Đường đến TPP: Trở lực ở ngay bên trong nước Mỹ
Ngày 10/12, các nhà thương thuyết đến từ 12 nước tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc hội nghị tại Singapore mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Mặc dù trong tuyên bố phát hành sau hội nghị, các nhà thương thuyết khẳng định họ đã đạt được “tiến bộ quan trọng” hướng tới việc hoàn tất thỏa thuận về TPP nhưng theo các chuyên gia phân tích, các bên tham gia đàm phán vẫn còn bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề như thuế và quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, một trở lực mới đã xuất hiện ngay tại nước Mỹ - “cha đẻ” của ý tưởng về hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng này.
Những khoảng cách khó san lấp
Chỉ vài tuần trước hội nghị về TPP ở Singapore, hôm 13/11, WikiLeaks đã tiết lộ dự thảo chương về vấn đề sở hữu trí tuệ đang được thảo luận trong các cuộc đàm phán về TPP.
Mạng tin The Diplomat dẫn lời chuyên gia Susan Sell của Đại học George Washington, nói những tiết lộ của WikiLeaks cho thấy Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản và Australia vẫn “có các quan điểm cực kỳ cứng rắn” về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
“Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy các nước khác đang phản đối các đòi hỏi của Mỹ một cách mạnh mẽ như thế nào, nhất là các đòi hỏi liên quan tới quyền tiếp cận dược phẩm, nghĩa vụ pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các thiệt hại và bản quyền trong lĩnh vực truyền thông số,” chuyên gia Sell nói.
Tuy nhiên, những tiết lộ của WikiLeaks chỉ cho thấy một phần của “tảng băng chìm” đang cản trở tiến trình đàm phán TPP. Trên thực tế, các bên tham gia đàm phán vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề như thuế, quyền sở hữu trí tuệ và cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước.
Đáng chú ý, Nhật Bản và Mỹ vẫn bất đồng sâu sắc trong các vấn đề nhạy cảm như thuế nhập khẩu nông sản hay các biện pháp bảo hộ ngành công nghiệp ôtô.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman chỉ cho biết các nước tham gia đàm phán đã xác định các “khu vực đổ bộ” cho phần lớn các vấn đề quan trọng chưa được giải quyết và cuộc họp lần này đã “đưa chúng tôi tiến gần hơn” tới việc hoàn tất một thỏa thuận về TPP.
Theo tuyên bố của hội nghị, các bộ trưởng và trưởng đoàn đàm phán sẽ tiếp tục nhóm họp vào tháng tới. Tuy nhiên, họ không đặt ra khung thời gian mới nào cho việc kết thúc TPP mà chỉ khẳng định “sẽ tiếp tục làm việc một cách linh hoạt để thông qua lần cuối các vấn đề trong văn bản này cũng như các vấn đề về tiếp cận thị trường.”
Như vậy, có thể thấy, với những quan điểm cứng rắn của mình, các bên tham gia đàm phán đã bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán về TPP trong năm 2013.
Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các nước tham gia đàm phán về TPP đang cân nhắc việc tổ chức vòng đàm phán mới vào cuối tháng 1/2014. Có khả năng vòng đàm phán này sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới sắp tới ở Davos, Thụy Sỹ, dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày từ 22 đến 25/1.
Trở lực ngay trong nước Mỹ
Không chỉ đau đầu để giải quyết các vấn đề hóc búa nảy sinh trên bàn đàm phán về TPP, Nhà Trắng còn đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội trao Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA) cho Tổng thống Barack Obama.
TPA sẽ cho phép ông Obama đệ trình các hiệp định thương mại lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua mà không cho phép sửa đổi bất cứ điều khoản nào trong hiệp định này.
Nếu Tổng thống Obama có TPA, các nước tham gia đàm phán về hiệp định thương mại với Mỹ sẽ không phải lo lắng rằng các nghị sỹ Mỹ sẽ đòi sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản trong TPP theo hướng mà họ không thể chấp nhận được.
Theo các chuyên gia phân tích, TPA có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tiến trình đàm phán về TPP bởi vì, các cuộc đàm phán về một “hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiêu chuẩn cao” như TPP vốn dĩ đã diễn ra hết phức tạp và việc đạt được đồng thuận giữa 12 nước thành viên trong tất cả các vấn đề là hết sức khó khăn.
Nếu Tổng thống Obama không có TPA, việc thông qua TPP tại Quốc hội Mỹ có thể gặp khó khăn.
Lý giải về tầm quan trọng của TPA, trong một bức thư gửi Tổng thống Obama hồi tháng 9, Hội đồng Xuất khẩu của Tổng thống khẳng định: “Chúng tôi tin rằng một TPA mới là cực kỳ quan trọng cho việc khôi phục vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực thương mại của Mỹ trên thế giới và cung cấp các công cụ quan trọng để thương lượng, đảm bảo sự thông qua của Quốc hội và việc triển khai các hiệp định sắp tới và trong tương lai.”
Trong khi đó, phát biểu với các phóng viên, Thượng nghị sỹ Max Baucus, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, nói: “Chúng ta cần TPA bây giờ bởi vì, thế giới sẽ không chờ đợi chúng ta.
Kể từ khi TPA hết hiệu lực vào tháng 7/2007, các nước khác đã thương lượng hàng trăm hiệp định”. Ông Baucus cảnh báo: “Nếu chúng ta không thể gieo hạt xung quanh chúng ta, các công ty Mỹ sẽ mất đi các cơ hội, việc làm và tăng trưởng.”
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, việc thuyết phục Quốc hội thông qua một dự luật về TPP không phải là công việc dễ dàng đối với chính quyền Obama do những quan ngại ngày càng tăng trong nội bộ Đảng Dân chủ cầm quyền về vấn đề tự do hóa thương mại và do quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Tổng thống Obama và các nghị sỹ Đảng Cộng hòa.
Hôm 13/11, một nhóm gồm 151 nghị sỹ của Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã gửi thư cho Tổng thống Obama, trong đó bày tỏ sự phản đối của họ với TPA, với lý do Nhà Trắng vẫn chưa tham vấn đầy đủ với Quốc hội về TPP.
Bức thư có đoạn: “Chúng tôi viết thư này để bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng của mình đối với các cuộc đàm phán về TPP – một hiệp định có thể gây ra hậu quả khủng khiếp đối với đất nước của chúng ta. Đáng chú ý, chúng tôi lo lắng một cách sâu sắc về tình trạng thiếu sự tham vấn đầy đủ với Quốc hội trong nhiều lĩnh vực của hiệp định này liên quan tới các quyền lập hiến và xây dựng chính sách trong nước của Quốc hội.”
Nhóm nghị sỹ trên khẳng định: “Do những quan ngại đó của chúng tôi, chúng tôi sẽ phản đối TPA hoặc bất cứ cơ chế ủy thác quyền lập hiến của Quốc hội về chính sách thương mại nào khác có thể ngăn cản vai trò có ý nghĩa của chúng tôi trong các giai đoạn hình thành của các hiệp định thương mại hoặc trong suốt các quá trình đàm phán và phê chuẩn."
Trước đó, hôm 12/11, 22 nghị sỹ của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, trong đó tuyên bố việc trao cái gọi là “quyền thương lượng thương mại nhanh chóng” sẽ chẳng khác nào việc “giao phó quyền lập hiến về thương mại của Quốc hội” cho người khác.
Do vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ ở hai đảng, trong đó có Đảng Dân chủ cầm quyền, nên cho đến nay, vẫn chưa có dự luật nào về TPA được đệ trình lên Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát hay Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát. Điều này có thể sẽ khiến chính quyền Obama khó có thể thực hiện mục tiêu ký kết hiệp định TPP vào cuối năm nay.
Trong quá khứ, Quốc hội Mỹ đã từng nhiều lần bỏ phiếu bác bỏ việc trao TPA cho Tổng thống. Đáng chú ý, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, các nghị sỹ Mỹ đã ba lần ngăn cản việc trao TPA cho ông này. Mặc dù vậy, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Quốc hội về tầm quan trọng của TPA với tư cách là một công cụ lâu dài để định hình chính sách thương mại Mỹ nhân danh người dân Mỹ”./.
Thanh Tùng
Vietnam+
|