Nông nghiệp yếu kém do "khách quan và thiên tai"
Tăng trưởng của nền nông nghiệp đang suy giảm, đời sống người dân chậm cải thiện… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát hôm 19-11.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đánh giá, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua tăng trưởng chủ yếu là khai thác tài nguyên, giá cả sản phẩm thấp, thiếu tính cạnh tranh, nhất là sản phẩm lúa, gạo, cá tra, cà phê. Bà Tuyết lo ngại “trụ đỡ của nền kinh tế”, theo dự báo chỉ còn tăng trưởng 2,81% vào năm 2013. Đại biểu yêu cầu tư lệnh ngành giải thích nguyên nhân làm giảm đà tăng trưởng này.
Nông dân nuôi cá tra có tới 50% thua lỗ được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát - Ảnh: Trung Chánh.
|
Đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) đi vào những vấn đề cụ thể hơn. Ông nêu thực trạng, con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ đô la hàng năm và giải quyết hàng chục ngàn lao động nhưng việc nuôi cá đang có chiều hướng xuống dốc trầm trọng. Hiện nay có đến gần 50% hộ nuôi cá tra bỏ nghề do lỗ, nhà máy chế biến đang trong tình trạng "chết lâm sàng". Ông hỏi bộ trưởng có giải pháp gì để phục hồi ngành cá tra.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt câu hỏi, khi nào người sản xuất nông nghiệp còn phải chịu cảnh được mùa mất giá triền miên từ nhiều năm nay.
Một số đại biểu như Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) lo ngại về những thiếu sót trong công tác quản lý chất lượng, vật tư nông nghiệp…gây thiệt hại cho nông dân và chất vấn về trách nhiệm của bộ trưởng.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã lần lượt trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội nhưng trong các câu trả lời của ông, ít có giải pháp hay nguyên nhân cụ thể nào được đưa ra.
Ông thừa nhận tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chậm lại và cho rằng để tạo điều kiện cho nông nghiệp phục hồi tốc độ tăng trưởng cao hơn là “một thách thức lớn” và phải có nguồn lực về đất đai, nguồn lực về lao động, nguồn lực về tài chính.
“Chúng ta không thể đảo ngược được việc giảm lao động nông nghiệp và bây giờ chỉ còn tạo môi trường để khuyến khích đầu tư của xã hội nhiều hơn vào trong nông nghiệp, trong điều kiện nguồn lực của nhà nước có hạn chế”, ông Phát nói.
Về khó khăn đối với ngành cá tra, tư lệnh ngành cho biết ông “rất trăn trở”. “Rõ ràng lỗi không phải người nuôi mà lỗi ở đây chính là chúng ta đã quản lý việc chế biến và xuất khẩu có kẽ hở để cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất những mặt hàng kém chất lượng, phá uy tín của chúng ta trên thị trường quốc tế và phá giá lẫn nhau”, ông nói.
Ông cho biết đã nghiên cứu, trình lên Chính phủ một nghị định quy định chặt chẽ hơn về quản lý sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra và hy vọng sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay.
Bộ trưởng cũng không đưa ra được mốc thời gian cụ thể cho câu hỏi: “Khi nào người nông dân hết cảnh được mùa mất giá”. Thay vào đó, ông nói: “Chúng ta mong đợi để lúc nào nông sản cũng được giá, có lợi nhất cho nông dân”. Tuy nhiên, theo ông Phát, giá cả theo quy luật cung cầu. Phần cung thì phụ thuộc thiên nhiên. Còn phần cầu thì phụ thuộc thị trường. Mà thị trường thế giới thì cũng có nhiều bất ổn.
Trước thắc mắc về việc để cho bà con nông dân chịu thua thiệt trước nạn vật tư kém chất lượng, giả, dịch bệnh, thiên tai, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, ở đây cũng có cái là do khách quan, thiên tai, nhưng cũng có cái do chủ quan trong quản lý chất lượng hay phòng chống dịch bệnh.
"Chính phủ, Quốc hội giao cho tôi làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT để lo cho dân việc này. Chúng tôi cũng rất cố gắng, có sự chuyển biến nhưng cũng còn chậm. Chúng tôi cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để đáp ứng mong đợi của nhân dân", ông nói.
Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội nói họ chưa thỏa mãn với giải đáp của Bộ trưởng NN-PTNT. Một vài đại biểu đã phải bấm nút hơn một lần để hỏi lại và đề nghị làm rõ câu trả lời.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ còn kéo dài đến ngày 20-11.
Minh Đức
thời báo kinh tế sài gòn
|