Khả năng lạm phát cao vẫn tiềm ẩn trong năm 2014
Cục Quản lý giá nhận định, năm 2014 vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013, cùng với đó là tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng đang trong tầm kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng giá. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
|
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2013 và dự báo 2014” do Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) phối hợp với Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 30/12.
Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, sang năm 2014, diễn biến thị trường giá cả một mặt vẫn chịu sự tác động bởi các chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống cũng như xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng.
Mặt khác, lại chịu sự ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khóa như tăng thâm hụt ngân sách nhà nước lên 5,3% GDP, đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2011-2015.
Thêm vào đó, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và cố gắng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể buộc dòng tiền vận động nhanh hơn với quy mô lớn hơn khiến áp lực lạm phát tăng lên.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng trong năm 2014, những khó khăn thách thức của nền kinh tế về cơ bản vẫn còn, kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang trong tầm kiểm soát, sức mua yếu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng giá.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng 11/2013; tăng 6,04% so với tháng 12/2012 và chỉ số CPI bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với năm 2012.
Đây là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua (2004-2013).
Diễn giả Phạm Minh Thụy, Viện kinh tế-Tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, diễn biến giá cả trong năm 2013 cho thấy CPI đã phá vỡ xu hướng biến động giá có tính quy luật là “hai năm nhanh, một năm chậm” đã hình thành ở nước ta trong chín năm trước đó (2004-2012).
Điều này thể hiện sự điều hành, can thiệp của Chính phủ vào thị trường, giá cả ở Việt Nam đã chủ động, có liều lượng và bài bản hơn.
“Do vậy giá cả không còn bị ‘nhảy múa’ giữa hai thái cực (tăng nhanh rồi lại chậm, rồi lại nhanh như chín năm trước đó)”, ông Phạm Minh Thụy khẳng định.
Diễn giả Phạm Minh Thụy cũng nhấn mạnh, diễn biến giá cả khá ổn định của năm 2013 cho thấy đây là “cơ hội tốt” để Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng này theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
Ngoài ra, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu (xăng dầu, phân bón, phôi thép…) trên thị trường thế giới biến động phức tạp, vì vậy, giá các mặt hàng này ở Việt Nam sẽ biến động theo hướng đó./.
Đỗ Huyền
Vietnam+
|