FDI tăng mạnh: Mừng hay lo?
FDI là một điểm sáng của nền kinh tế năm 2013. “Trong 4 cỗ máy của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và FDI thì cái sau cùng là hoạt động hiệu quả nhất”.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến ngày 15.12.2013 đã đạt mức kỷ lục 21,6 tỉ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Niềm vui này càng được nhân lên khi giữa tháng 12, hãng tin Bloomberg cho biết Tập đoàn Samsung sẽ chuyển dần các nhà máy sản xuất điện thoại di động từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu: Việt Nam sẽ thay dần Trung Quốc để sản xuất tới hơn 80% điện thoại di động Samsung cung cấp cho thế giới.
Trên thực tế, FDI là một điểm sáng của nền kinh tế năm 2013. “Trong 4 cỗ máy của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và FDI thì cái sau cùng là hoạt động hiệu quả nhất”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhận xét.
Lấp lánh FDI
Theo ông Doanh, có 3 nguyên nhân chính khiến vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Trước hết là chi phí lao động vẫn rẻ hơn so với một số nước trong khu vực. “Samsung đánh giá năng suất lao động của nhân công Việt Nam bằng 80% của Hàn Quốc, nhưng chi phí lao động chỉ bằng 10%”, ông nói.
Trong khi đó, lý giải cho xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam của Samsung, Bloomberg cũng cho rằng, cắt giảm chi phí là nguyên nhân chủ yếu. Mức lương trung bình của lao động Việt Nam hiện vào khoảng 145 USD/tháng, chỉ bằng 1/3 mức lương của lao động Trung Quốc.
Mục tiêu của Samsung tại Việt Nam có thể thấy rõ qua quy mô các dự án đầu tư của tập đoàn này. Chẳng hạn, dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên trị giá 1,2 tỉ USD, chuyên sản xuất và lắp ráp các bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI và linh kiện phụ tùng cho thiết bị viễn thông, thiết bị di động, thiết bị điện và điện tử. Hồi tháng 3.2013, Samsung cũng đã khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất điện thoại di động và linh kiện có vốn đầu tư lên đến 2 tỉ USD tại Khu Công nghiệp Yên Bình cũng thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Lý do khác cho sự hào hứng của nhà đầu tư nước ngoài là họ đặt kỳ vọng vào việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một trong những nội dung chính Việt Nam có thể hưởng lợi sau khi ký kết là trên 90% thuế xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 12 nước sẽ được hạ xuống mức 0%. “Với tỉ trọng xuất khẩu từ khối FDI đạt khoảng 56% trong năm 2013, đây là động cơ lớn thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục đổ vốn mạnh hơn vào Việt Nam”, ông Doanh cho biết.
Lý do thứ ba là các nhà đầu tư Nhật và Hàn Quốc đều đang theo xu hướng “Trung Quốc+1” nhằm đa dạng hóa đầu tư. Những thị trường có thể lựa chọn là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Nhờ chính sách ưu đãi thuế, các quốc gia này đã thu hút được vốn FDI từ các tập đoàn công nghệ cao của Nhật và Hàn Quốc. Khu Công nghiệp Yên Bình của Thái Nguyên là một ví dụ. Tại đây, Samsung được hoạt động theo cơ chế khu chế xuất. Theo đó, tập đoàn Hàn Quốc này sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu.
Đằng sau ánh hào quang
Trong khi số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam lên tới 21,6 tỉ USD thì con số giải ngân thực tế chỉ ước đạt 11,5 tỉ USD. Theo một chuyên gia kinh tế (không muốn nêu tên), vốn pháp định hoặc vốn điều lệ mới là quy định có tính pháp lý buộc nhà đầu tư nước ngoài phải đưa vốn vào Việt Nam để triển khai dự án. Nhưng tỉ lệ này mới chiếm khoảng 40-50%, phần còn lại là vốn vay và đối với không ít dự án, nó còn được huy động từ nguồn vốn trong nước. Vì vậy, vốn FDI được giải ngân hằng năm thường chỉ bằng 50-54% tổng vốn đăng ký.
Tuy nhiên, hầu hết các dự án FDI đều phải trải qua một khoảng thời gian nhất định để có thể “tiêu hóa” được số vốn giải ngân. “Những dự án có quy mô vốn đầu tư càng lớn thì thời gian càng dài hơn, nên việc so sánh tỉ lệ vốn thực hiện với vốn đăng ký của cùng một năm là khập khiễng”, vị chuyên gia này nói.
Ngoài ra, không ít dự án FDI có số vốn đăng ký bao gồm cả giá trị của diện tích đất được thuê hay do chính quyền địa phương đóng góp theo những điều khoản thỏa thuận nhất định. Vì vậy, nếu xét kỹ các số liệu này thì giá trị vốn thực hiện có thể sẽ thấp hơn cả tỉ lệ 50% (so với vốn đăng ký) nói trên.
Hãy trở lại câu chuyện của Samsung. Việc Chính phủ cấp quy chế doanh nghiệp khu chế xuất với nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho Samsung là hợp lý. Nhưng điều này có thể tạo ra tác dụng ngược, do quá trình xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cho đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Các doanh nghiệp công nghệ cao như Samsung đang rất cần có doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đi theo để hoàn tất chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng vì doanh nghiệp nội địa chưa thể đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu nên Samsung vẫn phải tiếp tục đưa sang Việt Nam các công ty thuộc chuỗi cung ứng của mình từ Hàn Quốc và các nước khác.
Nếu vòng lẩn quẩn này cứ tiếp tục thì Việt Nam sẽ khó có thể xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa và doanh nghiệp trong nước vốn chỉ làm gia công sẽ lâm vào cảnh “chết lâm sàng”.
Một điều nữa là thực tế cho thấy, càng thu hút vốn FDI, tài nguyên quốc gia càng cạn kiệt. “Năm 2013, chỉ riêng nhà máy Samsung ở Bắc Ninh đã làm gia tăng sản lượng tiêu thụ điện của tỉnh này lên hơn 30%”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết. Mức tăng đột biến này nhiều khả năng sẽ kéo theo việc tăng giá điện tại địa phương trong thời gian tới, ảnh hưởng không ít đến giá thành sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại đây.
Tỉ lệ tăng trưởng kỷ lục hơn 54% trong thu hút vốn FDI năm nay đã giúp kim ngạch xuất khẩu điện thoại và các linh kiện đạt tới 21,5 tỉ USD, đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời soán luôn ngôi quán quân của dệt may.
Kết quả này đã góp phần đưa thành tích xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI lên mức 13,9 tỉ USD. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, mặc dù khối FDI đã giúp giải quyết việc làm cho người lao động nhưng hiệu quả mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao, do khối này chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
Còn Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thì cho rằng doanh nghiệp nội địa đang rất cần hiệu ứng lan tỏa từ FDI. Nhưng việc này cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện. Đã hơn ¼ thế kỷ kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ vẫn giậm chân tại chỗ vì nhiều lý do. Đối với việc chuyển giao công nghệ, tuy khối FDI có công nghệ cao hơn doanh nghiệp nội địa, nhưng hầu hết các nhà đầu tư quốc tế đều chủ trương hạn chế việc này hay trì hoãn càng lâu càng tốt. Thậm chí, họ còn đưa vào Việt Nam một số loại công nghệ lạc hậu.
“FDI là câu chuyện cần thiết cho các nước đang phát triển nhưng không phải là phép màu. Đã đến lúc Việt Nam phải tìm cách tối đa hóa hiệu quả, chứ không phải tối đa hóa lượng vốn FDI”, ông Thành nhận xét. Theo ông, việc thu hút FDI cần được định hướng vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, cần hạn chế thu hút FDI trong lĩnh vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên và đất đai trong nước.
Nhật, một cường quốc về ôtô, từng rất quan tâm tới chiến lược sản xuất ôtô của Việt Nam. Nhưng do chính sách của Việt Nam còn nhiều bất hợp lý, nên vốn FDI Nhật vào Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào những ngành như tài chính, tiêu dùng, xây dựng, dệt may. Đây chủ yếu là những lĩnh vực có lợi thế ngắn hạn và phục vụ cho tiêu dùng nội địa.
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho rằng các hãng xe hơi của Nhật đang tạo ra những bước đi “không bám rễ” tại Việt Nam. Chẳng hạn, hãng xe Honda hay Toyota khi qua Việt Nam đã kéo theo các nhà cung cấp linh kiện để tiện cho việc lắp ráp. Nguyên do là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của họ. Nếu Honda hay Toyota dời nhà máy ra khỏi Việt Nam, các nhà cung cấp linh kiện có thể cũng sẽ đi theo. Khi đó, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam coi như mất đi động lực chính.
Gần đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến về cơ hội đầu tư năm 2014, ông Đậu Anh Tuấn, Quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã thừa nhận: “Tăng trưởng mạnh FDI là chỉ dấu của những tin buồn cho nền kinh tế Việt Nam”. Để dẫn chứng, ông đặt câu hỏi là có phải nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn đang phải đầu tư vào “quan hệ”, mà không đầu tư vào ngành nghề cốt lõi của mình, hay thể chế của Việt Nam chưa thực sự hỗ trợ khu vực này phát triển.
Bên trọng bên khinh?
Có một thực tế là trong khi khối FDI được ưu đãi về mặt chính sách thì doanh nghiệp nội địa lại ít được quan tâm, tạo điều kiện.
Gần đây, Viettel đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận hỗ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa trong thời gian 5 năm (2013-2017).
Theo Viettel, nhiều linh kiện quan trọng trong nước chưa tự sản xuất được nhưng vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cao như motor rung cho điện thoại (25%), pin điện thoại (20%). Mức thuế cao đã khiến sản phẩm do các doanh nghiệp nội sản xuất có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập nguyên chiếc.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện thoại di động không có tên trong danh mục được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu quy định tại điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP. Trường hợp dự án sản xuất, lắp ráp điện thoại di động của Viettel đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế trong vòng 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.
Viettel cho rằng họ bị thiệt thòi về ưu đãi so với Samsung, một doanh nghiệp FDI. “So với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước chưa được hỗ trợ nhiều, trong khi phải đối đầu với nhiều thách thức”, văn bản kiến nghị của Viettel cho biết.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Chính phủ cần phải có những quyết sách nhanh chóng cho vấn đề này. Trước mắt, cần khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Một trong những cách khả thi nhất là khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và dành cho họ sự ưu đãi về thuế, nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa trước sản phẩm nước ngoài.
Vĩnh Bảo
ncđt
|