Thứ Ba, 10/12/2013 18:44

Doanh nghiệp lên kế hoạch: “Vừa tấn công, vừa phòng thủ”

Dù cuối năm 2013 đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng theo giới chuyên gia, bức tranh kinh tế năm 2014 vẫn khó dự báo với nhiều diễn biến khó lường. Theo đó, doanh nghiệp (DN) nhận thấy khi chưa thể tăng tốc thì cần đa dạng hóa ngành nghề trong phạm vi thế mạnh kinh doanh cốt lõi của mình.

Trả lời thắc mắc nhiều DN về dự đoán tình hình kinh tế trong tương lai gần – năm 2014, trong một hội thảo diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều điều hứa hẹn đang ở phía trước. Trường hợp Asean +6; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Tự do thương mại Châu Âu thành công… thì cơ hội mở rộng thị trường được mở ra đối với các DN ngành nông nghiệp và lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định cơ hội trên cơ sở lý thuyết còn thực tế như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Bởi vì cũng như WTO, Việt Nam đã kỳ vọng rất nhiều nhưng kết quả sau 5 năm lại không được bao nhiêu.

Nếu nhìn nhận ở góc độ ngắn hạn, kinh tế năm 2014 sẽ ổn định hơn khi mà tỷ giá, lãi suất, vàng không còn phi mã hoặc nhấp nhổm. Điều này giúp DN ổn định tâm lý đồng thời mạnh dạn lên kế hoạch kinh doanh. Nhưng về trung và dài hạn tình hình có vẻ khó khăn hơn. Theo TS Lê Thẩm Dương, giảng viên trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong trung hạn vẫn không khá hơn khi mà tái cấu trúc nợ công, tái cấu trúc DN nhà nước chưa thực sự tiến triển. Tình hình kinh tế dài hạn lại thấy ngay trước mắt khi một số lĩnh vực vẫn "chết đứng”, trong đó có việc tồn kho gia tăng, nợ xấu vẫn "giậm chân tại chỗ”, niềm tin của cộng đồng DN chưa khá hơn. Chính vì lẽ đó mà kinh tế năm 2014 tiếp tục là đồ thị nằm ngang. Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright, tình hình kinh tế đến nay dù khởi sắc nhưng vẫn còn khó dự đoán và về mặt chính sách vẫn cần phải tích cực đưa ra những "cú hích” nhằm xoay chuyển tình thế, tạo điều kiện cho DN, đồng thời giảm nợ xấu, tái cấu trúc DNNN.

Trước tình hình khó dự báo về bức tranh kinh tế năm 2014, TS Lê Thẩm Dương nhận định: "Khi khó khăn về chính sách, sản phẩm bị suy thoái thì buộc DN phải có sự đầu tư ngoài ngành. Vẫn theo TS Dương, trong trường hợp khó khăn nhưng có hướng đi mới DN có thể kinh doanh đa ngành trong phạm vi ngành nghề cốt lõi của mình. Đó là việc nên làm. "Chẳng hạn phát triển dầu khí cùng với taxi là hoàn toàn đúng và hợp lý hơn nếu từ hàng không chuyển sang bất động sản và ngân hàng”, ông Lê Thẩm Dương nêu ví dụ. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, đầu tư và làm kinh doanh hoàn toàn khác nhau. Nếu làm kinh doanh thì thực hiện đơn ngành còn đầu tư thì nên làm đa ngành.

Dù kinh doanh đơn hay đa ngành thì điều DN cần sự chủ động lên chiến lược kinh doanh theo kiểu "vừa tấn công, vừa phòng thủ”. Đặc biệt, DN nên chủ động có những hướng để giái quyết rủi ro cho chiến lược đặc biệt là khi bị tác động khách quan từ nền kinh tế. Song song đó, tập trung xây dựng thương hiệu cho DN, đồng thời chủ động đối chọi với giá nguyên liệu, sự khó nắm bắt của thị trường và việc xác định đối thủ trực tiếp cũng như đối thủ tiềm ẩn.

Thanh Giang

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Cà phê VN hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (10/12/2013)

>   Giật mình với nhập siêu từ Trung Quốc: Nhanh, nhiều, rẻ (10/12/2013)

>   Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ đạt 500 triệu USD (10/12/2013)

>   4 cổ phiếu 'vàng' của SCIC (09/12/2013)

>   Vời kiểm toán cứu dự án trọng điểm nửa tỷ USD (09/12/2013)

>   Tham gia TPP: Nông nghiệp bị tổn thương nhiều nhất (09/12/2013)

>   Định hướng mới của Vicem (08/12/2013)

>   Nợ xấu đang giảm nhanh như nợ Vinashin (08/12/2013)

>   Khai khoáng Việt Nam bao giờ minh bạch? (07/12/2013)

>   Doanh nghiệp Việt cần định hướng khi tham gia TPP (06/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật