Kinh tế 2013: Lỗi hẹn nhiều chỉ tiêu
Tăng trưởng kinh tế năm 2013 tiếp tục một năm thất bát khi tổng sản phẩm trong nước chỉ dừng ở mức 5,42% trong khi mục tiêu đề ra là 5,5%. Năm 2013 cũng chứng kiến cộng đồng doanh nghiệp "rơi rớt” nhiều với con số ngừng hoạt động và giải thể vượt hơn 60.000.
Sáng ngày 23-12, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2013. Thông tin từ cuộc họp cho thất, trong năm 2013 tổng số DN đăng ký thành lập mới là 79655 donh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng đăng ký giảm 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp tăng 11,9% so với năm trước.
Tình hình khó khăn, DN co cụm sản xuất. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam ngưng trệ giữa đình đốn và tăng trưởng. Điều này khiến cho tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2013 tăng 5,42%. Trong mức tăng này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67% . Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43 (thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước); khu vực dịch vụ tăng 6,6%.
Năm 2013, cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng vọt, ước tính 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,58% và khu vực nông thôn là 1,58%. Trong khi đó số liệu tương ứng của năm 2012 lần lượt là 1,96%; 3,21%; 1,39%.
Tưởng chừng như năm 2013 khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát nhưng nhìn lại, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đây là con số không hề thấp. Đặc biệt, mức tăng này có "công trạng” của nhiều đợt điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu.
Phân tích cụ thể tác động của các mặt hàng nói trên, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng và 6 đợt giảm trong năm 2013 nhưng nhìn chung vẫn tăng. Chung quy đến thời điểm hiện tại, giá xăng tăng 120 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 340 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng 2,18% đóng góp 0,08% vào CPI. Bên cạnh đó, giá điện được điều chỉnh vào tháng 1 và tháng 8-2013 tổng cộng 10% đã góp thêm 0,25% vào CPI. Giá gas cả năm tăng thêm gần 5% đóng góp 0,08% vào CPI cả nước. Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cho sản xuất tăng vào dịp cuối năm; Ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão... cũng khiến CPI tăng lên. Đánh giá về mức tăng CPI cả năm nay, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng: "Nói là thấp nhưng theo quan điểm của chúng tôi, 6,04% không phải là thấp. Thấp vì chúng ta đã quen với việc CPI các năm tăng rất cao mà thôi”.
Các số liệu về tình hình kinh tế xã hội đã được làm rõ. Bình luận với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, lạm phát năm 2013 thấp vì sức mua thấp. Năm 2014 cần phải tập trung cải thiện sức mua.
TS Lê Đăng Doanh nhận xét: "So với nhiều năm và mục tiêu của cả năm thì lạm phát trên 6% vẫn ở mức thấp. Nhưng so với lạm phát của các nước trong khu vực thì tỷ lệ trên vẫn là cao, các nước trong khu vực chủ yếu tăng khoảng 3%. Việt Nam tăng hơn 6% là gấp đôi các nước khác rồi”. Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng việc điều chỉnh giá một số mặt hàng: xăng dầu, điện, gas… đều phải xem xét thận trọng vì sẽ gây nên tác động dây chuyền, tác động đến giá từng quả trứng, mớ rau.
Dự báo về lạm phát năm tới (2014), vẫn theo ông Nguyễn Đức Thắng, chỉ số này sẽ tăng khoảng 7% so với năm nay nếu có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Theo đó, một số yếu tố tác động CPI năm tới là: phát hành bổ sung trái phiếu, lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước, nới tỉ lệ cân đối ngân sách…
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|