Thủy điện: Công – tội, bất cập và... cam kết
Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, từ 2006-2012, đã có 50.000 ha đất rừng, đất nông nghiệp và đất khác bị chuyển đổi. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì báo cáo, chỉ riêng 21 dự án thủy điện ở 12 tỉnh đã làm ảnh hưởng tới 75.000 hộ dân do phải di dời, 20.000 ha rừng bị xóa sổ.
Cùng với những cơn bão, nhiều hồ thủy điện đồng loạt xả lũ khiến “lũ chồng lũ” tại miền Trung, khiến nhiều người dân kết tội cho thủy điện. Vậy nó có phải là nguyên nhân của mọi tranh cãi?
Công – tội
Vài năm trở lại đây, hàng loạt sự cố như vỡ đập ở Gia Lai, nứt thân đập ở Quảng Nam, xả lũ ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã gây ra những mối quan ngại về vấn đề an toàn và quản lý vận hành đập. Đặc biệt tháng 11/2013, do nhiều hồ thủy điện xả lũ đã gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân vùng hạ lưu: 31 người chết, 9 người mất tích và hơn 225 ngôi nhà bị lũ cuốn trong tháng 11/2013.
Ở một chiều khác, thống kê của Bộ Công Thương cho biết, từ 2006-2012, đã có 50.000 ha đất rừng, đất nông nghiệp và đất khác bị chuyển đổi. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì báo cáo, chỉ riêng 21 dự án thủy điện ở 12 tỉnh đã làm ảnh hưởng tới 75.000 hộ dân do phải di dời, 20.000 ha rừng bị xóa sổ. Theo kết quả chương trình giám sát của Quốc hội, có tới 30% thủy điện nhỏ chưa được kiểm định về an toàn, 66% chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt và 55% số đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân tái định cư thuộc các dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Nậm Chiến, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Khe Bố, Quảng Trị, A Vương và Sông Tranh 2 đạt trung bình 6,6 triệu đồng/người/hộ/năm, thấp so với bình quân chung.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Tại một số dự án thủy điện, đã có tình trạng lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu để khai thác gỗ, hoặc khai thác khoáng sản trái phép.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, đó là kết quả của việc phát triển thủy điện ồ ạt tại Việt Nam, trong đó có thủy điện nhỏ, đặc biệt là sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, thẩm định của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Trên thực tế, thủy điện vẫn được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, đã có công nghệ phát triển khá hoàn chỉnh, chi phí quản lý thấp, hồ chứa thủy điện mang lại nhiều lợi ích tổng hợp, ngoài việc phát điện còn góp phần giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước cho nông nghiệp... đặc biệt khi các nguồn năng lượng mới như thủy triều, mặt trời, gió... chưa được phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê của EVN, thủy điện đóng góp tới 45,17% tổng sản lượng điện toàn quốc.
Ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Mekong Việt Nam cho biết, theo quy định, 100% các nhà máy thủy điện, hồ chứa thủy lợi và hồ thủy điện đều phải có quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng ở ta thì nội hàm “cấp có thẩm quyền” lại phân tán do đã “phân cấp” hoặc “phân quyền”. Hiện nay thông tin liên quan đến quy trình vận hành, các cảnh báo về xả lũ còn chưa minh bạch, khó tiếp cận. Mặt khác, do việc đánh giá Báo cáo tác động môi trường, nhất là đối với hạ lưu, vẫn còn bất cập. Chính điều này đã tạo kẽ hở cho các chủ đầu tư tận dụng giảm bớt công đoạn, hoặc đưa các cơ quan chức năng vào thế “sự đã rồi” hoặc làm cho có.
Như vậy, có thể kết luận rằng bản thân thủy điện không có tội, có chăng là vấn đề phân cấp quy hoạch và quản lý thủy điện ở Việt Nam còn nhiều bất cập đã dẫn đến tình trạng nêu trên.
Bất cập và…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Từ 2006 trở lại đây, quy hoạch thủy điện nhỏ giao địa phương phê duyệt. Quá trình phê duyệt, các địa phương có tham khảo ý kiến các ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT nhưng quyền quyết định vẫn là các địa phương. Trong tổng số các dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch, 65% các dự án thủy điện nhỏ do địa phương phê duyệt, Trung ương chỉ phê duyệt 35% dự án còn lại.
Ông Nguyễn Nhân Quảng cho biết về pháp lý, thủy điện chịu sự chi phối bởi Luật Tài nguyên nước, Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường.... Trong khi đó, quy định về chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của một số bộ ngành liên quan đến quản lý quy hoạch thủy điện, nguồn nước còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Đơn cử như điều 8 Luật Điện lực 2004 ghi rõ: “Mọi tổ chức, cá nhân phải tuân theo quy hoạch phát triển điện lực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Nhưng điều 12, khoản 2 Luật Tài nguyên nước 2012 lại quy định: quy hoạch về thủy lợi, thủy điện... có các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước do bộ, ngành, địa phương lập phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước.
Hiện nay, quy hoạch tài nguyên nước lại chưa có, còn quy hoạch phát triển điện đã được phê duyệt và rất cụ thể. Vậy vấn đề thực hiện sẽ như thế nào nếu áp dụng luật?
Quy hoạch phát triển thủy điện liên quan chặt chẽ đến nguồn tài nguyên nước nhưng trong chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương theo Nghị định 95/2012 lại nêu Bộ có trách nhiệm “Phê duyệt và quản lý việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương...; Phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện...”. Nhưng theo Nghị định 25/2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “Chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện chiến lược quy hoạch tài nguyên nước và các chương trình kế hoạch tổng thể về phòng, chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước...”.
Một điển hình cho những nguyên nhân, vẫn được nêu trong các bản báo cáo: “chồng chéo về phân cấp và phân công quản lý”, “không rõ ràng về trách nhiệm cuối cùng” hoặc ngắn gọn “bất cập về văn bản pháp quy”…
...cam kết mạnh mẽ của Chính phủ
Đứng trước những tác động tiêu cực về xã hội, môi trường của các thủy điện, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại gần 7.000 hồ thủy lợi, thủy điện. Ngày 21/11/2013, tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các địa phương rà soát, đánh giá lại toàn bộ các thủy điện liên quan tới vấn đề an toàn hồ đập; quy trình vận hành hồ chứa; công khai thông tin, trách nhiệm quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các tổ chức về môi trường xã hội trong và ngoài nước cũng nghiên cứu, đề xuất nhiều ý kiến tích cực nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững cho thủy điện tại Việt Nam.
Mới đây, một loạt các tổ chức môi trường đã gửi bản kiến nghị lên Quốc hội về vấn đề thủy điện tại Việt Nam bao gồm 5 đề xuất như: Thắt chặt quản lý đối với việc xây dựng thủy điện; Quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các bên liên quan trong quá trình quản lý, giám sát sự vận hành của nhà máy thủy điện; Đề nghị tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, kiên quyết đình chỉ việc xây dựng các dự án trong quy hoạch chưa có đánh giá đầy đủ về an toàn đập và chi phí môi trường – xã hội; Thực hiện các đánh giá thiệt hại liên quan đến thủy điện, đặc biệt là các sự cố gần đây để có cái nhìn chính xác cho việc quy hoạch phát triển thủy điện. Và cuối cùng là thực hiện nghiêm công tác đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch thủy điện cấp quốc gia theo Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguyên Vũ
Thời báo ngân hàng
|