Thứ Hai, 23/12/2013 14:15

Thép cán nguội không gỉ: Bảo vệ hay bảo hộ?

Hồi đầu tháng 7.2013, Posco VST và Inox Hòa Bình đệ đơn kiện chống bán phá giá 4 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm thép cán nguội không gỉ vào Việt Nam là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Sản xuất inox từ nguyên liệu thép cán nguội không gỉ tại Công ty Inox Đại Dương

Sau 5 tháng điều tra, Cục Quản lý Cạnh tranh, thuộc Bộ Công Thương đề nghị áp mức thuế từ 6,5-30,7% đối với các mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu. Nếu phán quyết này được thông qua thì sẽ góp phần triệt tiêu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các đối thủ nước ngoài. Và chỉ riêng việc đền bù các hợp đồng đã ký cũng khiến họ lỗ lớn.

Phán quyết này vẫn đang chờ Bộ trưởng Bộ Công Thương ký duyệt, nhưng các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu này trong nước đã sớm thấy rõ những rủi ro sắp tới.

Thép cán nguội không gỉ là sản phẩm chính để sản xuất ra các mặt hàng inox gia dụng. Để giảm thiểu chi phí giá thành, đa số các doanh nghiệp sản xuất đều nhập khẩu nguyên liệu này từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia (đều có thuế nhập khẩu 0%) và Đài Loan (10%). Nguồn nguyên liệu trong nước cũng có nhưng giá bán của Posco VST và Inox Hòa Bình cao hơn giá nhập khẩu từ 10-20%. Mặt khác, vì chủng loại nguyên liệu trong nước không đủ và chất lượng thấp nên các doanh nghiệp đã chọn con đường nhập khẩu.

Công ty Quốc tế Sơn Hà, chẳng hạn, dù mỗi năm mua của Posco VST đến 8.000-9.000 tấn thép nhưng cũng mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu. Nếu lúc này Bộ Công Thương áp thuế đối với các mặt hàng thép cán nguội không gỉ nhập khẩu thì sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước lao đao.

Ông Trần Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Hữu Liên, lo rằng sau khi áp thuế, các doanh nghiệp trong nước như Minh Hữu Liên chắc chắn phải tăng giá bán tương ứng. Tuy nhiên, vì không thể điều chỉnh giá ngay lập tức nên thời gian đầu Công ty sẽ phải chịu lỗ hoặc thu hẹp quy mô, thậm chí dừng sản xuất các mặt hàng có nguồn nguyên liệu bị đánh thuế (năm 2012, Minh Hữu Liên đạt trên 400 tỉ đồng doanh thu với hơn 5.000 tấn sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ thép cán nguội không gỉ được sản xuất). Khi khả năng cạnh tranh bị giảm xuống, đối tượng bị thiệt nhiều nhất sẽ là hàng chục triệu người tiêu dùng.

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Mua hàng Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, thì cho biết Công ty còn một nỗi lo khác. Hiện nay, Quốc tế Sơn Hà đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác trong tháng 1 và tháng 2.2014 với giá trị 4-5 triệu USD. Trong trường hợp giá nguyên liệu đột ngột tăng cao vì bị áp thuế, Công ty cầm chắc thua lỗ. Bởi lẽ, chấp nhận sản xuất đủ sản lượng theo đơn hàng thì lỗ, mà dừng sản xuất thì phải đền tiền cho khách hàng.

Theo bà Thủy, 4 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên có nguồn cung cấp nguyên liệu với giá hợp lý nhất. Một số nước khác như Hàn Quốc hay Thái Lan cũng có nguồn cung cấp với giá hợp lý nhưng nhà sản xuất chính đều là công ty liên quan của Posco VST và họ không bán vào Việt Nam. Điều này buộc hàng trăm doanh nghiệp sản xuất trong nước nếu muốn tiếp tục hoạt động phải mua hàng của hai đơn vị kiện chống bán phá giá. Posco VST và Inox Hòa Bình hiện nắm trên 81% thị phần về sản lượng sản phẩm thép cán nguội không gỉ tại Việt Nam.

Thép cán nguội không gỉ là nguyên liệu cơ bản để sản xuất ra các sản phẩm gia dụng. Vì thế, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, lo ngại nếu áp thuế sẽ giết chết hàng trăm doanh nghiệp sản xuất trong nước. “Bảo vệ 2 ông mà giết chết 100 ông là chuyện đáng để suy nghĩ”, ông nói.

Nhiều doanh nghiệp khác cho rằng việc này chỉ mang tính chất bảo hộ cho hai doanh nghiệp và xa hơn là nguy cơ độc quyền của Posco VST và Inox Hòa Bình vì hai doanh nghiệp này đã nắm trong tay gần hết thị trường.

Ngay từ đầu, việc kiện chống bán phá giá của Posco VST và Inox Hòa Bình đã được xem là thiếu căn cứ. Điều đáng nói trước tiên là khi đi kiện, Inox Hòa Bình chưa hề có sản phẩm để bán thì lấy đâu ra thiệt hại do bị bán phá giá.

Mặt khác, việc cho rằng các đơn vị nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước như Posco VST và Inox Hòa Bình là không hợp lý. Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh inox (không muốn nên tên), giá bán và sản lượng các sản phẩm thép cán nguội không gỉ nhập khẩu không hề ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Trong giai đoạn Bộ Công Thương thực hiện điều tra từ năm 2009-2012, sản lượng hàng bán trong nước tăng đến 89%, còn hàng nhập khẩu lại giảm 1,5%. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn như Posco VST đã tăng giá bán đến 64% nhưng giá nhập khẩu chỉ tăng 12,5%. “Tỉ lệ tăng của hàng nhập khẩu chưa hề gây áp lực khiến Posco VST phải giảm sản lượng hay giá bán”, vị này kết luận.

Inox Hòa Bình và Posco VST cũng cho thấy sự thiếu nhất quán khi đi kiện. Trong khi kiện các nước bán phá giá thì Posco VST cũng nhập khẩu sản phẩm thép cán nguội không gỉ từ Trung Quốc để bán lại cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá chênh lệch 10-20%. Posco VST thực hiện việc này thông qua công ty liên quan là Posco CFPC Trung Quốc và VHPC (công ty thương mại của Posco ở Việt Nam). Posco VST thừa nhận sẽ tiếp tục nhập các mặt hàng thép cán nguội không gỉ chưa sản xuất được. Điều này hoàn toàn trái với quy tắc kiện chống bán phá giá.

Theo các doanh nghiệp sản xuất trong nước, việc Posco VST và Inox Hòa Bình đi kiện thiếu lý do chính đáng. Họ cho rằng lý do chính khiến hai đơn vị trên đi kiện xuất phát từ áp lực công suất quá lớn trong điều kiện thị trường đang rất khó khăn.

Thực tế cho thấy, tính đến cuối năm 2012, công suất nhà máy Posco VST đã tăng hơn 8 lần so với năm 2009. Posco VST mua lại Công ty ASC với công suất thép cán nguội không gỉ là 30.000 tấn/năm. Sau khi liên tục tăng công suất, đến năm 2012, con số này đã lên đến 245.000 tấn/năm. Chứng kiến hầu hết doanh nghiệp sản xuất thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài với giá thấp, cùng với công suất khổng lồ nói trên, việc Posco VST nôn nóng cũng là điều dễ hiểu.

Không chỉ vậy, hiện nay Posco VST và Inox Hòa Bình đang chiếm lĩnh thị trường sản phẩm thép cán nguội không gỉ. Nếu thuế được áp trong khi không thể tìm được nguồn khác, các doanh nghiệp trong nước chỉ còn cách mua hàng của hai đơn vị này. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lo ngại nguy cơ thao túng thị trường và tăng giá bán khó lường trước của Posco VST và Inox Hòa Bình.

Giản Phúc

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Ngư dân khó tiếp cận vay vốn tín dụng (23/12/2013)

>   Gần 61 nghìn doanh nghiệp phải “chết” trong năm 2013 (23/12/2013)

>   ĐH Ngoại Thương đoạt giải nhất cuộc thi Phân tích Đầu tư của Viện CFA (23/12/2013)

>   Vinashin giải thể, nợ để ai trả? (23/12/2013)

>   Có chuyện ‘lời thật, lỗ giả’ ở Đồng Nai (23/12/2013)

>   Khu kinh tế Mộc Bài hấp hối (23/12/2013)

>   Xuất khẩu cá tra 2013 ước đạt 1,8 tỷ USD (23/12/2013)

>   Những nhóm hàng xuất khẩu chính 11 tháng năm 2013 (22/12/2013)

>   Vận tải biển Việt Nam: Báo động thụt lùi năng lực cạnh tranh (22/12/2013)

>   Nhiều doanh nghiệp trong KCX-KCN đóng cửa (22/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật