TPP khiến nông nghiệp VN thay đổi theo hướng nào?
Bên cạnh những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như dệt may, da giày, nhiều ngành không có lợi thế cạnh tranh nhưng vẫn có cơ hội dịch chuyển. Đặc biệt, TPP là cơ hội để Việt Nam chuyển dịch ngành nông nghiệp.
Cần tái cơ cấu ngành nông khi xuất khẩu nông sản sụt giảm mạnh.
|
Dịch chuyển ngành không có lợi thế
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, TPP là một hiệp định kinh tế quan trọng, chất lượng cao. 12 nước thành viên tham gia đàm phán TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu, gồm nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Vì vậy, Việt Nam quyết tâm tham gia đàm phán thành công hiệp định này.
“TPP cũng được kỳ vọng là đường đi ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất, đồng thời mở thêm thị trường xuất khẩu, thêm thị trường đầu tư, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng”, ông Khánh nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, TPP có mức độ mở sâu hơn nên sự bùng nổ xuất khẩu, đóng góp cho GDP rất lớn nhờ vào những ngành sản xuất, nhất là những ngành hàm lượng lao động cao như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ. Cụ thể, xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025.
Một tín hiệu đáng mừng được ông Thành đưa ra là, những ngành không có lợi thế cạnh tranh, tức những ngành Việt Nam bảo hộ như ô tô, chăn nuôi vẫn có thể mở ra cơ hội để Việt Nam chuyển dịch chiến lược trong lĩnh vực ấy. Có nghĩa là, chúng ta không làm “từ A đến Z” mà chúng ta làm mắt xích trong chuỗi cung ứng, mạng sản xuất toàn cầu.
“Ví dụ ngành ô tô, không thể bảo hộ “từ A đến Z” mà phải đạt được 2 vấn đề là lợi thế nhờ quy mô và chuyển giao công nghệ. Có thể chỉ làm mảnh nhựa ô tô nhưng cho ô tô toàn cầu thì lại là câu chuyện khác”, ông Thành dẫn chứng.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Bên cạnh những ngành hàng có lợi thế, theo ông Thành, TPP là cơ hội để Việt Nam xây dựng lại toàn bộ chiến lược phát triển trong đó có chiến lược phát triển nông nghiệp. “TPP chưa chắc thủy sản đã “ngon”, bởi thuế vẫn thế, có khi còn phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, khó hơn. Nhưng đây là thời cơ to lớn để cải tổ nông nghiệp Việt Nam. Chính TPP tạo ra dịch chuyển lao động, tạo cơ hội cải cách thể chế nông nghiệp, sức bật cho nông nghiệp Việt Nam bởi năng suất lao động nông nghiệp Việt Nam thấp hơn cả Lào, Campuchia”, ông Thành nói.
Cũng nhấn mạnh đến cơ hội cải tổ ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, các nước trong TPP đều phải mở cửa thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những nước xưa nay có sự bảo hộ cao đối với ngành sản xuất của họ như Nhật Bản.
Khi mở cửa, Nhật Bản không còn lợi thế sản xuất những mặt hàng này bởi những chi phí sản xuất của họ rất cao nên phải tìm hướng đầu tư. Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được dòng chuyển dịch đầu tư trong lĩnh vực này từ Nhật Bản, có cơ hội phát triển dài hạn thông qua việc đón đầu dòng đầu tư từ các nước phát triển có công nghệ cao hơn nhưng đã mất đi lợi thế khi xóa bỏ hàng rào bảo hộ.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ. Vì vậy, “Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế, khung khổ pháp lý, chế tài thực thi, để có thể đáp ứng cam kết trong TPP, trước mắt, cần khôi phục lòng tin đối với thị trường và nhà đầu tư”, ông Thành khuyến cáo.
Phan Thu
hải quan
|