Tham gia TPP: Nông nghiệp bị tổn thương nhiều nhất
Trong chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời tối 8/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định có chất lượng cao, nhiều nội dung cao hơn cam kết WTO và khi ký kết được hiệp định này sẽ tạo động lực to lớn cho xuất khẩu cũng như việc thu hút đầu tư của nước ngoài.
Tuy nhiên, bộ trưởng cũng nhấn mạnh, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất chính là nông nghiệp, bởi chúng ta là một nước cơ bản vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp do qui mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp và áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế cho nên giá thành sản xuất còn cao, thậm chí còn cao hơn cả những nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì vậy, việc mở cửa thị trường và nhập khẩu sẽ ít nhiều tác động đến sản phẩm hàng hóa này.
Để hạn chế những tiêu cực trên, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, trong trao đổi và đàm phán với Hoa Kỳ và các nước thành viên khác tham gia TPP, Việt Nam đã yêu cầu hiệp định TPP phải là một hiệp định cân bằng về lợi ích, tức là nước nào cũng có lợi ích, tính đến chênh lệch về trình độ phát triển.
"Nghĩa là cuối cùng chúng ta cũng sẽ đi đến cam kết nhưng phải có thời gian không phải thực hiện ngay từ khi hiệp định có hiệu lực đối với những việc giảm thuế hay miễn trừ thuế," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Giải thích rõ hơn, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm và kể cả bà con nông dân cũng có điều kiện để khắc phục những yếu kém và nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, trong khi chuẩn bị tiến hành TPP, các cơ quan chủ trì cũng đã tham vấn các doanh nghiệp lớn, rồi các hiệp hội ngành nghề như: dệt may, thủy sản và thường xuyên có các cuộc trao đổi cung cấp thông tin tọa đàm để cho doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được những lợi thế và ưu đãi khi tham gia TPP và lường trước được những khó khăn để có biện pháp khắc phục những khó khăn đó.
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được khởi đầu từ tháng 3/2010, đến nay hiệp định TPP đã trải qua 19 vòng đàm phán.
Theo dự kiến, 12 nước tham gia đàm phán TPP bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ ký hiệp định vào cuối năm 2013.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi tham gia Hiệp định này, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi thuế suất của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm. Trong đó, lợi ích của Việt Nam khi tham gia TPP là về mặt kinh tế với việc mở cửa thị trường hàng hóa những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản...
Đáng chú ý là khả năng xuất khẩu của Việt Nam nhất là những mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày...sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, khi tham gia TPP sẽ đặt ra cho Việt Nam những tác động để tiếp tục làm thế nào nâng cao quy mô và chất lượng sản phẩm trong nước, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế./.
vietnam+
|