Thứ Sáu, 29/11/2013 17:58

VNPT khó thoái vốn ngoài ngành vì “vướng” quy định

Kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa thực hiện được khi tập đoàn này mới thoái, giảm vốn ở 4 đơn vị với số tiền hơn 161 tỷ đồng trong năm 2012.

Đây là một trong những đánh giá đáng chú ý từ phía Kiểm toán Nhà nước trong Báo cáo kiểm toán của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 2012.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, theo kế hoạch, đến năm 2015, VNPT phải lập kế hoạch thoái vốn tại 63 đơn vị mà Tập đoàn đã đầu tư vào với tổng giá trị lên tới hơn 2.303 tỷ đồng.

Theo đó, kế hoạch thoái vốn từ năm 2012 trở về trước của VNPT là 34 đơn vị với giá trị vốn đầu tư là hơn 1.036 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kế hoạch này theo Kiểm toán Nhà nước là vẫn chưa thực hiện được khi năm 2012, công ty mẹ mới chỉ thực hiện thoái vốn tại 3 công ty cổ phần và giảm vốn góp tại 1 quỹ thành viên Vietcombank, với tổng số vốn đầu tư giảm khoảng trên 161 tỷ đồng.

Đánh giá của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, một trong những lý do chính khiến kế hoạch thoái vốn của VNPT không thực hiện được đó là quy định của Nhà nước về thoái vốn đối với các khoản đầu tư tài chính phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường hoặc không thấp hơn giá ghi trên sổ sách kế toán của các đơn vị có vốn góp.

Theo Kiểm toán Nhà nước, để thực hiện quy định này, VNPT đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với một số danh mục giá thị trường xuống thấp hơn giá trị sổ sách, danh mục kinh doanh thua lỗ gần như là không thể thực hiện được. Điều này khiến việc thực hiện thoái vốn và cơ cấu lại các danh mục thực hiện mất nhiều thời gian và tiến độ thực hiện chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của tập đoàn.

Nói về nguyên nhân khác, báo cáo từ Kiểm toán Nhà nước cũng nhắc đến quy định thoái vốn khỏi các danh mục có lỗ lũy kế và các danh mục niêm yết.

Theo đó, Luật Chứng khoán và Nghị dịnh 58/2012/NĐ-CP quy định việc bán đấu giá phải tuân thủ theo các điều kiện về vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Kiểm toán Nhà nước nhận định, với quy định trên, việc thực hiện thoái vốn tại VNPT sẽ không thực hiện được với một số công ty cổ phần như Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (VNPT sở hữu 8,5% vốn điều lệ; lỗ lũy kế đến 31/12/2012 là 159 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng bưu điện (VNPT sở hữu 30% vốn điều lệ; lỗ lũy kế là 53 tỷ đồng); Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông (VNPT sở hữu 33% vốn, lỗ lũy kế là 26 tỷ đồng).

Ngoài ra, liên quan đến hoạt động thoái vốn tại Quỹ Đầu tư Việt Nam (BVIM), Kiểm toán Nhà nước cho rằng, do quỹ BVIM là quỹ đóng, nên để thoái được vốn, Tập đoàn phải tìm được nhà đầu tư chấp thuận mua lại phần vốn của Tập đoàn tại Quỹ hoặc Quỹ phải giải thể trước thời hạn.

Tuy vậy, trước tình hình kinh doanh không hiệu quả của Quỹ (tại thời điểm 31/12/2012, giá trị tài sản thuần của Quỹ này là 65% mệnh giá) cũng như tình trạng chung của thị trường chứng khoán, việc tìm được nhà đầu tư để thực hiện chuyển nhượng là không khả thi.

Tuy đánh giá việc thoái vốn của VNPT đang gặp khó khăn nhưng trong kiến nghị từ Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đề nghị VNPT tiếp tục thực hiện thoái vốn với khoản đầu tư vào Quỹ đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (Seabank), Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) và các khoản đầu tư không hiệu quả.

Xuân Dũng

vietnam+

Các tin tức khác

>   Cả nước có 71.018 doanh nghiệp thành lập mới (29/11/2013)

>   Việt Nam nắm "cơ hội vàng" cung ứng ca cao cho thế giới (29/11/2013)

>   Chính phủ: 127 tập đoàn, tổng công ty nợ gần 1,35 triệu tỷ đồng (29/11/2013)

>   Nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép: Yêu cầu EVN minh bạch, tăng giá điện phải có cơ sở (29/11/2013)

>   Thương mại hóa các công nghệ cao có tiềm năng (29/11/2013)

>   Việt Nam tăng nhập khẩu hạt điều châu Phi (29/11/2013)

>   Nhân viên VNPT liệu có phải nộp lại tiền lương? (28/11/2013)

>   Ngành sữa Việt Nam đang đi ngược với xu thế thế giới (28/11/2013)

>   Thoái vốn cầm chừng (28/11/2013)

>   94% tôm xuất khẩu sang Trung Quốc ở dạng nguyên liệu (28/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật