Thứ Ba, 24/12/2013 09:16

Chưa yên tâm với lạm phát thấp

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng mức tăng lạm phát thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây với 6,04% vẫn chưa phải là dấu hiệu của sự phát triển kinh tế lành mạnh.

* Tăng 6.04%, CPI năm 2013 thấp nhất trong 10 năm

Sáng 23-12, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã công bố các chỉ số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng khoảng 5,42% so với năm 2012; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,04% so với tháng 12-2012.

Không còn là ngựa bất kham

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê - nhận xét đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Kể từ năm 2004 đến nay, ghi nhận 4 năm có CPI tăng rất cao: năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 19,89%; năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 cũng là mức thấp so với tăng 9,21% của năm trước.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mức tăng CPI vừa công bố chứng tỏ lạm phát không còn là con ngựa bất kham. Ông Long cho rằng CPI tăng thấp do toàn bộ hàng hóa thuộc nhóm có quyền số lớn trong rổ tính CPI là lương thực phẩm (40%) có xu hướng ổn định và giảm; một số nhóm như nhà ở, bất động sản thì thị trường rất trầm lắng… Hơn nữa, tốc độ tăng của các tháng cũng khá hợp lý. Trong năm 2013, chỉ có 3 tháng tăng trên 1% (tháng 1, 2, 9), riêng tháng 8 tăng khá cao với mức 0,83%, đều hoàn toàn phù hợp với quy luật. “Tính từ năm 2007-2011, CPI của Việt Nam theo quy luật cứ 2 năm tăng cao, 1 năm thấp nhưng 2 năm gần đây lại khá ổn định với trên 6% chứng tỏ hoạt động kiểm soát lạm phát của nhà nước không chỉ có tác dụng trong ngắn hạn mà ngay trong trung hạn cũng chấp nhận được” - ông Long nhận định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - cho rằng CPI năm nay có thể đánh giá là tăng tương đối thấp nhưng thực chất thì không phải vậy mà do tâm lý chúng ta đã quen với mức tăng quá cao từ những năm trước.

Dự báo năm 2014, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng CPI sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá cao. Một số yếu tố có thể tác động đến CPI năm tới phải kể đến là việc phát hành bổ sung trái phiếu; lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước; nới tỉ lệ cân đối ngân sách… “Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm tới như Quốc hội đã đề ra có thể đạt được. Tuy nhiên, sự ổn định lạm phát của Việt Nam không chắc chắn lắm nên cần tiếp tục đề nghị Chính phủ có những cam kết về kiểm soát lạm phát” - ông Thắng nói.

Thiếu bền vững

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng ngoài đóng góp của công tác quản lý nhà nước thì sức mua yếu, doanh thu bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 5%, tồn kho lớn cũng góp phần làm tốc độ tăng lạm phát thấp. “Sức mua thấp khiến cung cầu mất cân đối, đầu tư giảm, tăng trưởng kinh tế vì thế chưa đạt kết quả tốt và có nguy cơ trì trệ kéo dài” - ông Long cảnh báo. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đánh giá cách khống chế giảm lạm phát như trên sẽ không bền vững bởi tốc độ tăng trưởng lạm phát vẫn lớn hơn GDP. Điều này cho thấy kinh tế vĩ mô chỉ đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, các mục tiêu khác vẫn còn đáng lo, nhất là việc tăng trưởng chưa hợp lý, thu chi ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu khiến bội chi ngân sách tăng…

Theo TS Lê Đăng Doanh, tuy CPI năm nay là thành tựu đáng ghi nhận so với mức tăng những năm trước do cung tiền tệ và cung tín dụng được nhà nước kiểm soát tốt. Thế nhưng, so sánh với khu vực Đông Nam Á thì chỉ số này vẫn cao nhất. “Ngay như Trung Quốc, từ năm 1990, tăng trưởng 10% nhưng lạm phát chỉ 2%-3%. Tuy phải nhìn nhận khách quan do bối cảnh giai đoạn đó khác nay nhưng luôn phải đặt ra yêu cầu tăng trưởng GDP cao hơn lạm phát. Chỉ số CPI năm nay không phải là dấu hiệu của sự tăng trưởng kinh tế lành mạnh” - TS Doanh đánh giá.

Điện, xăng ảnh hưởng trực tiếp CPI

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết riêng mặt hàng xăng dầu với tổng cộng 10 lần điều chỉnh tăng, giảm giá khiến giá xăng RON 92 tăng lên 120 đồng/lít, tương ứng với mức tăng 2,18%. Đóng góp của riêng các mặt hàng xăng, dầu vào CPI cả nước là 0,08%. Riêng lần tăng giá xăng dầu 580 đồng/lít mới đây sẽ đóng góp vào CPI tháng sau khoảng 0,1%. Giá điện có 2 lần tăng với tổng cộng 10%, đóng góp vào chỉ số CPI chung của cả nước thêm khoảng 0,25%.


Phương Nhung

nlđ

Các tin tức khác

>   Các Bộ trưởng nói về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 (24/12/2013)

>   Chuyên gia: Nền kinh tế chưa lúc nào bền vững (24/12/2013)

>   Điều chỉnh cách tính GDP (23/12/2013)

>   Tiếp tục trọng tâm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát (23/12/2013)

>   Gần 61 nghìn doanh nghiệp phải “chết” trong năm 2013 (23/12/2013)

>   GDP năm 2013 tăng hơn 5,4% (23/12/2013)

>   Tăng 6,04%, CPI năm 2013 thấp nhất trong 10 năm (23/12/2013)

>   CPI tại Hà Nội vượt 7% năm 2013 (21/12/2013)

>   CPI TPHCM tăng 5,2% trong năm 2013 (20/12/2013)

>   Nửa đầu tháng 12 nhập siêu 90 triệu USD (19/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật