Thứ Năm, 26/12/2013 23:16

Chuyên gia kiến nghị tạo môi trường tốt hơn cho DN tư nhân

Việt Nam cần tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân, tinh giảm bộ máy hành chính nhà nước và nhiều cải cách khác nếu không muốn tụt hậu quá xa, theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu đất nước.

Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải cách DNNN để tạo không gian cho phát triển. Ảnh TH

Kiến nghị này được các thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2000 đưa ra tại cuộc tham vấn về cải cách thể chế do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều ngày 26-12.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, những kiến nghị của chuyên gia sẽ được tiếp thu trong một báo cáo để trình lên Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo một môi trường kinh doanh mà Việt Nam đã từng có khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000.

Khơi dậy tinh thần kinh doanh

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Tôi cho rằng phải thay đổi hệ thống khuyến khích sao cho người ta không nhắm tới đầu cơ đất đai, mà khuyến khích những người dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận sáng kiến mới đầu tư kinh doanh”.

Bà bổ sung thêm: “Yêu cầu tới đây là phải thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chứ không còn đơn giản là tự do hóa nữa. Các hiệp định tự do hóa thương mại đều nói điều này… Nếu chúng ta không làm thì doanh nghiệp tư nhân tiếp tục còn chết nữa”.

Chuyên gia Nguyễn Mại đồng tình: “Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển nhanh như giai đoạn sau năm 2000 nếu tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân”. Ông nhận xét, vốn trong dân vẫn nhiều, kiều hối mỗi năm tới 11 tỉ đô la Mỹ, người dân đang giữ khoảng 400 tấn vàng.

Ông nói: “Ý tưởng kinh doanh của người dân còn rất nhiều, và cần được sự hỗ trợ của nhà nước. Làm sao mà để hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm”.

Ông Mại cho rằng, cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhà nước lớn hướng vào nghiên cứu, phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Giảm can thiệp nhà nước

Để tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, bà Lan cho rằng phải giảm can thiệp hành chính của nhà nước. “Nhà nước đang can thiệp quá nhiều vào thị trường. Giảm can thiệp nhà nước thì bộ máy nhà nước sẽ đảm đương tốt hơn chức năng quản lý nhà nước, mà doanh nghiệp có không gian rộng hơn để phát triển”.

Chuyên gia Vũ Quốc Tuấn đồng tình: “Bộ máy nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh và người dân”.

Chuyên gia Trần Hữu Huỳnh bổ sung thêm: “Vấn đề là xác định nhà nước làm gì, và thị trường làm gì. Phải tách bạch ra được những vai trò này”.

Ông Huỳnh nói: “Nếu chúng ta không cải cách về giáo dục, tư tưởng thì không thể cải thiện tinh thần kinh doanh được. Không có tự do sáng tạo, không có tư duy đổi mới thì chúng ta chỉ giảm được đói nghèo, chứ không thể thịnh vượng được”.

Giảm vai trò của DNNN

Ông Huỳnh nói: “Chúng ta không thể quên cải cách DNNN được vì nó liên quan đến không gian phát triển. DNNN như ô tô mà cứ lạch lè đi trước thì doanh nghiệp tư nhân không thể lên được. Vì thế, để phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, phải cải cách DNNN”.

Chuyên gia Đặng Đức Đạm đồng tình: “Hiến pháp mới đã ghi kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nhưng như vậy không có nghĩa DNNN là chủ đạo. Họ phải bình đẳng như các thành phần kinh tế khác”, ông nói và cho rằng cần căn cứ vào điều này để thiết kế các chính sách cho DNNN.

Ông thêm rằng, nhà nước phải thiết kế chính sách vĩ mô để tái cấu trúc khu vực DNNN, thay vì cứ yêu cầu tái cấu trúc từng DN vì đó là việc quản trị vi mô của bản thân doanh nghiệp.

Tư Hoàng

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Các CEO lạc quan về doanh thu năm 2014 (26/12/2013)

>   Việt Nam có thực tâm muốn cải cách? (26/12/2013)

>   Hà Nội đóng góp 10,1% GDP cả nước (26/12/2013)

>   Tổng cục Thống kê lý giải cách tính số liệu mới (25/12/2013)

>   Ông Nguyễn Xuân Thành: Kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường (25/12/2013)

>   Kinh tế 2013: Lỗi hẹn nhiều chỉ tiêu (24/12/2013)

>   Chưa yên tâm với lạm phát thấp (24/12/2013)

>   Các Bộ trưởng nói về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 (24/12/2013)

>   Chuyên gia: Nền kinh tế chưa lúc nào bền vững (24/12/2013)

>   Điều chỉnh cách tính GDP (23/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật