Cá nhân, tập thể gây ra nợ không có khả năng thu hồi sẽ phải bồi thường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập (sau đây gọi tắt là DN).
Theo đó, về trách nhiệm của DN trong việc quản lý nợ phải thu, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty), Tổng giám đốc (Giám đốc) DN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được.
Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc trên 1 lần, căn cứ vào hậu quả của việc xử lý chậm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của DN thì chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc; nếu không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại DN thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.
Bên cạnh đó, khi xác định là nợ phải thu khó đòi, DN phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định của Bộ Tài chính.
Với nợ phải thu không có khả năng thu hồi, DN phải xác định rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Đối với nguyên nhân chủ quan, DN có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan.
Đối với nguyên nhân khách quan, Hội đồng thành viên, Ban điều hành DN và các phòng ban có liên quan phải xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xác nhận; nếu xác định các khoản nợ này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì DN được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi; nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của DN...
Nghị định nêu rõ, DN được quyền bán các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. DN chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ.
Cũng theo Nghị định, việc xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, được thực hiện theo thứ tự sau đây: DN xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật; Dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp; Hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập DN, tuỳ theo trường hợp cụ thể.
Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường theo quy định của pháp luật, chênh lệch giảm giữa giá trị khoản nợ với giá bán được bù đắp bằng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của DN.
thời báo ngân hàng
|