Thứ Năm, 07/11/2013 11:39

Thu ngân sách nhà nước đã đạt 75,8% dự toán

Nguy cơ hụt thu ngân sách là khá rõ sau khi cân đối NSNN 9 tháng năm 2013. Tuy nhiên, số thu tháng 10 theo tính toán của Bộ Tài chính đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn, thu ngân sách tăng 35,7% (18.800 tỷ đồng) so với tháng 9.

Đã có chuyển biến tích cực

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá... Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 10 ước đạt 71.640 tỷ đồng, tăng 35,7% (18.800 tỷ đồng) so với tháng 9.

Luỹ kế thu 10 tháng đạt 618.290 tỷ đồng, bằng 75,8% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, thu nội địa ước đạt 406.050 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán. Bộ Tài chính ước tính có 27 địa phương đảm bảo được tiến độ thu theo dự toán (tối thiểu đạt 83%), trong đó có 8 địa phương (Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Sơn La, Thái Bình, Lào Cai, Lai Châu và Quảng Trị) đã hoàn thành 100% dự toán năm do nguồn thu tập trung vào một số sản phẩm ít chịu tác động của suy giảm kinh tế; có 7 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, thu dầu thô ước đạt 92.380 tỷ đồng, bằng 93,3% dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 115.160 tỷ đồng, bằng 69,2% dự toán.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2013 thu NSNN gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay đã có bước chuyển biến rất tích cực. Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp miễn, giảm, giãn, hoàn thuế cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; ngành Tài chính tiếp tục tăng cường quản lý NSNN, tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua ngành Tài chính đã tích cực hoàn thiện cơ chế phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đã có 63 địa phương ban hành chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo, công tác quản lý thu và chi theo dự toán ngân sách năm 2013 theo Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng ngành Thuế 9 tháng năm 2013 tiến hành thanh tra, kiểm tra 43.654 doanh nghiệp, tăng 8,8% so với cùng kỳ, đã thu vào NSNN 8.916 tỷ đồng, qua kiểm tra đã giảm lỗ 7.970 tỷ đồng, đã thanh tra, kiểm tra 1.223 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt, hoàn thuế 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng…

Vừa nuôi dưỡng nguồn thu vừa chống thất thu

Để bù đắp nguồn hụt thu NSNN cho năm nay và tăng thu cho năm tới, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, cần phải động viên, tạo niềm tin cho DN sản xuất kinh doanh bằng các chính sách mới; tạo niềm tin cho người dân để kích thích nhu cầu tiêu dùng. Với những dự án đã được bố trí nguồn kinh phí thì cần phải giải ngân nhanh để đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả; đồng thời tăng cường quản lý, rà soát lại các khoản thu, đối tượng thu thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại; cơ quan quản lý thắt chặt chi tiêu công…

Nhiều chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho DN đã có hiệu lực như: Đối với các DN nhỏ, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hạ từ 25% xuống còn 20%; thuế Thu nhập cá nhân nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng thay vì 4 triệu đồng/tháng như trước đây. Thuế suất phổ thông thuế TNDN sẽ giảm từ 25% xuống còn 22% vào ngày 1-1-2014 tới đây... Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những chính sách ưu đãi về thuế trên đây của Chính phủ sẽ giúp vực dậy “sức khỏe” DN.

Trong phiên thảo luận về ngân sách vừa qua của Quốc hội, có đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì điều hành ngân sách thận trọng, chặt chẽ. Trong đó, chú ý nhiều hơn đến thu nội địa trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngăn chặn hụt thu thì cần kết hợp hài hòa giữa nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu, không chỉ quá nghiêng về chống thất thu. Kinh nghiệm cho thấy khi chính sách khó khăn thì nhiệm vụ cơ cấu lại thu, chi ngân sách được đặt lên hàng đầu, đối với chi ngân sách thì hướng chung là sắp xếp lại, bảo đảm chi cho phúc lợi, an sinh xã hội và con người.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm hiến kế một số địa chỉ có thể tăng thu thêm như: Đất đai, dầu khí, khoáng sản chuyển giá lậu, trốn thuế, lậu thuế, những quỹ mà liên quan đến ngân sách và nằm ngoài ngân sách khả năng có thể điều tiết ngay hoặc là điều tiết dần một số tập đoàn, tổng công ty phần vốn nhà nước không cần nắm giữ. Theo đó, cần làm rõ lộ trình để giám sát, quản lý. Có đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung tăng tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên như khai thác mỏ, khai thác gỗ... Thu để ngăn chặn đầu cơ bất động sản và thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ngăn chặn các hiện tượng chuyển giá, thu từ các khoản thu nhập chưa được kê khai…

Mặc dù trước tín hiệu tốt từ thu ngân sách, tuy nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính tiếp tục nỗ lực những tháng cuối năm để tăng thu, tiết kiệm chi. Nhiều giải pháp chống gian lận, nợ đọng thuế sẽ được ngành Tài chính thực hiện nghiêm, hạn chế thấp nhất số giảm thu ngân sách và phấn đấu thu đạt dự toán.

Minh Anh

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp sợ... thuế (06/11/2013)

>   Bô xít Tây Nguyên thoát nộp 100 tỷ đồng thuế (03/11/2013)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: "Sẽ siết kỷ luật thuế để bớt hụt thu" (03/11/2013)

>   Nợ đọng thuế khó xử lý vì DN... chết, mất tích (02/11/2013)

>   'Đẻ' nhiều ghế, ngân sách nào chịu nổi? (02/11/2013)

>   Doanh nghiệp “họ” Sông Đà "án ngữ" tốp đầu nợ thuế (01/11/2013)

>   Thuế và hải quan được doanh nghiệp hối lộ nhiều nhất (01/11/2013)

>   Doanh nghiệp “họ” Sông Đà "án ngữ" tốp đầu nợ thuế (01/11/2013)

>   'Không thể chi tiền thật dựa trên con số ảo' (01/11/2013)

>   Doanh nghiệp quan ngại vụ thuế chống phá giá inox (30/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật