Vinalines kiến nghị: Kiên quyết bảo hộ nội địa cho đội tàu biển Việt Nam
“Giãn nợ, giảm lãi vay, xin được vay vốn lưu động, giảm thuế – phí, ưu tiên vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, bảo hộ vận tải nội địa”… Đó là một loạt khuyến nghị chính sách cho đội tàu biển Việt Nam mà tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines vừa mới báo cáo lên ban Kinh tế Trung ương trong tuần này.
Muốn được “hỗ trợ thiết thực”
Báo cáo đã nêu khá cụ thể về những khó khăn đang phải đối mặt của ngành vận tải biển, đồng thời nhấn mạnh đến những kiến nghị chính sách được coi là “để có thể thực hiện thành công đề án tái cơ cấu” tổng công ty mà Thủ tướng đã phê duyệt hồi đầu năm nay.
Vinalines tiếp tục kiến nghị một cách khẩn thiết các biện pháp bảo hộ đội tàu biển, điều mà các cơ quan chức năng đang rất dè dặt vì lo ngại vi phạm các cam kết quốc tế
|
Trước tiên, Vinalines kiến nghị Chính phủ, bộ Tài chính, ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét cho phép giãn nợ, giảm lãi suất vay, kéo dài thời hạn trả nợ, miễn lãi quá hạn đối với các dự án đầu tư dài hạn của tổng công ty trên cơ sở các chính sách của Nhà nước đã ưu đãi cho Vinalines và các doanh nghiệp chuyển từ Vinashin về Vinalines.
Tháng trước, trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Vinalines đã cơ cấu được 7.855 tỉ đồng dư nợ tại ngân hàng Phát triển Việt Nam, cơ cấu nợ được 20.412 tỉ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 – 2014. Tuy nhiên, trong báo cáo lần này lên ban Kinh tế Trung ương, tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt mong muốn Chính phủ đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng “hỗ trợ thiết thực”. “Ví dụ yêu cầu các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước cho các doanh nghiệp vận tải biển đang gặp nhiều khó khăn được vay vốn lưu động khai thác tàu trong giai đoạn 2013 – 2015”, báo cáo đề xuất cụ thể. Vinalines dẫn chứng về chính sách này đã được Chính phủ Hàn Quốc áp dụng đối với ngành vận tải biển nước này: Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc thông qua ngân hàng Phát triển (KDB) đã quyết định cấp vốn lưu động tương đương 200 tỉ won (187 triệu USD) để giải cứu STX Pan Ocean Co. – một công ty vận tải biển vào loại lớn nhất của Hàn Quốc – khỏi nguy cơ phá sản.
Bên cạnh đó, Vinalines cũng kiến nghị một loạt chính sách về giảm thuế phí như: điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tàu biển, phí trước bạ thấp hơn biểu phí quy định 50% khi nhập khẩu tàu biển; miễn thuế VAT 10% cho các dự án đóng tàu phục vụ vận tải biển quốc tế.
Xin nợ các loại bảo hiểm
Đáng chú ý, Vinalines tiếp tục kiến nghị một cách khẩn thiết các biện pháp bảo hộ đội tàu biển, điều mà các cơ quan chức năng đang rất dè dặt vì lo ngại vi phạm các cam kết quốc tế.
Đề xuất chính sách đối với bộ Giao thông vận tải, văn bản của Vinalines nhấn mạnh: “Kiên quyết và triệt để chủ trương tiếp tục không cấp phép cho tàu nước ngoài tham gia khai thác vận tải nội địa để bảo hộ và hỗ trợ đội tàu Việt Nam, tránh phải dừng tàu chở hàng như thời gian qua”.
Theo Vinalines, năng lực vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, vì nhiều lý do, tỷ lệ các tàu treo cờ nước nghèo trong đội tàu khá lớn, trong số đó, có nhiều tàu phù hợp với việc chạy tuyến nội địa. Đối với vận tải nội địa do doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận, Vinalines cũng xin được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 0% trong thời gian ba năm từ 2014 – 2016.
Để nâng cao thị phần trong vận tải hàng xuất nhập khẩu cho đội tàu Việt, Vinalines đề nghị Chính phủ ưu tiên giành quyền vận tải đối với các loại hàng hoá xuất nhập khẩu bằng nguồn tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, hàng hoá là tài nguyên quốc gia đồng thời có chính sách miễn giảm một số thuế phí cho việc vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của đội tàu biển quốc gia qua các cảng biển Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này cho đến khi thị trường vận tải biển phục hồi. Để minh hoạ thêm cho khuyến nghị chính sách này, Vinalines dẫn chứng: tại Philippines, chính phủ nước này đã áp dụng việc đánh thuế nặng lên các tàu nước ngoài tham gia vận chuyển hàng hoá xuất khẩu của Philippines.
Ngoài ra, Vinalines cho rằng, để hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện của các thuỷ thủ, thuyền viên, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổng công ty đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép doanh nghiệp vận tải biển được khoanh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2012 trở về trước và cho phép các doanh nghiệp thuộc Vinalines được chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh năm 2013.
“Trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay, hầu hết các chủ tàu đều lỗ rất lớn, nếu không có chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất có thể nhiều công ty dẫn đến phá sản và không có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng”, Vinalines lo ngại và dẫn chứng: tàu Vinalines Rubi tải trọng 1.800 TEU của đơn vị này phải chịu lỗ khoảng 16.000 USD vì cước cho thuê không bù nổi chi phí. Tương tự, tàu Inlaco Express chỉ thu được trung bình 5.000 – 7.000 USD/ngày, trong khi chi phí mỗi ngày lên đến 14.000 USD, như vậy, lỗ bình quân 7.000 – 9.000 USD/ngày.
Bên cạnh những khó khăn còn dài của ngành vận tải biển, đáng chú ý cũng có những tín hiệu tích cực đến từ mảng kinh doanh dịch vụ phụ trợ hàng hải. Vinalines cho biết, hầu hết các doanh nghiệp mảng này đều có lãi, như 32 doanh nghiệp dịch vụ logistics, chỉ có bốn doanh nghiệp sửa chữa tàu biển lỗ do đều trong thời kỳ đang đầu tư, chậm tiến độ. Vinalines cũng báo cáo về hoạt động tham gia kinh doanh đầu mối xăng dầu rằng “doanh thu rất lớn nhưng hiệu quả thấp, không ổn định” do “giá xăng dầu chịu sự kiểm soát của Nhà nước”. |
Chí Hiếu
sài gòn tiếp thị
|