Thoái vốn cầm chừng
Báo cáo về tình hình tài chính của các DNNN cho thấy, trong năm 2012, đầu tư vào Chứng khoán, Quỹ đầu tư, Bảo hiểm, Ngân hàng, Bất động sản của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) vẫn tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ thoái vốn vẫn chưa mấy khả quan.
Lĩnh vực ngân hàng vẫn tăng giá trị đầu tư lớn nhất với hơn 13.000 tỷ đồng.
|
Theo nhận định của Chính phủ, do kinh tế thế giới cũng như trong nước suy giảm, thị trường chứng khoán diễn biến khá ảm đạm, tính thanh khoản thấp, nên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong điều kiện phải bảo toàn vốn đầu tư.
Các TĐ, TCT Nhà nước đã thực hiện thoái vốn thành công trong 3 lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản được hơn 954 tỷ đồng trong năm 2012.
Riêng lĩnh vực chứng khoán do thị trường giảm sút trong khi yêu cầu phải bảo toàn vốn nên chỉ có một số Công ty mẹ thực hiện thoái được lượng vốn nhỏ, còn lại hầu hết các Công ty mẹ chưa thực hiện được yêu cầu thoái vốn.
Giá trị đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, ngân hàng là khoảng 22.283 tỷ đồng.
|
Một số Công ty mẹ mới thực hiện thoái được lượng vốn nhỏ, còn lại hầu hết các Công ty mẹ chưa thực hiện được do thị trường chứng khoán năm 2012 chưa khởi sắc, giá cả giảm sút nên không bảo toàn được vốn đầu tư.
Trên lĩnh vực chứng khoán, giá trị đầu tư vào Chứng khoán của các Công ty mẹ là 1.106 tỷ đồng, chiếm 3,62% so với tổng giá trị đầu tư vào các lĩnh vực và giảm 72 tỷ đồng (tương đương 4%) so với thực hiện năm 2011.
Tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực Chứng khoán/Vốn Chủ sở hữu và Tổng tài sản chiếm tỷ trọng lần lượt là 0,13% và 0,07%.
Giá trị đầu tư vào Quỹ đầu tư của các Công ty mẹ trong năm 2012 là 523 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2011. Một số Công ty mẹ đã thực hiện thoái vốn tại Quỹ đầu tư như: TĐ Bưu chính Viễn thông VN 60 tỷ đồng; TCT Sông Đà 40 tỷ đồng; TCT Trực thăng 20 tỷ đồng; TCT 316 – Bộ Quốc phòng 3,4 tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực Quỹ đầu tư/Vốn Chủ sở hữu và Tổng tài sản là 0,06% và 0,03%.
Trong năm 2012, giá trị đầu tư vào Bảo hiểm của các Công ty mẹ là 1.413 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2011. Các Công ty mẹ đã thực hiện thoái vốn được 71,6 tỷ đồng, đó là: Công ty mẹ - TĐ Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam 59,4 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Xây dựng Công trình giao thông 4 12,2 tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực Bảo hiểm/Vốn Chủ sở hữu và Tổng tài sản lần lượt là 0,16% và 0,09%.
Trong lĩnh vực ngân hàng, giá trị đầu tư vào ngân hàng của các công ty mẹ là 13.152 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2011. Trong đó, năm 2012, các Công ty mẹ đầu tư tăng thêm vào lĩnh vực Ngân hàng 1.228 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Công ty mẹ-TĐ Viễn thông QĐ 814 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT 789-Bộ Quốc phòng 154 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Trực thăng 54 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Tân Cảng SG 40 tỷ đồng) đầu tư vào Ngân hàng TM cổ phần Quân đội–MB đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhằm tăng tỷ lệ cổ phần (từ 35% lên 51% vốn điều lệ) để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng.
Nhiều Công ty mẹ đã thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng trong năm 2012 với giá trị là 795,2 tỷ đồng (Công ty mẹ-TCT Công nghiệp Sài Gòn 341 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Du lịch SG 191 tỷ đồng; Công ty mẹ-TĐ CN Cao su VN 150 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT 789-Bộ Quốc phòng 68,7 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Trực thăng VN 27,8 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Thuốc lá 10,5 tỷ đồng; Công ty mẹ-TĐ CN Than VN 2,8 tỷ đồng; Công ty mẹ-TĐ Dệt may 3,4 tỷ đồng). Tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực Ngân hàng/Vốn Chủ sở hữu và Tổng tài sản lần lượt là 1,53% và 0,82%.
Cũng theo Bộ Tài chính, giá trị đầu tư vào bất động sản của các công ty mẹ không có ngành kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản là 6.089 tỷ đồng, tăng 1.188 tỷ đồng so với năm 2011.
Trong năm 2012, các công ty mẹ đã thoái được 88 tỷ đồng (Công ty mẹ-TCT Lắp máy VN 20 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Bến Thành 4,8 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Đầu tư phát triển nhà Hà Nội 4 tỷ đồng; Công ty mẹ-TCT Thương mại Hà Nội 2,8 tỷ đồng; Công ty mẹ-Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang 57 tỷ đồng).
Tỷ lệ đầu tư vào Bất động sản/Vốn chủ sở hữu và Tổng tài sản của các công ty mẹ không có ngành kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản lần lượt là 0,7% và 0,37%.
Như vậy, trong bối cảnh khó, các TĐ, TCT Nhà nước đã thực hiện thoái vốn thành công trong 3 lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản được hơn 954 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực chứng khoán do thị trường giảm sút trong khi yêu cầu phải bảo toàn vốn nên chỉ có một số Công ty mẹ thực hiện thoái được lượng vốn nhỏ, còn lại hầu hết các Công ty mẹ chưa thực hiện được yêu cầu thoái vốn.
Bộ Tài chính cho biết, các TĐ, TCT không có ngành nghề kinh doanh chính trong các lĩnh vực nêu trên đã xây dựng lộ trình thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Tái cơ cấu và dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31-12-2015.
Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các TĐ kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015”, các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các TĐ, TCT xây dựng lộ trình thoái vốn (hoàn thành trước ngày 31-12-2015) đã đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm nhiều rủi ro như: Chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản hoặc các trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận). |
Minh Anh
Hải Quan
|