Thứ Năm, 12/12/2013 06:20

Thách thức từ mục tiêu tăng trưởng

Người lao động chỉ quan tâm đến thu nhập, công việc ổn định… bởi những thứ này rất thực tế chứ không “ảo ảnh” như chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Năm 2013 dự kiến chúng ta sẽ thâm hụt ngân sách khoảng 5,3% GDP, vượt xa mức trần 4,8% cho phép ban đầu. Vì thế sẽ là thách thức khi Chính phủ vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng lại tăng tốc độ tăng trưởng lên 5,8%, phấn đấu đạt 6%.

2-3 năm nữa nợ xấu chưa thể xử lý

Chính việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng này sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn vĩ mô có thể quay trở lại, nhất là trong khi bối cảnh các đề án tái cấu trúc nền kinh tế vĩ mô vẫn đang giậm chân tại chỗ. Bên cạnh các thách thức mới, nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục giải quyết các thách thức tồn đọng.

Tăng trưởng thấp, thâm hụt ngân sách cao và hiện nay tỉ lệ nợ công đã lên đến 55% GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2011, chúng ta đã phải dành ra khoảng 80.400 tỉ đồng cho chi trả nợ, dự kiến trong cả năm 2013 là 109.000 tỉ đồng. Số nợ phải trả này đã chiếm từ 10% đến 12% tổng chi ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng số tiền lãi phải trả cho số nợ này cũng đã lấy đi rất nhiều nguồn lực còn lại để đầu tư và phát triển.

Không những thế, năm 2014 vẫn chưa thể xử lý xong nợ xấu của nền kinh tế. Tiến trình mua nợ theo giá sổ sách còn chậm so với mục tiêu. Hơn nữa, nợ xấu đã bán cho Công ty Mua bán nợ Quốc gia (VAMC) thời gian qua chỉ là một phần rất nhỏ của miếng bánh nợ xấu khổng lồ đã bị giấu đi. Tỉ lệ nợ xấu chính thức được công bố thì rất thấp nhưng thực sự không thấp như vậy. Do đó, VAMC cứ mua hết lớp nợ này thì sẽ lại lòi ra lớp nợ mới. Hơn nữa, nợ xấu mới chỉ chuyển cho VAMC chứ chưa hề được xử lý. Đến 2-3 năm nữa thì nợ xấu cũng chưa thể xử lý triệt để. Trong khi đó, kế hoạch xử lý nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn chưa được “động thổ”. Một khi nợ xấu vẫn chưa được xử lý thì tín dụng sẽ khó có khả năng phục hồi, tiềm năng tăng trưởng sẽ khó mà được đánh thức.

Một khi nợ xấu vẫn chưa được xử lý thì tín dụng sẽ khó có khả năng phục hồi, tiềm năng tăng trưởng sẽ khó mà được đánh thức. Ảnh: HTD

Người dân chỉ quan tâm đến lương và công việc

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8%, phấn đấu đạt 6% trong năm 2014 mà Chính phủ đặt ra có lẽ hơi tham vọng vì trong năm 2013 này chúng ta đặt mục tiêu chỉ 5,5% nhưng có khả năng không hoàn thành. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của chúng ta vẫn không lớn. Các động lực từ trong nước cho tăng trưởng vẫn chưa có dấu hiệu khởi động, trong khi sự phục hồi của kinh tế thế giới có thể hỗ trợ ít nhiều cho sức cầu yếu trong nước. Tuy nhiên, dư địa đến từ sức cầu phục hồi của nền kinh tế thế giới thì chúng ta đã tận dụng gần hết trong năm 2013 nên không còn nhiều cho năm 2014.

Tôi nghĩ điều quan trọng của chính sách kinh tế lúc này, đặc biệt là các chính sách kinh tế ngắn hạn là không nên chạy theo mục tiêu tăng trưởng nữa mà thay vào đó là chính sách phân phối. Nghĩa là đặt con người vào trung tâm của chính sách. Và tăng trưởng kinh tế là 5,5% hay 6% không quan trọng bằng việc 5,5% hay 6% tăng thêm đó rơi vào túi của ai. Nói khác đi, một chính sách phân phối sao cho hài hòa giữa các mục tiêu công bằng, cân bằng và hiệu quả lúc này quan trọng hơn là tăng trưởng bao nhiêu.

Hơn nữa, nếu phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng 5,8% GDP rồi phải nới trần bội chi lên 5,3% GDP, rồi lại mở rộng đầu tư công, trong khi các cải cách cơ cấu và cải cách đầu tư công vẫn giậm chân tại chỗ. Từ đó sẽ có nguy cơ làm cho lạm phát quay trở lại, đánh đổ hoàn toàn niềm tin mà Chính phủ đã gầy dựng được ít nhiều trong hai năm qua.

Nói tóm lại, hiện nay chúng ta cần một chính sách phân phối hơn một chính sách chạy theo tăng trưởng GDP. Chính sách phân phối hãy tập trung vào những thứ mình đang có hiện nay trước đã rồi hãy nói cái mình sẽ có ngày mai.

 Trong điều hành chính sách, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mọi thứ cần phải thực tế hơn một chút. Người dân không quan tâm chúng ta có đạt hay không đạt mục tiêu tăng trưởng, càng không quan tâm con số tăng trưởng là bao nhiêu. Người ta chỉ quan tâm thu nhập của họ như thế nào trong thời gian tới, đời sống vật chất và tinh thần có được nâng lên hay không. Những thứ này rất thực tế và thực chất chứ không “ảo ảnh” như chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Yên Trang ghi

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 (11/12/2013)

>   Dự báo nhập siêu 0,5 tỉ USD trong năm 2013 (11/12/2013)

>   GDP Tp.HCM giảm mà GDP bình quân đầu người lại tăng? (10/12/2013)

>   ANZ: Lạm phát 2014 của VN cao nhất trong các nước mới nổi (09/12/2013)

>   TP.HCM: Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 4.500 USD (09/12/2013)

>   Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất (08/12/2013)

>   CEO Standard Chartered lạc quan với kinh tế Việt Nam (07/12/2013)

>   Chấm dứt xin ODA bằng mọi giá (06/12/2013)

>   Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng (06/12/2013)

>   Thủ tướng: Thu nhập người Việt đạt gần 2.000 USD (05/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật