Nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép: Yêu cầu EVN minh bạch, tăng giá điện phải có cơ sở
EVN tăng giá điện để trả nợ cũ hay vì giá thành cao nhưng giá thành cao có xứng đáng không vì EVN dùng công nghệ, thiết bị lạc hậu, kinh doanh ngoài ngành thua lỗ và chi trả các chi phí không hợp lý.
Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải minh bạch lỗ, lãi, phải có lộ trình cụ thể về việc tăng giá điện và phải bứt ra khỏi cơ chế độc quyền.
PV: - Biểu giá bán lẻ điện bình quân vừa được ban hành, giá bán lẻ điện từ năm 2013-2015 (chưa tính thuế VAT) sẽ từ 1.437-1.835 đồng/kWh. Theo giá mới, người sử dụng có thể phải trả 2.918 đồng/kWh, tăng khoảng 22% so với mức cao nhất 2.420 đồng/kWh như hiện nay.
Giải thích cho mức tăng tối đa gần 22%, một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, việc tính khung giá dựa trên giá thành và một số khoản bị "treo", chưa tính vào giá điện.
Ông bình luận như thế nào về giải thích của lãnh đạo Bộ Công thương, đặc biệt, khi mới đây Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc EVN đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis vào giá điện?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: - Việc tính chi phí sân tennis, biệt thự vào giá điện đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra rõ ràng nhưng đến nay EVN vẫn chưa thừa nhận. Theo tôi, ngành điện phải minh bạch, thông tin không thể kín mít.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
|
Chính vì việc chưa minh bạch nên khi EVN muốn tăng giá điện sẽ có nhiều nghi vấn. EVN tăng giá điện để trả nợ cũ hay vì giá thành cao nhưng giá thành cao có xứng đáng không vì EVN dùng công nghệ, thiết bị lạc hậu, kinh doanh ngoài ngành thua lỗ và chi trả các chi phí không hợp lý?
Đã có khung giá như trên cũng phải có lộ trình tăng giá, tăng vào lúc nào, tăng như thế nào để người dân và các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất.
PV:- Xin ông cho biết, trong năm tới, việc tăng giá điện tác động như thế nào đến giá thành thép và doanh nghiệp có tăng giá thép không?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: - Giá điện hiện chiếm khoảng 5% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 KWh điện. Do đó, giá điện tăng bao nhiêu, giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu.
PV: - Chỉ xét riêng yếu tố giá thành, mới đây, đã có ý kiến cho rằng, EVN nhập công nghệ sản xuất điện lạc hậu, đẩy giá thành sản xuất điện lên cao. Chưa kể, các yếu tố đầu vào khác như than và khí nằm trong phạm vi dễ dàng điều chỉnh giá sau cái bắt tay của ba ông lớn: EVN, PVN và Vinacomin. Với các điều kiện như vậy, vấn đề minh bạch trong những lần tăng giá tới phải được đặt ra như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: - Thép không thể sử dụng công nghệ lạc hậu do cạnh tranh trong ngành thép căng thẳng. Hiện sản xuất thép ở Việt Nam có sản xuất lò cao từ quặng ra gang, lấy từ đào mỏ các quặng trong nước cộng than cốc đưa vào lò cao, dạng này mỗi tấn tiêu hao điện khoảng 150 KWh/tấn sản phẩm; loại 2 là sản xuất phôi thép có 3 loại lò: từ lò điện lò quay hoàn toàn từ thép phế tiêu hao khoảng 400-450 KWh/tấn sản phẩm và là mức trung bình trên khu vực, thế giới; loại 2 từ lò chuyển thổi oxi tiêu hao điện trực tiếp mức tiêu hao điện tương đương; loại thứ 3 sản xuất phôi thép từ lò điện trung tuần từ 600-650 KWh/tấn sản phẩm.
Còn ngành điện đang đầu tư tràn lan, ồ ạt, trong số đó có những thiết bị lạc hậu được nhập về là những thiết bị mà ở nước sở tại họ đã cấm cho xuất khẩu.
Như nhà máy nhiệt điện ở Nam Định được đầu tư với thiết bị rất lạc hậu được nhập từ Hàn Quốc về mặc dù đây là mặt hàng mà Hàn Quốc đã cấm cho xuất khẩu.
PV: - Theo ông, doanh nghiệp điện hiện đang độc quyền giá, cứ lỗ là đòi tăng giá để bù đắp như vậy có đảm bảo Việt Nam sẽ có thị trường điện cạnh tranh không?
Ông Nguyễn Tiến Nghi: - Khi đầu vào đầu ra đều xả xẻo, tổn thất ngành điện cao, việc điện thất thoát đều đè ra để đưa vào giá thành, dân phải chịu, doanh nghiệp phải chịu.
Tiêu dùng hay sản xuất mặc dù đã trả tiền với mức cao nhưng vẫn không có dịch vụ tốt như đang sản xuất thép đùng một cái EVN cắt điện khiến việc nấu thép chảy lỏng ra nhưng mất điện thép lại đông lại, chờ có điện lại phải làm lại quy trình làm lỏng thép.
Dù ấm ức về giá thành liên tục tăng, chất lượng không đảm bảo nhưng người tiêu dùng không còn bất kỳ sự lựa chọn nào. Điện nên có sự cạnh tranh và càng sớm càng tốt và đưa giá điện về đúng giá của thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Thảo
Đất Việt
|