, ông Hiển cho biết: NH đã phân loại các nhóm khách hàng, định hướng lĩnh vực hạn chế rủi ro đồng thời tập trung thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn. SHB cũng định hướng lại khách hàng và mục tiêu thị trường, qua đó mở rộng đối tượng khách hàng bằng cách cho vay tiêu dùng cũng như hướng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để san bớt rủi ro.
Ông Hiển cũng cho biết, thành công của SHB còn có việc tái cấu trúc ngay tại hệ thống bộ máy nhân sự cùng với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế quy trình, nâng cao yêu cầu nghiệp vụ, rà soát chi phí nhỏ nhất từ văn phòng phẩm, công tác phí... nên năm 2013 tuy có khó khăn, nhưng SHB vẫn phát triển. Đây được coi là một năm thành công đặc biệt của SHB với bằng chứng là các đơn vị kinh doanh của Habubank trước đây đã có lãi trong hệ thống hoạt động của SHB.
Năm 2013 cũng là năm SHB thành công trong việc làm sống lại Cty cổ phần thủy sản Bình an (Bianfishco). Đến cuối năm 2013, Bianfishco đã có lãi trở lại và hiện Cty đã xuất khẩu được 25 triệu USD. Hiện Bianfishco đang cần nâng công suất bởi dây chuyền cũ không đủ cung cấp cho các hợp đồng xuất khẩu mà khách hàng yêu cầu.
"Trong khó khăn nhưng các doanh nghiệp có quản trị tốt, kinh doanh tốt, đội ngũ con người tốt thì vẫn vượt qua được những trở ngại mà tưởng chừng không thể” - ông Hiển nhấn mạnh. Ông Hiển chia sẻ: Khó khăn là điều mà ai cũng dễ thấy, nhưng thương trường vẫn có chỗ cho các DN có định hướng đúng. Các DN muốn tồn tại và phát triển được phải nâng năng lực quản trị, yếu tố con người, chính sách phù hợp với từng thời kỳ giai đoạn.
Về cơ hội của năm 2014, ông Đỗ Quang Hiển cho rằng: Với những thành công về tỉ giá ổn định, lãi suất NH hạ, vàng ổn định... của năm 2013, đó là tín hiệu tốt cho năm 2014. Nhưng chúng tôi không chủ quan, khó khăn vẫn còn đó và chưa thể lường trước được. Với lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi phụ thuộc nhiều chính sách xử lý nợ xấu của nhà nước, nợ công của các tỉnh và kéo theo phản ứng dây chuyền.
Nếu không có những giải pháp để tháo gỡ nợ xấu quyết liệt thì năm 2013 còn cầm cự được, nhưng năm 2014 không cầm cự được và sẽ bị đổ vỡ, lan truyền. Còn đối với SHB, sự phát triển của năm 2013 sẽ là tiền đề cho 2014. Nhưng chúng tôi phải cảnh giác sự đổ vỡ của nhiều DN không trụ được nữa thì cần có tính toán, dự báo. Cần có dự phòng và các phương án khi có vấn đề xảy ra.
Lao động
|