Việt Nam nắm "cơ hội vàng" cung ứng ca cao cho thế giới
Với dự báo nhu cầu ca cao của thế giới trong những năm tới tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung lại có sự sụt giảm do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sâu bệnh, Việt Nam có nhiều cơ hội để sản xuất, cung ứng ca cao ra thị trường thế giới.
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Phát triển ca cao bền vững lần thứ 2 diễn ra ngày 28/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Điều phối ca cao - Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức.
Thu hoạch ca cao tại Tiền Giang
|
Cơ hội rộng mở
Mặc dù ngành sản xuất ca cao mới được phát triển ở các tỉnh phía Nam trong vòng 10 năm nay và cho thu hoạch 5-6 năm trở lại đây, nhưng được xem là cây trồng có tiềm năng phát triển vì điều kiện tự nhiên Việt Nam khá phù hợp, nhất là ca cao trồng xen trong vườn dừa, vườn điều, hoặc trồng thuần ở các tỉnh phía Nam, vừa tăng thu nhập vừa góp phần duy trì diện tích cây dừa, cây điều phát triển hiệu quả.
Phó đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Casvander Horst dự báo năm 2020, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu sử dụng cao, đặc biệt là ở châu Á.
Trong khi đó, nguồn cung lại ngày càng thiếu hụt, đem lại cho Việt Nam cơ hội tuyệt vời để nâng cao vị thế trong lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu thế giới, ca cao phải có chất lượng cao, nếu Việt Nam phân tích và tìm các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến thì sẽ có cơ hội đứng trong các quốc gia hàng đầu cung cấp ca cao cho thị trường thế giới.
Cùng chung nhận định này, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Trồng Trọt, cho biết gần đây nhu cầu ca cao của thế giới tăng mạnh , đặc biệt là ca cao chất lượng tại châu Á, nhưng nguồn cung lại sụt giảm. Đây chính là thời điểm thuận lợi để Việt Nam vương lên trở thành nhà cung ứng ca cao lớn cho thế giới.
Nếu như năm 1999, Việt Nam chỉ có 900ha ca cao, thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên gấp 10 lần với 9.000ha và hiện nay đạt 22.000ha, tập trung ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, hiện sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội đang mở ra của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển ca cao bền vững cả về số lượng và chất lượng với diện tích 33.500ha vào năm 2015 và 50.000ha vào năm 2020.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2013, diện tích trồng cả nước trên 22.000ha, sản lượng ước tính 6.700 tấn hạt khô. Chất lượng hạt ca cao lên men được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Những vườn ca cao chăm bón tốt đã đạt năng suất 20 30 tạ hạt khô lên men/ha đối với trồng thuần và 10-15 tạ hạt khô lên men/ha đối với trồng xen.
Bước đầu, các cơ sở nhân giống, mạng lưới thu mua, sơ chế lên men cơ bản hình thành đến những vùng trồng. Sản phẩm ca cao bước đầu tham gia xuất khẩu, năm 2012 xuất khẩu gần 3000 tấn hạt khô lên men.
Vượt qua cạnh tranh cả về giá và chất lượng
Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, ở thời điểm hiện tại, ca cao là cây trồng mới nên diện tích trên cả nước còn ít, quy mô nhỏ, năng suất bình quân còn thấp, sản lượng chưa nhiều, chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các nhà chế biến và xuất khẩu hạt ca cao lên men với số lượng còn khá khiêm tốn, nhiều vấn đề kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, sơ chế lên men.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu còn hạn chế, nếu không có những giải pháp nâng cao năng suất thì cạnh tranh của ca cao sẽ thấp so với một số cây trồng khác trong vùng trồng ca cao.
Ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc Phát triển Ca cao Việt Nam (Công ty Mars Incoporated) cũng cho rằng, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là diện tích đất đai của nông dân nhỏ so với các nước sản xuất ca cao khác.
Hơn nữa, tại Việt Nam có nhiều cạnh tranh với các cây trồng khác nên ca cao Việt Nam phải được canh tác theo hướng thâm canh có năng suất cao. Nếu Việt Nam sản xuất ca cao chất lượng thấp, ca cao Việt Nam phải cạnh tranh với Indonesia về giá.
Trong xu thế nhu cầu của người tiêu dùng cho việc sản xuất bền vững và có trách nhiệm ngày càng khắt khe, Việt Nam sẽ phải có những giải pháp để đáp ứng yêu cầu này.
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành ca cao bền vững với những cơ hội rộng mở, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết với Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam.”
Đây là dự án tài trợ lớn, tạo cú hích cho ngành cao cao V iệt Nam phát triển nhằm tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường cho người dân Việt Nam một cách bền vững.
Ngoài ra, dự án còn tăng cường năng lực cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nông dân thông qua chất lượng ca cao, cách tiếp cận thị trường quốc tế cũng như tiến hành thể chế hóa các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tham gia dự án quản lý trang trại hiệu quả, từ đó gia tăng sản lượng ca cao, cải thiện khả năng tiếp thị, tiếp cận thị trường cho người trồng ca cao thông qua hỗ trợ chứng nhận.
Ông Phạm Huy Thông, Trưởng ban Điều phối ca cao Việt Nam, cho biết trước mắt, trong năm 2014, Ban điều phối sẽ phối hợp với các địa phương rà soát đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch phát triển ca cao và đề xuất điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, cho sát với tình hình thực tế và dự báo thị trường cho những năm tới. Đồng thời, Ban sẽ cùng với Cục Trồng trọt và cơ quan chức năng xây dựng đề xuất với Bộ trình Chính phủ chính sách hỗ trợ trồng xen ca cao với một số cây trồng khác, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao...
Nhằm giúp cho ngành sản xuất, chế biến ca cao phát triển, nhiều chuyên gia trồng trọt cho rằng Nhà nước cần đầu tư kinh phí dài hạn và trang thiết bị đồng bộ cho nghiên cứu về cây ca cao như giống, hệ thống canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, sản phẩm chocolate, thực phẩm chức năng từ hạt ca cao để tăng giá trị hàng hóa, phát triển ngành công nghiệp ca cao ở Việt Nam.
Trước mắt, cần tập trung đầu tư kinh phí thỏa đáng cho nghiên cứu chọn tạo giống theo hướng năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh theo hướng truyền thống và công nghệ sinh học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống ca cao...
Liên Phương
vietnam+
|