Giật mình với nhập siêu từ Trung Quốc: Lo VN trở thành bãi rác công nghệ
Nhiều chuyên gia lo ngại nếu hàng trong nước không đổi mới công nghệ, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, thị trường sẽ còn lệ thuộc từ cây kim đến các loại máy móc thiết bị... Thậm chí VN sẽ trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hồ Trung Thanh - Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương - phân tích:
- Trước tiên, nhập siêu Trung Quốc không chỉ có VN, ngay cả Mỹ cũng nhập siêu, thâm hụt hàng trăm tỉ USD. Trung Quốc đã thành công xưởng thế giới, rất nhiều máy móc, thiết bị của các nước được sản xuất ở đây, nên nhập từ Trung Quốc theo nghĩa nào đó là nhập từ thế giới. Với quy mô sản xuất rất lớn, khó có thể cạnh tranh về giá với họ. Nhưng đúng là một số nước ngay trong khu vực lại đang xuất siêu sang Trung Quốc, tại sao VN lại không? Vấn đề là cơ cấu xuất khẩu của VN suốt thời gian dài chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm, khoáng sản thô... trong khi hàng công nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Thử hỏi trong 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã tạo dựng được ngành công nghiệp nào có thể cạnh tranh áp đảo để xuất được máy móc, thiết bị sang Trung Quốc? Rất ít. Trong khi Thái Lan và Philippines... có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, công nghiệp hỗ trợ của họ tốt hơn nên cạnh tranh được, vừa xuất, vừa nhập những mặt hàng tương tự Trung Quốc đang xuất đi, chủ yếu là hàng công nghiệp.
* VN đang nhập khẩu máy móc, thiết bị chủ yếu từ Trung Quốc, đây là điểm cốt lõi khiến hàng trong nước khó có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc?
- Đúng vậy. Muốn nâng cao sức cạnh tranh phải đổi mới công nghệ. Trong khoa học có khái niệm nhập khẩu cạnh tranh, tức nếu nhập được công nghệ cao hơn, hàng hóa của một nước có thể có sức cạnh tranh tốt hơn nước khác và ngược lại. Trung Quốc đang diễn ra quá trình đổi mới công nghệ rất mạnh, những nhà máy ô nhiễm bị đóng cửa, công nghệ cũ được khuyến khích chuyển giao cho các nước kém phát triển hơn. VN đang là một trong những đối tượng của làn sóng này. Về lý thuyết, nếu nhập khẩu công nghệ từ Trung Quốc về sản xuất, khó có thể cạnh tranh được với hàng hóa từ Trung Quốc. Ngoài ra, công nghệ cũ sẽ tiêu tốn nguyên vật liệu, chi phí sửa chữa...và nếu không kiểm soát kỹ VN sẽ trở thành nơi “tiêu thụ” rác công nghiệp của họ.
* Theo ông, biện pháp căn cơ để giảm dần nhập siêu từ Trung Quốc là gì?
- Đầu tiên, tôi cho rằng không nên từ việc nhập siêu rồi coi Trung Quốc là một nguy cơ, mà nên đặt vấn đề VN có thể làm gì. Để có thể cùng thịnh vượng bên cạnh “ông láng giềng” lớn này, cần coi những đổi mới, cải cách của họ là một áp lực, đòi hỏi cải cách của VN. Nguyên nhân sâu xa của nhập siêu là sức cạnh tranh của hàng VN chậm cải thiện. Chúng ta chỉ có thể có sự cân bằng về thương mại, cân bằng về trình độ phát triển nếu chúng ta có môi trường kinh doanh tốt hơn, doanh nghiệp có sức cạnh tranh hơn, chi phí thấp hơn. Nếu những cải cách về thể chế ở VN tốt, thu hút nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ cao hơn Trung Quốc vào, cùng đó là thể chế tốt để doanh nghiệp trong nước phát triển, áp dụng công nghệ mới, thì VN sẽ dần cạnh tranh được hàng Trung Quốc.
Chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang đắt lên, đồng tiền của họ cũng đang tăng giá... VN nên tìm cách làm ăn bài bản, nghiên cứu và tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này để tăng xuất khẩu. Cùng với việc tăng xuất khẩu dịch vụ, VN cần xem những đối tượng làm giàu nhờ buôn lậu, bao che buôn lậu ở biên giới là thủ phạm tiêu diệt sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến cả triệu người lao động để có quyết tâm xử lý mạnh hơn. Ngoài ra, theo tôi, chúng ta chưa áp dụng hiệu quả các biện pháp hạn chế nhập khẩu theo nguyên tắc WTO, như các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Cẩm Văn Kình thực hiện
* Ông VÕ TRÍ THÀNH (viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Thuế quan không còn nhiều ý nghĩa
Trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì khoảng 30% là hàng như thiết bị máy móc, 60% là hàng đầu vào trung gian, chỉ còn 10% là hàng tiêu dùng. Hàng trung gian đang chính là yếu tố gây thâm hụt thương mại lớn nhất giữa VN và Trung Quốc chứ không phải hàng tiêu dùng cuối cùng dù nhóm hàng này đi theo tiểu ngạch với số lượng rất lớn.
Ngay từ năm 2013, các dòng thuế cơ bản giữa VN và Trung Quốc đều từ 5% về 0%, nhưng cái lớn nhất hiện nay chính là các điều tiết sau đường biên giới. Khi thuế quan không còn nhiều ý nghĩa, các hiệp định thương mại tự do đều nhắm vào điều này, nhấn mạnh vai trò câu chuyện chủ quyền của mỗi quốc gia, điều này đòi hỏi rất nhiều yếu tố liên quan đến tiêu chuẩn như: lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, khả năng giám sát...
* Chuyên gia kinh tế BÙI KIẾN THÀNH:
Cần giám sát giá nhập khẩu hàng hóa
Việc nhập trang thiết bị và nguyên liệu để sản xuất là bình thường và phải chấp nhận, nhưng đằng sau câu chuyện nhập siêu còn có nhiều cái nguy hại. Không ít doanh nghiệp nhập siêu với giá ảo, khai báo giá nguyên liệu cao để sản xuất cho thị trường nội địa khiến giá thành cao rồi báo lỗ để tránh đóng thuế cho Nhà nước.
Hiện tượng nhập siêu còn được “đóng góp” từ những doanh nghiệp có vốn nước ngoài nhập khẩu trang thiết bị cũ rích giá 2-3 triệu USD nhưng khai giá cao gấp nhiều lần và chuyển ra nước ngoài một số tiền lớn để trốn thuế. Nhà nước thất thu thuế, nhưng cái thiệt lớn hơn là khấu hao trong trang thiết bị sản xuất, VN trở thành bãi rác công nghệ, thiết bị lạc hậu.
* Ông LÊ VIẾT HẢI (phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu VN - VACC):
Thay đổi nguyên tắc chọn thầu
Phần lớn các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) của VN do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Đây cũng là con đường để các nhà thầu Trung Quốc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ vào VN, giá trị các dự án lên hàng triệu, hàng tỉ USD.
Với mô hình EPC, việc triển khai thực hiện phụ thuộc vào nhà thầu EPC, miễn sao họ vận hành đạt tiêu chuẩn mình đặt ra nhưng về lâu dài không ai đánh giá được, vì vậy nhiều dự án sử dụng công nghệ Trung Quốc đã không đạt yêu cầu, xuống cấp rất nhanh. Vì vậy cần thay đổi những nguyên tắc chọn thầu, cần có đánh giá dài hạn, tính toán chi phí, thời gian thực hiện dự án... để tránh nhập siêu các thiết bị, công nghiệp kém hiệu quả...
Như Bình ghi
|
Tuổi trẻ
|