Thứ Tư, 27/11/2013 07:03

Sức mua chưa được cải thiện

Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định: Mặc dù là tháng gần cuối năm nhưng thị trường hàng hóa chưa thực sự sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11 giảm 0,2% so với tháng trước, sức mua chưa được cải thiện.

Người dân vẫn thắt chặt chi tiêu

Sức mua vẫn yếu

Trong cuộc họp ngày 25/11, Tổ điều hành thị trường trong nước họp đã nhận định: Sức mua trên thị trường chưa được cải thiện.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11/2013 đạt 226.396 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng 10. Phần lớn các ngành hàng đều giảm nhẹ từ 0,02- 1,15%, trong đó, nhóm khách sạn, nhà hàng giảm nhiều nhất, tới 1,15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 11 tháng đầu năm đạt 2.286.146 tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó phần lớn các nhóm có mức tăng tương đương hoặc cao hơn chút ít so với mức tăng chung, riêng nhóm du lịch chỉ tăng 1,77%. Điều này cho thấy xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người dân khi gặp kinh tế khó khăn.

Các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước phân tích, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng tăng cao nhất, tới 32,8%, kinh tế cá thể chỉ tăng 17,2%, kinh tế nhà nước giảm tới 9,2%, cho thấy xu hướng tiết giảm chi tiêu của Chính phủ.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa:

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm về truy thuế tạm nhập tái xuất chuyển sang tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, cần đôn đốc thực hiện việc ngừng lưu hành xăng RON83.

CPI tăng ít, mừng hay lo?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đầu năm chỉ tăng 5,5% so với cuối năm 2012. Do mưa bão, lũ lụt... nên giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương. Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh và tăng học phí tác động tới CPI nhóm y tế, giáo dục tăng cao. Giá điện tăng theo lộ trình, giá xăng dầu, giá LPG được điều chỉnh tăng một số đợt theo diễn biến giá thế giới...

Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê)- cho rằng, với xu hướng tăng CPI như vậy, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới giảm và sức mua trong nước vẫn yếu, dự báo CPI cả năm chỉ tăng xung quanh mốc 6%. Việc kiểm soát lạm phát theo kế hoạch đề ra cho năm 2013 dưới 7% sẽ thực hiện được.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hòe- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) lại cho rằng, con số dự báo CPI tăng 6% có vẻ “phấn khởi” nhưng lại là điều đáng lo. Đó là nền kinh tế bị kẹt giữa “điểm chết”, tốc độ tăng trưởng không cao, trong khi tổng cầu yếu, người dân thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, CPI còn chịu áp lực trong thời gian tới do tăng bội chi ngân sách lên 5,3%, tăng trái phiếu Chính phủ và áp lực của việc tiếp tục tăng giá những mặt hàng thiết yếu theo lộ trình.

“Bên cạnh đó, sang năm, khi giá nguyên liệu, nhiên liệu thế giới tăng chắc chắn Việt Nam sẽ đón chờ nhập khẩu lạm phát”- ông Hòe lo ngại.

Dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường

Những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 là thời kỳ giá hàng hóa có mức tăng cao nhất trong năm. Tuy nhiên, do sức cầu còn yếu, nguồn cung hàng hóa dồi dào và chi phí đầu vào thấp nên sẽ hạn chế đà tăng giá vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu và bình ổn thị trường những tháng cuối năm, đến nay đã có 22/63 tỉnh, thành phố và 2 tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, trong đó có 10/63 địa phương triển khai công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết.

Thu Phương

công thương

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu nông, lâm-thủy sản và phân bón tăng 12,9% (27/11/2013)

>   Ngành mía đường yếu toàn diện (27/11/2013)

>   Ngành mía đường yếu toàn diện (27/11/2013)

>   Bộ Công Thương ‘bật đèn xanh’ cho bầu Đức nhập đường (27/11/2013)

>   Nhập siêu năm 2013 ước ở mức 500 triệu USD (26/11/2013)

>   Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Tự bơi, tự phát và… lay lắt sống (26/11/2013)

>   Nghịch lí vận tải biển (26/11/2013)

>   Vốn điều lệ của Vinachem được nâng lên 16.000 tỷ đồng (26/11/2013)

>   Thủy sản Sông Hậu đón công nhân trở lại làm việc (26/11/2013)

>   Phạt đến 100 triệu đồng nếu DN vi phạm về TMĐT (26/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật