Dư nợ công ở mức đảm bảo an toàn
Dự kiến đến cuối năm 2013, dư nợ Chính phủ bằng 42,6% GDP, dư nợ công bằng 56,2% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2014 dư nợ Chính phủ bằng 46,2% GDP và dư nợ công bằng 59,8% GDP. Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu an toàn về nợ công được đảm bảo theo các chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nước ta đã thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy tình trạng nợ quá hạn.
Luôn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ
Tính đến ngày 31-12-2012, tổng số nợ công là 1.642.916 tỷ đồng, bằng 55,7% GDP năm 2012. Dự kiến đến cuối năm 2013, dư nợ Chính phủ mức 1.573.810 tỷ đồng, bằng 42,6% GDP, dư nợ công mức 2.074.838 tỷ đồng, bằng 56,2% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2014 dư nợ Chính phủ mức 1.952.280 tỷ đồng, bằng 46,2% GDP, dư nợ công mức 2.528.380 tỷ đồng, bằng 59,8% GDP.
Về tình hình nợ Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2012, tổng số nợ Chính phủ là 1.279.994 tỷ đồng, bằng 43,3% GDP; trong đó nợ nước ngoài 726.314 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), nợ trong nước 553.680 tỷ đồng (chiếm khoảng 43%). Đối với vay về cho vay lại, tính đến 31-12-2012, tổng dư nợ các khoản cho vay lại là 10,84 tỷ USD, tương đương 225,85 nghìn tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá hạch toán ngân sách tháng 12-2012). Tổng nợ quá hạn cho vay lại là 373,94 triệu USD, chiếm 3,45% tổng dư nợ cho vay lại.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các nguồn vốn vay trong và ngoài nước là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các khoản cho vay theo hạn mức tín dụng qua các ngân hàng thương mại được hoàn trả đầy đủ cho Bộ Tài chính, không phát sinh nợ quá hạn.
Về nghĩa vụ nợ của Chính phủ (không kể đảo nợ) so với thu ngân sách Nhà nước hàng năm luôn đảm bảo nằm trong giới hạn an toàn, bình quân khoảng 14-15% so với tổng thu NSNN. Theo Bộ Tài chính, ngoài việc ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước để trả các khoản trả nợ vay của Chính phủ hàng năm, việc thành lập Quỹ Tích luỹ trả nợ cũng có tác động tích cực trong việc tập hợp các nguồn thu từ các dự án cho vay lại, thu phí bảo lãnh để trả nợ, giảm bớt sự căng thẳng trong cân đối nguồn trả nợ từ ngân sách Nhà nước, tăng cường vốn cho đầu tư phát triển và các nhu cầu chi tiêu khác của Chính phủ trong từng giai đoạn. Tuy nhiên từ năm 2013, tổng thu từ Quỹ Tích lũy trả nợ có xu hướng giảm dần đặt ra yêu cầu cấp thiết là nguồn vốn của Quỹ phải được bảo toàn và tăng trưởng.
Đổi mới công tác quản lý để giảm áp lực nợ
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay, đã làm nợ công có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua, có thể ảnh hưởng tới sự bền vững nợ công. Nếu nhìn vào các con số nợ tăng dần qua các năm có thể thấy điều đó. Ví dụ, năm 2006 ở mức 405 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% GDP; năm 2010 là 1.392 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% GDP và năm 2012 là 1.643 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% GDP.
Trong khi đó, việc huy động vốn vay mới chỉ căn cứ vào nhu cầu, đề xuất danh mục các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương (vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trái phiếu Chính phủ), mà chưa đặt trong mối quan hệ với các hạn mức nợ công, xác định mức vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ, đảm bảo an toàn nợ và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện tại, Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh. Bên cạnh đó, do khó khăn của nền kinh tế dẫn đến nợ xấu từ các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ gia tăng, làm tăng gánh nặng trả nợ của Chính phủ...
Để tiếp tục đổi mới công tác quản lý nợ, theo Bộ Tài chính, Bộ sẽ phải đúng là cơ quan “giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công”, bao gồm tất cả các khâu: Từ huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay đến trả nợ. Triển khai công tác nghiên cứu đề xuất mô hình đổi mới tổ chức quản lý nợ theo hướng hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, với việc giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại với việc tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp/nhà đầu tư, giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của chính phủ về cho vay lại. Mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm đối xử công bằng giữa các địa phương.
Minh Anh
Hải Quan
|