Thứ Ba, 12/11/2013 07:14

Vốn cho nông nghiệp: Đã đủ nhưng khó tiếp cận

Hiện các chính sách, định hướng cũng như nguồn vốn Nhà nước tập trung cho nông nghiệp cũng đã “đủ” nhưng ngành nông nghiệp vẫn chưa có sự “bứt phá”. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.

Nông dân đang đứng trước nhiều khó khăn để nâng cao thu nhập. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Quốc hội tỉnh Quảng Bình thừa nhận: Nguồn vốn Nhà nước tập trung cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đủ do thời gian qua, các Ngân hàng thương mại, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuẩn bị nguồn vốn cho vay đúng với định hướng phát triển sản xuất tam nông. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng quan tâm tới lĩnh vực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để phát triển tam nông.

“Tuy nhiên, khó khăn thực tế là người cần vay vốn thì khó tiếp cận nguồn vốn, bởi các hộ nghèo không đáp ứng được điều kiện, không có giấy tờ thế chấp… còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng tiếp cận vốn nhưng điều kiện để thế chấp, chứng minh khả năng vay và hoàn trả vốn lại không có. Bởi nếu cứ cho vay thì đây là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của ngành ngân hàng, nên ngành cần phải tính toán kỹ khả năng cho vay”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: Với các trường hợp không có tài sản thế chấp, ngành ngân hàng cũng cần rà soát lại thực tế dự án sản xuất của người dân. Đồng thời, đánh giá dự án có điều kiện phát triển cần phải phối hợp kiểm soát chặt chẽ để tạo cơ hội cho người dân vay vốn. Đối với doanh nghiệp cũng cần “nới lỏng”, xem xét khả năng, tạo điều kiện cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có điều kiện phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công sẽ là “giảm sóc” cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn cũng như tạo sức bật cho các lĩnh vực khác tái cơ cấu thành công. Nhà nước tập trung cho tín dụng nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển tam nông đã nhiều và đủ nhưng người dân chưa được thụ hưởng do cách thức tổ chức thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Hiện ngành ngân hàng có nhiều chính sách vốn ưu đãi để người dân tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, chính sách đúng nhưng để tới người dân, thủ tục vay, thế chấp còn vướng mắc. Đối với người dân không có thế chấp nhưng có đề án kinh doanh triển vọng cần xem xét, cân nhắc tạo nguồn vốn phát triển sản xuất.

“Thực tế, địa phương khó can thiệp bằng giải pháp hành chính khi xảy ra vỡ nợ nhưng tôi tin trong tổ chức thực hiện, cán bộ ngân hàng không quá khó khăn để nhận ra đề án nào là đề án chân chính, đề án nào là đề án thực sự cần vốn cũng như đề án nào là đề án có tính khả thi. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong thẩm định cũng như cách thức tổ chức triển khai nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân hiệu quả. Yếu tố con người và sự phối hợp giữa cán bộ ngân hàng với địa phương cũng rất quan trọng. Đặc biệt, cán bộ ngân hàng, địa phương không nên nhìn nhận việc thẩm định dự án như sự “ban ơn”, “giúp đỡ” mà coi đây là công việc, nhiệm vụ đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long lại cho rằng: Cùng với việc tổ chức, tín dụng cho nông dân nên cải tiến tích cực hơn theo hướng giảm lãi suất, mức chi và thời gian vì đại đa phần đầu tư cho nông nghiệp ở mức độ ngắn hạn theo mùa vụ. Do vậy, thời gian xoay chuyển dòng vốn cũng như điều kiện cho người nông dân có đủ sức khai thác đem lại hiệu quả đầu tư lâu dài rất hạn chế.

Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết: Nhà nước dành nguồn lực rất lớn về tín dụng cho nông nghiệp, tạo các chính sách cho hộ nghèo vay vốn sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc vay tín dụng cho phát triển nông nghiệp cần tập trung cho hộ gia đình nhỏ lẻ, đời sống khó khăn để tránh việc tín dụng đen phát triển. Đối với sản xuất hộ gia đình, lượng vốn vay không nhiều nhưng đầu tư cho nông nghiệp rủi ro cao, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận ít nên cần tạo cơ hội cho hộ gia đình nhỏ lẻ.

Lâm Đồng là một trong những địa phương vùng Tây Nguyên có thế mạnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Nhà nước đã đồng ý cấp cho tỉnh này gói tín dụng 2.800 tỷ đồng để tái canh cây chè và cây cà phê. “Tôi cho rằng, với chủ trương đúng đắn này cũng như sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong phát triển nông nghiệp như: hỗ trợ tạo ra các nguồn vốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các trung tâm giống để thay thế, tạo nguồn bổ sung, cải thiện năng suất, chất lượng trong phát triển nông nghệp, đặc biệt là cây chè và cây cà phê, ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ có “bứt phá” trong tăng trưởng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, trước khi có gói tín dụng của nhà nước thì mặt bằng lãi suất ở mức chung là hợp lý, nhưng khi mặt bằng lãi suất xuống thấp như hiện nay mà mức lãi suất cho vay vẫn “giữ” nguyên hoặc chỉ giảm chút ít. Đại biểu đề nghị ngành ngân hàng hạ lãi suất để người dân tiếp cận với nguồn vốn ở mức lãi suất thấp hơn. Đặc biệt, về lâu dài, Lâm Đồng kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho người đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tái canh cây chè và cây cà phê để ổn định lâu dài.

Hoàng Linh

báo hải quan

Các tin tức khác

>   Thương nhân Trung Quốc tăng nhập gạo tiểu ngạch (12/11/2013)

>   Tiếp tục hạ mục tiêu xuất khẩu gạo (11/11/2013)

>   Thái Lan lại đề xuất thành lập Hiệp hội gạo ASEAN (11/11/2013)

>   Gạo Việt xuất khẩu đứng giá (11/11/2013)

>   Vẫn “treo” hoàn thuế (11/11/2013)

>   Chương trình trợ giá gạo của Thái Lan lỗ hơn 11 tỷ USD (10/11/2013)

>   Chiến lược mới cho cà phê Việt Nam (10/11/2013)

>   Thái Lan lại đề xuất thành lập Hiệp hội gạo ASEAN (10/11/2013)

>   Gạo sang châu Âu tăng mạnh (09/11/2013)

>   Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ước đạt 2,7 triệu tấn (09/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật