PGS.TS. Lê Xuân Bá: Không thể ném tiền vào rồi tiêu không hiệu quả
Muốn tái cơ cấu có hiệu quả thì phải trả giá, nhưng rất tiếc là ở Việt Nam cho đến giờ phút này chưa ai nói tới việc phải tính toán tới cái giá phải trả..
PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã bình luận như vậy khi nói về “Tác động của các chính sách đến kinh tế Vêt Nam 2013 và triển vọng 2014”.
Không thể cứu mãi được đâu
Theo bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 đã có nhiều chính sách được ban hành để cải thiện tình hình kinh tế, song hiệu ứng chưa thực sự như mong muốn.
“Mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng tổng vốn đầu tư vẫn tăng khá chậm, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính đến quý III/2013 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ 2012.
Tốc độ tăng vốn các năm 2011-2012 là rất thấp so với giai đoạn trước đó (tương ứng chỉ là 1,9% và 2,4% so với 10,9% và 8,7% trong 2 năm 2009 và 2010 trước đó.
Quy mô vốn thu hẹp làm giảm cơ hội sản xuất kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng làm tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt cao trong năm 2013 cũng như trong vài năm tới”, bà Thu cho biết.
Thêm nữa, tiêu dùng không được cải thiện nhiều do người lao động, người làm công ăn lương thắt chặt chi tiêu vì ảnh hưởng kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế. Các doanh nghiệp giảm chi tiêu do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp quy mô (do thiếu vốn, do hàng hóa không có thị trường tiêu thụ).
Động thái chi tiêu cầm chừng của cả người dân và doanh nghiệp làm ảnh hưởng tiêu cực đến mức tiêu dùng toàn xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý III/2013 mới chỉ đạt 14,26% so với cùng kỳ, tuy có cải thiện hơn so với con số tương ứng của 3 quý liên tiếp trước đó (từ quý IV/2012 đến quý II/2013) nhưng vẫn ở mức rất thấp so với cùng kỳ và so với thông lệ.
Lãi suất giảm nhưng tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Các ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp cũng mong tiếp cận được nguồn vốn, thế nhưng cung cầu vẫn không thể gặp nhau. Phía doanh nghiệp không thể tiếp cận được những khoản vay là do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do ngân hàng đặt ra.
“Trong khi phía ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay. Với bất cập này, khó khăn của doanh nghiệp về thiếu vốn vẫn chưa được giải quyết. Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu vốn thời gian dài đã và đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản”, bà Thu lo ngại.
Năm 2013 nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi các chính sách chưa phát huy tác dụng
|
Đồng tình với những phân tích này, PGS.TS Lê Xuân Bá cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn còn là việc phải khắc phục trong thời gian tới. Như vậy chúng ta cần phải chuẩn bị tâm lý cho người dân, cho cả chúng ta về việc chấp nhận giá cả thị trường của nền kinh tế.
“Nhà nước không thể bao cấp, che chắn mãi được đâu. Theo tôi không giải quyết ngay, càng để tích tụ thì cái giá phải trả càng lớn. Giống như chúng ta đi xe máy thấy chỗ nào hỏng chữa ngay thì tiền chữa một lần không nhiều. Nhưng vì lý do gì đó chúng ta không chữa để đến khi hỏng không đi được nữa, phải đại tu thì lúc đó số tiền bỏ ra rất nhiều. Vậy thì việc thực hiện giá trị trường cũng giống như thế”, TS Bá nói.
Ông Bá cũng cho rằng xu hướng hiện nay nhất định phải thực hiện theo cơ chế thị trường, không thể chống lại được và cũng không thể làm khác được.
Không thể mãi ném tiền mãi được
Chỉ ra điểm cần thiết mà chính sách phải hướng tới trong năm 2014 và các năm sau, bà Thu cho rằng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa...
“Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp chuẩn bị và nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế”, bà Thu nhấn mạnh.
Đặc biệt cần đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù các bước cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng tốc độ còn chậm và hiệu quả còn thấp. Vì thế, các chương trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp cần phải được Chính phủ chỉ đạo và thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014.
Tuy nhiên ông Bá lưu ý, tới đây cần chú trọng nâng tỉ lệ đóng góp tiền chênh của đồng vốn đối với GDP chứ đừng có đơn giản kiếm tiền ném vào nền kinh tế.
“Kiếm tiền để ném vào nền kinh tế là tốt nhưng phải sử dụng thế nào đó cho đồng tiền có hiệu quả thì sẽ tốt hơn là việc mải kiếm tiền ném vào đó. Suốt ngày kêu gọi FDI, ODA, rồi tiền của dân nữa nhưng mà đầu tư kém hiệu quả. Người ta nói 1 vốn 4 lời, 1 vốn 1,5 lời đằng này 1 vốn 0,5 lời thậm chí chẳng được đồng nào cả … vậy thì quan trọng hơn là phải làm thế nào để có thể 1 vốn 4 lời, 10 lời thì chính sách mới thực sự có hiệu quả”, TS Bá phân tích.
Do vậy TS Bá cho rằng, để làm được điều này thì đi liền với nó là vấn đề tái cơ cấu và đổi mới nguồn lực tăng trưởng. Tuy nhiên chuyện tái cơ cấu thời gian chưa làm được như mong muốn. Muốn tái cơ cấu có hiệu quả thì phải trả giá, nhưng rất tiếc là ở Việt Nam cho đến giờ phút này chưa ai nói tới việc phải tính toán tới cái giá phải trả.
“Phải chấp nhận trả giá thì mới tái cơ cấu được. Hệ thống của chúng ta, xã hội, nền kinh tế của chúng ta chịu được mấy cú đòn. Vì vậy phải tính toán xem nền kinh tế của chúng ta sức chịu đựng như thế nào, kháng chữa bệnh thế nào để đưa ra việc tái cơ cấu mạnh hay yếu, nhanh hay chậm. Điều này cần được Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia nghiên cứu kỹ hơn và chỉ ra cụ thể”, ông Bá đề nghị.
Ông Bá cho rằng năm 2014-2015 vẫn phải nói tới chuyện chính sách tiền tệ và quan trọng nhất là vấn đề nợ xấu. Nhưng ông cũng lo ngại hiện VAMC mua nợ không bằng mấy bà mua ve chai vì bà mua ve chai về bán được ngay còn VAMC thì mua nợ về để đó.
“Do vậy thời gian tới vẫn phải hạn chế chi chứ không thể tiêu vung tiêu vãi như thời gian vừa qua. Phải cải cách được DNNN. Việc này đã làm nhưng thời gian qua chưa thành công. Do vậy phải làm bằng được khâu này”, TS Bá kiến nghị.
Bích Ngọc
Đất Việt
|