2% có làm nên chuyện?
Giảm lãi suất đối với trái phiếu đặc biệt là một cách để khuyến khích đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Theo Quyết định mới đây của Thủ tướng, các tổ chức tín dụng có trái phiếu đặc biệt (sau khi bán nợ xấu cho VAMC) sẽ được vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn 2 điểm phần trăm so với mức lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại từng thời kỳ. Như vậy, với mức lãi suất tái cấp vốn đang được áp dụng là 7%, các tổ chức tín dụng có trái phiếu đặc biệt chỉ phải vay với lãi suất 5%.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
|
Quy định này có vẻ như chỉ có lợi cho các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC và gây thiệt thòi cho các ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quy định này không tác động tiêu cực đến thị trường là mấy, mà còn giúp kích thích giải quyết nợ xấu nhanh hơn.
Một số ý kiến cho rằng ngân hàng bán nợ xấu sẽ được lợi kép: vừa bán được nợ xấu vừa mang trái phiếu đó đi vay tái cấp vốn với lãi suất thấp?
Trước hết, phải hiểu bản chất của câu chuyện sử dụng VAMC là để góp phần xử lý nợ xấu nhanh hơn. Ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC sẽ được nhận trái phiếu đặc biệt. Về cơ bản, rủi ro vẫn thuộc về ngân hàng có nợ xấu, nhưng rủi ro ấy được giảm xuống và ngân hàng sẽ giảm được gánh nặng chi phí, vì họ chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho số nợ đó.
Với trái phiếu đặc biệt, ngân hàng có nợ xấu bán cho VAMC còn được hỗ trợ thanh khoản bằng cách mang trái phiếu đến Ngân hàng Nhà nước để vay tái cấp vốn.
Còn về việc không cân bằng lợi ích giữa các ngân hàng có bán nợ xấu và không bán nợ xấu cho VAMC thì đây là lựa chọn của chính các ngân hàng. Bởi lẽ, bán nợ cho VAMC chỉ là một trong những cách xử lý nợ và họ có thể chọn cách khác.
Hiện có hai cách để xử lý nợ xấu. Một là ngân hàng tự xử lý nợ. Nếu xử lý gọn ghẽ thì họ sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn, không cần phải trích lập dự phòng rủi ro nữa. Hai là bán nợ xấu cho VAMC. Trong trường hợp này, ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng, chỉ là giãn thời gian ra mà thôi. Nếu xét ở khía cạnh này, các ngân hàng chọn cách bán nợ cho VAMC ít nhiều bị giảm khả năng cạnh tranh so với các ngân hàng tự xử lý nợ vì họ phải trích lập dự phòng 20%.
Ông nghĩ gì về việc mức lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt được giảm 2 điểm phần trăm so với mức lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố?
Đã có nhiều tranh luận về mức lãi suất tái cấp vốn đối với trái phiếu đặc biệt nói trên. Quan điểm ban đầu cho rằng các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt vẫn phải vay với lãi suất thị trường. Tranh luận rất nhiều nhưng cuối cùng Chính phủ vẫn quyết định giảm 2 điểm phần trăm so với lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Đây cũng là một cách khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn.
Nếu chỉ mang tính kích thích, tại sao không phải là 1 điểm phần trăm. Mức ưu đãi như thế là cũng đủ để kích thích bán nợ xấu cho VAMC?
Những con số đó mang tính kỹ thuật, còn đây là vấn đề ý tưởng. Người làm chính sách phải tính toán ở mức nào thì mới đủ động lực đẩy nhanh việc bán nợ xấu cho VAMC. Nếu mức ưu đãi quá thấp thì không có ý nghĩa. Còn mức nào là chuẩn, cần phải có số liệu tính toán cụ thể. Nhưng cũng cần nhắc lại là không phải lúc nào mang trái phiếu đến cũng được vay tái cấp vốn đủ 70%. Khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ thay đổi tỉ lệ này.
Tức 2 điểm phần trăm là vừa đủ để không tạo ra bất bình đẳng trong cạnh tranh, cũng vừa đủ để kích thích bán nợ VAMC?
Có thể nói như thế. Khi đưa vấn đề này ra bàn, cũng có nhiều luồng ý kiến, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người hoạch định chính sách. Ít nhiều “hai giá” thì bao giờ cũng có méo mó. Nhưng như đã nói, quá trình xử lý nợ xấu này là dần dần và việc tái cấp vốn không phải lúc nào cũng đủ 70% giá trị trái phiếu, nên có thể méo mó sẽ không đáng kể.
Ông có lo ngại cung tiền năm 2014 sẽ khó kiểm soát hơn, khi giả sử các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt đồng loạt đi vay tái cấp vốn với lãi suất thấp?
Tôi cho rằng ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến cung tiền, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước điều hành trôi chảy thì hoàn toàn có thể kiểm soát được. Bởi lẽ, tổng nợ xấu phải xử lý khoảng 7,8 tỉ USD không phải là con số quá lớn so với tổng cung tín dụng và nó cũng chỉ nằm trong khuôn khổ có thể của việc tăng cung tín dụng hằng năm. Lấy ví dụ, chúng ta đặt mục tiêu tăng tổng cung tín dụng 13-15%. Trong khi đó, tổng cung tín dụng của Việt Nam vào khoảng 90% GDP, trên dưới 160 tỉ USD, tức lớn hơn nhiều so với tổng nợ xấu 7,8 tỉ USD. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết hoàn toàn có thể kiểm soát được cung tiền, bởi trái phiếu không phải được tái cấp vốn 100% mà chỉ là 70%. VAMC cũng không phải cùng một lúc mua được 7,8 tỉ USD nợ xấu đó ngay. Hơn nữa, tùy từng thời kỳ do những yêu cầu kiểm soát cung tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể thay đổi tỉ lệ được phép tái cấp vốn đó, có thể là 50% hoặc 60%.
Vũ Dũng
nhịp cầu đầu tư
|