Thứ Ba, 26/11/2013 22:22

Giá cà phê biến động thất thường

Những năm trước, lúc vào cuối vụ giá cà phê thường tăng cao và giảm dần khi vào vụ thu hoạch niên vụ cà phê mới. Tuy nhiên, năm nay, giá của loại nông sản này đang diễn ra theo chiều ngược lại, khó dự đoán khi giá trong những tuần của tháng 9, tháng 10 liên tiếp giảm và tăng trở lại sau khi người dân đã thu hoạch cà phê khoảng vài tuần.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về cà phê giải thích rằng, đối với những ai có nhiều năm kinh doanh cà phê tại các sàn giao dịch hàng hóa ở New York (Mỹ), Luân Đôn (Anh) sẽ dễ dàng nhận ra những dấu hiệu về sự giảm giá cà phê trong thời gian qua.

Nguyên nhân giảm giá là do từ tháng 3-2013, các nhà đầu cơ dự đoán sản lượng cà phê thế giới đang có xu hướng cung vượt quá cầu nên đã dần dần bán ra tại hai sàn này. Lượng cà phê robusta được bán ra từ thời điểm đó đến nay vào khoảng 40.000 lô (một lô tương đương 10 tấn).

Khi giá trên hai sàn giao dịch hàng hóa này giảm và ngay lập tức thị trường cà phê Việt Nam phản ứng bằng cách giảm lượng bán ra. Song giá vẫn giảm vì lúc này đã có một lượng cà phê arabica của Trung Quốc và Brazil đưa ra thị trường. Vì thế, dù Việt Nam không bán ra nhưng thị trường vẫn có nguồn cung hàng thật từ hai quốc gia này nên giá chỉ có thể tăng lên một chút chứ không thể tăng mạnh như kỳ vọng.

Việc biến động thất thường về giá cà phê trong thời gian qua cũng khiến nhiều hộ nông dân bán ra sản phẩm này. Ông Nguyễn Văn Được, thôn Ea Ngai, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ đầu vụ đến nay ông chỉ bán ra khoảng 50kg trong tổng số khoảng 4-5 tấn cà phê mà gia đình ông thu hoạch được mỗi vụ. Theo ông Được, nhiều hộ trồng cà phê trong thôn cũng có tâm lý như gia đình ông, chỉ bán một ít cà phê khi cần tiền còn nếu không thì trữ lại trong nhà.

Trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Mỹ) hiện giá cà phê robusta giao kỳ hạn vào tháng 1-2014 là 1.566 đô la Mỹ/tấn, còn giao vào tháng 3-2014 là 1.554 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn 12 đô la Mỹ/tấn so với giao vào tháng 1-2014.

“Việc trữ cà phê lại tại nhà thay vì bán ra cũng có cái hay vì có thể tạo tình trạng khan hiếm trên thị trường, như vậy, nếu một doanh nghiệp nào đó cần cà phê để chế biến thì họ đưa ra giá cao hơn để mua về, lúc đó, tôi sẽ tính đến chuyện bán ra hay không”, ông Được nói.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hiển, ở Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, có hơn 2 héc ta cà phê và thu hoạch được hơn 5 tấn cà phê/niên vụ nhưng cũng đang giữ lại ở nhà chờ giá tăng . Ông Hiển cho biết lý do là từ đầu tháng 10 đến nay, giá cà phê chỉ ở mức trên dưới 30.000- 32.000 đồng/kg và nếu bán với mức giá này thì gia đình ông sẽ lỗ dù có một số đại lý hỏi mua.

"Dạo này có một số đại lý đến nhà tôi hỏi mua cà phê nhưng giá thấp quá nên tôi không bán, mấy người họ hàng của tôi cũng vậy vì nếu bán là chịu lỗ vài ngàn đồng mỗi ký cà phê", ông Hiển nói.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 26-11 rằng trong tình hình giá cà phê không ổn định như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không bán ra với số lượng lớn vì sợ bị thua lỗ.

"Khi giá cà phê tăng giảm thất thường như trong thời gian qua, người trồng cà phê sẽ hạn chế bán ra, dĩ nhiên, doanh nghiệp cũng không dám mua vào để xuất khẩu với số lượng lớn vì muốn chờ tín hiệu tốt từ thị trường", ông Vinh nói.

Ngày 31-10, giá bán cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên là 29.700- 30.100 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg so với ngày trước đó và là mức giá thấp nhất kể từ cuối niên vụ 2009/2010. Ngày 26-11, sau khi vào vụ cà phê được một thời gian, giá bắt đầu tăng trở lại lên mức gần 32.000 đồng. Niên vụ cà phê của Việt Nam thường bắt đầu vào tháng 10 hằng năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng của năm 2013, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 1,18 triệu tấn, giá trị thu về là 2,51 tỉ đô la Mỹ, giảm 24,4% về lượng và 24,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá cà phê xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2013 là 2.138 đô la Mỹ/tấn, giảm 0,26% so với cùng kỳ năm trước.

Ngọc Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá cao su thiên nhiên giảm (26/11/2013)

>   Xuất khẩu gạo: Không theo kịp mục tiêu (26/11/2013)

>   Trung Quốc nhập hơn 30% gạo Việt Nam (26/11/2013)

>   Nông sản an toàn:Cần phát triển cả nội địa và xuất khẩu (26/11/2013)

>   Phát triển nông nghiệp: Bài toán mở (25/11/2013)

>   Thị trường urê: Giá đang “nóng” dần (23/11/2013)

>   Lối thoát cho ngành cà phê (21/11/2013)

>   Cá tra vào nhóm thủy sản tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ (21/11/2013)

>   Trình Chính phủ chính sách hỗ trợ vay tái canh cà phê (21/11/2013)

>   Cạn nguồn cung gạo cho xuất khẩu (20/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật