Thứ Bảy, 14/12/2013 17:00

Năm 2014: Dồn sức cải cách doanh nghiệp

Dù muộn nhưng cũng được đánh giá là có dấu hiệu tích cực khi liên tiếp gần đây cơ quan quản lý đã tỏ rõ quyết tâm hơn trong việc thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Các văn bản điều hành liên quan đến việc tái cơ cấu, cổ phần hóa hệ thống doanh nghiệp này ngày một nặng ký hơn.

Năm 2014, tốc độ cổ phần hóa, tái cấu trúc DNNN sẽ được đẩy mạnh

Cho tới nay, có cảm giác hệ thống DNNN đã lần lữa khất hẹn quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết tâm sẽ đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính để trong vòng 2 năm tới sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành. Theo đó, sẽ cổ phần hóa khoảng 500 DNNN, trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 5 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90. Với 600 DN còn lại sẽ cổ phần hóa những năm tiếp theo.

Báo cáo kết quả rà soát lần thứ nhất về chính sách thương mại của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy 27 nước thành viên (hầu hết là các đối tác thương mại) nhận định Việt Nam đã có tiến bộ, bảo đảm không phân biệt đối xử giữa DN trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc duy trì một lượng lớn các DNNN có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh nói chung và kéo lùi sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Từ thoái vốn ngoài ngành đến cổ phần hóa

Cho tới nay, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra không mấy lạc quan. Năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 34 DNNN. Tại thời điểm này của năm 2013, cũng chỉ dừng ở gần 100 DN, so với kế hoạch là 175. Tiến độ cải cách DNNN trong 2 năm qua là quá chậm.

TS Lê Đăng Doanh bình luận với Đại Đoàn Kết rằng, thời hạn và tiến độ đặt ra trong 2 năm 2014 - 2015, Việt Nam sẽ chỉ còn 600 DNNN và tiếp tục xuống còn 300 DN vào 2020 theo như kế hoạch phê duyệt; điều đó có vẻ như "không mấy khả quan”. Theo TS Doanh, việc thoái vốn ngoài ngành của DNNN đang diễn ra chậm, nợ xấu của khối DNNN ngày càng lớn nhưng chưa có một kế hoạch cụ thể nào để giải quyết. Cổ phần hóa kèm các mục tiêu có vẻ vẫn chỉ dừng lại ở sự cam kết, còn hành động ra sao thì chưa thấy đường đi nước bước rõ ràng.

Thống kê của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), các DNNN đã đầu tư vào các lĩnh vực nóng như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, ngân hàng tổng cộng hơn 22.000 tỷ đồng. Với yêu cầu đặt ra, hạn chốt 2015 DNNN phải hoàn thành quá trình thoái vốn ngoài ngành để tập trung kinh doanh chuyên sâu, hiệu quả. Nhưng sau 1 năm khởi động với các việc làm là rút dần vốn ra khỏi ngân hàng, bất động sản, vẫn chưa có một DNNN nào đứng lên công bố kết quả. Thay vào đó Bộ Công thương đưa ra báo cáo, đến nay tất cả các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đều đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013- 2015. Kết quả thực hiện chỉ dừng lại "đã rà soát”, "xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính” và tuyên bố "kiên quyết thoái vốn”. Còn thoái được bao nhiêu, con số cụ thể như thế nào trong tổng 22.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành thì chưa rõ.

Bản thân ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- tập đoàn được mệnh danh là hùng mạnh số 1 về vốn lẫn đóng thuế cho ngân sách nhà nước cũng chỉ là "phê duyệt phương án giảm vốn, thoái vốn 11/13 đơn vị”. Thoái vốn trở thành nhiệm vụ khó khăn nhất trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với các đơn vị đang gặp khó khăn và thua lỗ.

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm, ít ai có thể đưa ra con số chính xác. Nhưng về mặt thời gian mà nói, chỉ còn 1 năm nữa để các DNNN rút chân khỏi sa lầy mà vẫn giữ nguyên dép không đứt dây, hay 1 năm nữa để trả nợ cổ phần hóa xong 500 DNNN, là không hề đơn giản.

Chặng nước rút khó khăn

Để khuyến khích DN tự cải cách, các cơ quan quản lý đã gấp rút đưa ra nhiều thông điệp. Đầu tiên là Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ này đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc thoái vốn dưới giá trị của các DNNN và ban hành tiêu chí DN 100% vốn nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ có các quy định về chuyển nhượng các khoản đầu tư, quy định chào bán cổ phần ra công chúng của các công ty cổ phần chưa niêm yết. Tiếp đó chính Bộ này cũng cho phép DNNN được quyền bán nợ xấu. Như vậy, nhìn bên ngoài thì dường như các nút thắt đang dần được tháo gỡ.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, năm 2014 phải cải cách khối DNNN. Còn TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các nút thắt trong quá trình cải cách cổ phần hóa có thể được gỡ bằng biện pháp thay đổi tư duy. Ông Cung cho rằng thoái vốn không chỉ là cắt lỗ, giảm lỗ mà phải là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bố lại nguồn lực làm sống lại một phần nguồn lực đang chết trong sự quản lý của một số DNNN để đưa chúng quay lại sản xuất.

 TS Nguyễn Đức Thành: Cổ phần hóa 500 DNNN giai đoạn 2014 - 2015 không phải là quá khó, vấn đề là cổ phần hóa đến mức nào? Bao nhiêu tài sản nhà nước được chuyển ra khỏi nhà nước, được bán cho người khác? Quan trọng hơn là số cổ phần hóa đó có lưu thông được trên thị trường chứng khoán hay không. Khi đó dân mới giám sát được quá trình hậu cổ phần hóa của DN.

Tất nhiên, câu chuyện không dễ dàng, vì thế theo TS Lê Đăng Doanh đã đến lúc phải dùng những nguyên tắc quản trị hiện đại đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, có thể áp dụng đầy đủ hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể nguyên tắc công khai và minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước; yêu cầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện công bố thông tin theo các chuẩn mực của công ty cổ phần niêm yết, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, cho giới hạn trong khoảng thời gian nhất định không thoái vốn, không cổ phần hóa thì thay lãnh đạo DN. Đặt trọng tâm cải cách, tức là thay đổi cả tư duy lẫn con người.

Cùng đó, giới chuyên gia cũng cho rằng cổ phần hóa là phải thay đổi được căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN, qua đó tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.

Thúy Hằng

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Lại kiến nghị điều chỉnh thêm giá cước viễn thông (14/12/2013)

>   Tiền nhàn rỗi, đầu tư vào đâu? (14/12/2013)

>   Cần quyết tâm hơn trong việc cải tổ DNNN (14/12/2013)

>   Tăng trưởng du lịch toàn cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế (14/12/2013)

>   FTA mang lại nhiều lợi ích (14/12/2013)

>   Đường đến TPP: Trở lực ở ngay bên trong nước Mỹ (14/12/2013)

>   Đói vốn, EVN đổ thừa do giá thấp (14/12/2013)

>   SCIC sẽ bỏ vốn vào đâu? (14/12/2013)

>   Đề xuất thành lập Công ty Quản lý tài sản công (14/12/2013)

>   Quản lý chặt hoạt động kiểm toán (14/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật