Thứ Bảy, 14/12/2013 14:14

Việt Nam: Cần chiến lược kép!

Dư địa chính sách bị thu hẹp, tiến độ cải cách của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lần lượt là những trở ngại ngắn hạn, dài hạn tác động tới tăng trưởng của Việt Nam.

Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2013, công bố ngày 10/12 tại Viện Kinh tế Việt Nam, ông Sandeep Mahajan- Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra những nhận định khá lạc quan: Tình hình ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện, lạm phát duy trì ở mức hợp lý, các tài khoản đối ngoại được tăng cường. Áp lực đối với đồng Việt Nam cũng giảm đáng kể. Cán cân ngoại thương và cán cân tài khoản vốn tăng mạnh hơn đã tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối tới mức tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu, so với mức 1,6% vào tháng 12/2011.

“Tuy nhiên, mục tiêu duy trì bền vững đà phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn gặp trở ngại”- ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh. Ngân sách chịu áp lực ngày càng tăng, Chính phủ đang phải đối mặt với một số lựa chọn quan trọng về chính sách tài khóa khi cùng lúc theo đuổi hai mục tiêu: Vừa phục hồi, tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Tiến độ cải cách DNNN đã diễn ra với tốc độ chậm hơn dự kiến do khung pháp lý rườm rà và những hạn chế về phân tích tài chính, nghiệp vụ...

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, không thể không tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo nhận định của WB, kinh tế Việt Nam đang tốt lên nhưng nền tảng vẫn yếu, do đó, những cảnh báo rủi ro không bao giờ thừa.

“Ổn định vĩ mô được củng cố nhưng vẫn còn một vài rủi ro quan trọng”- ông Sandeep Mahajan phân tích. Thứ nhất, tổng cầu của khu vực tư nhân vẫn yếu và dễ bị ảnh hưởng bởi các diễn biến kinh tế tiêu cực. Thứ hai, xác xuất tuy nhỏ nhưng chính sách tài khóa và tiền tệ có thể phải nới lỏng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu. Thứ ba, đà cải cách cơ cấu có thể bị chậm lại, khiến tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa. Thứ tư, khu vực ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trước những dịch chuyển về lòng tin của người gửi tiền và bảng cân đối tài sản của các ngân hàng yếu kém có khả năng xấu đi.

Triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn được Báo cáo trên khẳng định vẫn thuận lợi. Dự kiến, tỷ lệ tăng trưởng GDP trong kịch bản sẽ tăng lên mức 5,5% vào năm 2015. Dự báo dựa trên giả định kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, với chính sách tiền tệ thận trọng và rút dần gói kích thích tài khóa theo lộ trình, đồng thời tập trung hơn vào cải cách cơ cấu, trong đó chú trọng DNNN và ngân hàng. Cán cân thanh toán vãng lai sẽ tiếp tục có thặng dư, dù ở mức khiêm tốn hơn vì nhập khẩu sẽ tăng nhanh trở lại theo kỳ vọng phục hồi kinh tế. Dòng vốn đổ vào sẽ được tăng cường khi niềm tin các nhà đầu tư được khôi phục và mức tích lũy ngoại hối sẽ tăng cao hơn nữa. Nhưng ông Sandeep Mahajan cũng nhắc nhở: “Triển vọng về nợ công còn ẩn chứa những rủi ro, điều đó càng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố tài khóa”.

Việt Nam cần một chiến lược kép, ông Sandeep Mahajan khẳng định và cho rằng, trong dài hạn, Việt Nam cần tiến tới các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị thông qua việc cập nhật công nghệ. Nhưng trước mắt, Việt Nam cần chú trọng mục tiêu tăng cường ba trụ cột chính: Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, đơn giản hóa các thủ tục, quy định về thương mại và tổ chức lại chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi phát triển thương mại.

Hải Vân

Công thương

Các tin tức khác

>   FDI đua nước rút cuối năm (13/12/2013)

>   Các TCTD kỳ vọng CPI tháng 12 tăng 0,62% (13/12/2013)

>   PGS.TS. Lê Xuân Bá: Không thể ném tiền vào rồi tiêu không hiệu quả (13/12/2013)

>   Chúng ta vừa giàu hẳn lên! (12/12/2013)

>   Moody's: Việt Nam đã đạt tiến triển trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (12/12/2013)

>   Kinh tế vĩ mô 2014: Cơ hội hưởng hiệu ứng lan tỏa (12/12/2013)

>   Thách thức từ mục tiêu tăng trưởng (12/12/2013)

>   Phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 (11/12/2013)

>   Dự báo nhập siêu 0,5 tỉ USD trong năm 2013 (11/12/2013)

>   GDP Tp.HCM giảm mà GDP bình quân đầu người lại tăng? (10/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật