DN cà phê: Quên thị trường nội địa?
Mỗi năm Việt Nam sản xuất gần 1,5 triệu tấn cà phê, song chủ yếu dành cho xuất khẩu, chỉ có khoảng 100 ngàn tấn được tiêu thụ nội địa. Đó là một trong những nghịch lý, bất cập trong sản xuất, tiêu thụ cà phê của Việt Nam hiện nay.
Doanh nghiệp vẫn bỏ ngỏ thị trường cà phê nội địa
|
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa)- cho biết, mỗi năm ngành cà phê xuất khẩu (XK) đi các thị trường thế giới gần 1,5 triệu tấn nhưng chỉ có khoảng 100 ngàn tấn (cà phê nhân) được dùng để chế biến tiêu thụ trong nước. Và trong số 100 ngàn tấn nhân chế biến nói trên chỉ có khoảng 25.000 tấn dùng để chế biến cà phê hòa tan, 30.000 tấn để làm cà phê rang xay có thương hiệu. Số còn lại là những loại cà phê bột không có thương hiệu.
Theo ông Vinh, ở mảng cà phê hòa tan, nhiều năm nay các nhãn hàng của Vinacafe Biên Hòa và cà phê Trung Nguyên đã chiếm lĩnh khoảng trên 60% thị phần trong nước. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN) cà phê ít quan tâm, không cạnh tranh được tại thị trường trong nước bắt nguồn từ chính nhu cầu xoay vòng vốn và cân đối lợi nhuận.
Chia sẻ về vấn đề này, giám đốc một DN cà phê tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, để làm ra 1 kg cà phê hòa tan (loại phổ thông) DN sẽ phải bỏ chi phí khoảng 23.000-27.000 đồng. Nếu muốn bán tại thị trường nội địa, DN sẽ phải cộng thêm các chi phí rất lớn khác như chi phí đưa hàng vào siêu thị, nhân công, tiếp thị sản phẩm. Chưa kể phải khấu trừ các khoản hàng tồn kho, gối đầu. Vì thế dù giá bán đến người tiêu dùng có thể gấp ba lần giá thành nhưng lợi nhuận thu được chỉ vào khoảng 5-7%. Trong khi đó, cùng loại mặt hàng ,nếu XK đi các thị trường nước ngoài thì lợi nhuận có thể lên tới 30-50%. Đây cũng là nguyên nhân thị trường cà phê bột và cà phê hòa tan trong nước thời gian qua chỉ dành cho những DN lớn, có tiềm lực tài chính mạnh. Các DN vừa và nhỏ hầu như không có khả năng cạnh tranh ở sân nhà.
Ông Đoàn Triệu Nhạn - nguyên Chủ tịch Vicofa - cho rằng, sở dĩ các DN Việt Nam không cạnh tranh được ở thị trường trong nước, ngoài các nguyên nhân trên còn do khả năng nắm bắt thị trường và thay đổi thói quen tiêu dùng. Theo ông Nhạn, một thời gian dài, cà phê được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ dùng cho XK, lượng hàng đưa về các thành phố rất hạn chế.
Thời gian gần đây, hiện tượng cà phê bẩn bị báo chí phanh phui, người dân chuyển sang uống cà phê xay tại quán nhiều hơn. Trong khi đó, một số thương hiệu mạnh như The Coffee Bean & Tea Leaf, Dunkin Donuts, Gloria Jean’s Coffees… đã nắm bắt được xu hướng của giới trẻ, liên tục mở các chi nhánh, cửa hàng nhằm hình thành thói quen mới trong “văn hóa uống cà phê” của một bộ phận khách hàng.
Ông Nhạn cho rằng, bối cảnh hiện nay đang là thời điểm thích hợp cho các DN cà phê Việt Nam chuyển hướng chú trọng đến thị trường nội địa. Do vậy, nếu các DN trong nước chú trọng đầu tư cải tiến chất lượng, dịch vụ, tăng cường truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại thì dự kiến mức tiêu thụ cà phê nội địa sẽ tăng lên khoảng 15% trong 5-7 năm tới.
Thùy Dương
công thương
|