Đừng để nhà đầu tư nản lòng
Một trong những bất cập được nhắc đến nhiều nhất là thủ tục đầu tư. Đặc biệt, những thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng… là những rào cản lớn khiến nhiều nhà đầu tư "chùn bước” khi nghĩ đến Việt Nam.
Nhật Bản "khoái” đầu tư vào Việt Nam
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm này, Nhật Bản có khoảng 2.072 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 33,665 tỷ USD, chiếm 13,4% về tổng số dự án và 14,8% về số vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Tổng vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt khoảng 24 tỷ USD, đóng góp hơn 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Với kết quả này, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.
Có thể thấy, mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn bộn bề khó khăn, song các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vẫn rất quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2013, số vốn DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã đạt 4,842 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và xếp vị trí thứ 1 trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thường có số vốn lớn, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực công nghệ cao và có mức độ lan tỏa lớn như các dự án của Honda, Toyota, Canon....
Tuy nhiên, theo ông Kohei Wantanabe - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản thì môi trường đầu tư của Việt Nam cần cải thiện trên nhiều mặt, chứ không thể chỉ trông dựa vào nguồn nhân công rẻ.
Vẫn phải "cải tổ” nhiều điểm nghẽn
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với đội ngũ lao động dồi dào, chế độ chính trị ổn định, hệ thống pháp luật về đầu tư ngày càng hoàn thiện… Tuy nhiên, dù khẳng định những mặt tiến bộ trong môi trường kinh doanh, GS Nguyễn Mại cũng không quên nhấn mạnh những điểm yếu vẫn đang tồn tại trong các thủ tục hành chính, và đó chính là những rào cản khiến các DN nước ngoài cảm thấy ngại khi nghĩ đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Trong một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức này đã đưa ra kết luận rằng: Thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng được đánh giá là một trong nhóm các thủ tục khó khăn hàng đầu đối với DN trong và ngoài nước.
Không ít lần, đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cũng đã lên tiếng về những quan ngại đối với thủ tục đầu tư ở Việt Nam khi cho rằng, họ phải mất rất nhiều thời gian để chờ đợi được cấp phép một dự án khi phải qua hàng loạt các khâu: xin đăng ký kinh doanh, giải phóng mặt bằng, xin giấy phép xây dựng, việc thực thi các phán xét trọng tài trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh… Và nói gọn lại, thủ tục ở Việt Nam rất rườm rà, phức tạp, quan liêu.
Như vậy, có thể thấy, cho dù được nhiều DN nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đánh giá cao về những điểm được coi là lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam, song chưa khi nào, tâm lý e dè về vấn đề "thủ tục hành chính” được giải thoát đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, theo giới chuyên gia, để tăng thu hút đầu tư, Việt Nam cần phải cải thiện những rào cản còn tồn tại. Sự chồng chéo trong quản lý, thiếu nhất quán trong chính sách, và kể cả việc các chính sách về thuế thay đổi liên tục khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay. Điều này gây thiệt hại lớn cho các DN nhiều mặt, làm nhụt chí của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, vấn đề về hạ tầng cơ sở cũng cần phải được cải thiện. Theo nhận định của nhóm chuyên gia đến từ Văn phòng hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (Koica), hệ thống giao thông vận tải, tình trạng ùn tắc giao thông, sự ô nhiễm môi trường giao thông ở các thành phố lớn tập trung đông đúc dân cư đang gây trở ngại cho nhà đầu tư. Đặc biệt, môi trường xử lý nước và chất thải công nghiệp cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư cũng cần phải được các nhà quản lý quan tâm, đó chính là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo giới chuyên gia nước ngoài, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đặc biệt là đội ngũ công nhân được đào tạo chuyên sâu trong các ngành công nghệ cao, đó là lí do tại sao các nhà đầu tư chưa nhắm vào những ngành công nghiệp nặng, ngành công nghệ cao tại Việt Nam.
Minh Phương
Đại đoàn kết
|