90% chè Việt Nam xuất khẩu thô
Dù được xếp trong top 5 quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới và cũng đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu, nhưng xét về giá trị, giá xuất khẩu chè bình quân của Việt Nam mới chỉ đạt 1.200 USD/ha, thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu chè khác.
|
Cần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành chè Việt Nam |
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam thấp so với giá bình quân trên thị trường thế giới là do hơn 90% lượng chè vẫn xuất khẩu thô ở dạng chè rời; ít doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, đóng gói gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Ngoài ra, sự đầu tư nhà máy chè thiếu kiểm soát, số lượng nhà máy có thể gấp 3 lần, thậm chí gấp 7 - 8 lần so với khả năng cung ứng nguyên liệu đã dẫn đến vùng nguyên liệu không được đầu tư, chất lượng chè giảm sút. Phần lớn các nhà máy đều sản xuất dựa vào những công nghệ cũ, chưa sử dụng triệt để nguồn nhiệt từ than, lãng phí nhiệt…đã dẫn đến giá thành sản xuất còn khá cao.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cũng chỉ rõ: Việc liên kết giữa người trồng chè, chế biến và tiêu thụ chè chưa chặt chẽ. Doanh nghiệp có liên kết với người trồng chè chưa nhiều; các làng nghề, tổ hợp tác phần lớn mới được thành lập, sự liên kết mới chỉ là bước đầu…
Cùng với đó, cả nước hiện có 130.600 ha chè, tuy nhiên diện tích chè tiểu điền chiếm tới 70% nhưng các hộ trồng chè lại chưa chú trọng vào kỹ thuật thâm canh, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm. Thiếu các tiêu chuẩn, chính sách quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV vẫn là thách thức nghiêm trọng…
Trước hiện trạng còn nhiều bất cập của ngành chè, bà Lê Việt Nga khuyến cáo: Ngành chè cần đổi mới dây chuyền và công nghệ chế biến bảo đảm chất lượng; tập trung sản xuất các loại trà cao cấp có sức cạnh tranh cao như: Trà ướp hương hoa quả, các loại trà đóng hộp cao cấp, các loại trà có tác dụng làm thuốc và các loại trà thảo mộc khác. Doanh nghiệp phải tập trung xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đến thu hái, chế biến... Ngành chè cũng cần loại bỏ hẳn tình trạng một số công ty thu mua trà chỉ theo mùa vụ, làm ăn không có uy tín.
Đại diện cho doanh nghiệp ngành chè, bà Nguyễn Thị Ngà cũng đề nghị: Nhà nước nên miễn thuế 5 năm cho các diện tích chè phục hồi và trồng mới trên đất dốc. Miễn thuế 5 năm cho các sản phẩm thu từ việc tận dụng đất đai và chế biến các sản phẩm mới; cho phép ngành chè được thành lập quỹ bình ổn giá để ổn định giá mua chè tươi cho nhân dân và dự phòng một lượng chè xuất khẩu hợp lý nhằm giữ giá chè xuất khẩu. Xây dựng quy chế và đóng bảo hiểm cho sản xuất chè giúp cho sản xuất chè bền vững…
Việt Nga
công thương
|