Thứ Tư, 27/11/2013 08:57

Vinalines: Điều lệ mới, sức sống có mới?

Để chấn chỉnh hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Điều lệ mới về tổ chức, hoạt động của Vinalines.

Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Điều lệ mới về tổ chức, hoạt động của Vinalines.

Những nội dung đáng quan tâm trong Điều lệ mới là: Vinalines sẽ bị giải thể nếu kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản. Vinalines cũng sẽ bị giải thể nếu không thực hiện được các nhiệm vụ do nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục duy trì Vinalines là không thực sự cần thiết. Trong trường hợp chủ nợ có yêu cầu thanh toán nợ đến hạn phải trả mà Vinalines lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được thì Tổng giám đốc phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Vinalines.

Với vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, Vinalines sẽ hoạt động trong các ngành nghề chính như: Kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đa phương thức, khai thác cảng biển, cảng sông, kinh doanh kho bãi, dịch vu logistics và một số ngành nghề, lĩnh vực có liên quan như: Sửa chữa, mua - bán, sản xuất phương tiện vận tải biển, xuất khẩu lao động, nguyên vật liệu hàng hải...

Đặc biệt, Điều lệ mới còn quy định rõ, ngoài trách nhiệm chính của chủ sở hữu là Chính phủ, có đến 5 bộ chuyên ngành khác cũng phải tham gia trực tiếp giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinalines, đó là các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội vụ. Cũng theo Điều lệ mới, đối với lãnh đạo Vinalines, nếu để tổng công ty thua lỗ hai năm liên tiếp hoặc tỷ suất lợi nhuận quá thấp, lâm vào tình trạng phá sản thì sẽ bị cách chức, miễn nhiệm trước thời hạn.

Điều lệ mới tất yếu sẽ có những nội dung mới. Song, những nội dung quan trọng nhất nêu trên lại... không hoàn toàn mới vì đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ trước tới nay. Vậy, với Điều lệ mới liệu Vinalines có được sức sống mới?

Với các DN nói chung, DNNN nói riêng, có được bản Điều lệ hợp pháp, hợp lý, bảo đảm sự minh bạch chỉ là điều kiện cần. Để DN phát triển bền vững, bảo toàn và phát triển vốn còn cần nhiều điều kiện khác- điều kiện đủ.

Nếu một vài năm sau, Vinalines bị thua lỗ nhưng chưa đến mức tuyên bố phá sản và tuyên bố giải thể thì các khoản nợ không thể thanh toán được ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trước hết là sự gắn kết trách nhiệm bằng tài sản của người đại diện theo pháp luật của DN với kết quả kinh doanh của DN. Có nghĩa là, phải tạo ra một cơ chế, người lãnh đạo cao nhất của DN sẽ cùng chịu trách nhiệm bù lỗ nếu để DN kinh doanh thua lỗ hoặc thất thoát tài sản. Tiếc thay, điều đó đã không có trong các DNNN.

Câu hỏi đặt ra là, nếu một vài năm sau, Vinalines bị thua lỗ nhưng chưa đến mức tuyên bố phá sản và tuyên bố giải thể thì các khoản nợ không thể thanh toán được ai sẽ chịu trách nhiệm? Vinalines là công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Do đó, theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu- nhà nước sẽ phải thanh toán. Đối với những người được giao trọng trách quản lý Vinalines, việc cách chức, miễn nhiệm trước thời hạn liệu có ý nghĩa gì và cũng đâu có dễ!

Về kiểm tra, giám sát, ngoài Chính phủ, có đến 5 bộ chuyên ngành khác tham gia trực tiếp giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinalines. Đã từ lâu, thành phần tham gia giám sát các tổng công ty và DNNN có quy mô lớn đã được quy định như vậy. Thế nhưng, tham nhũng ở Vinalines nói riêng và nhiều DNNN khác nói chung vẫn xảy ra. Do đó, vấn đề quan trọng hơn là người cụ thể nào giám sát và giám sát như thế nào? Nếu chỉ giám sát qua báo cáo hoặc “đến thăm và làm việc” tại DN thì việc giám sát chỉ là hình thức.

Những phân tích trên cho thấy, Điều lệ mới không thể là “cây đũa thần” để Vinalines có được sức sống mới. Bên cạnh Điều lệ mới còn cần có tư duy mới, cơ chế mới, con người mới và một môi trường kinh doanh mới!

Hải Yến

công thương

Các tin tức khác

>   Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu (27/11/2013)

>   Sức mua chưa được cải thiện (27/11/2013)

>   Nhập khẩu nông, lâm-thủy sản và phân bón tăng 12,9% (27/11/2013)

>   Ngành mía đường yếu toàn diện (27/11/2013)

>   Ngành mía đường yếu toàn diện (27/11/2013)

>   Bộ Công Thương ‘bật đèn xanh’ cho bầu Đức nhập đường (27/11/2013)

>   Nhập siêu năm 2013 ước ở mức 500 triệu USD (26/11/2013)

>   Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Tự bơi, tự phát và… lay lắt sống (26/11/2013)

>   Nghịch lí vận tải biển (26/11/2013)

>   Vốn điều lệ của Vinachem được nâng lên 16.000 tỷ đồng (26/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật