Tăng cước 3G: 3 "ông lớn" có bắt tay nhau?
Việc có hay không chuyện ba ông lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone bắt tay tăng cước 3G sẽ được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tiếp tục xem xét, nhưng rõ ràng, chuyện tăng cước 3G vừa qua là có đầy đủ sở cứ.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng tại cuộc họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.
“Việc các doanh nghiệp (DN) có lợi dụng chủ trương tăng giá cước của Chính phủ, của Bộ Thông tin - Truyền Thông, lợi dụng vị thế độc quyền để bắt tay nhau tăng cước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hay không sẽ do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xem xét. Hiện Cục đang yêu cầu các DN báo cáo, nếu có dấu hiệu bắt tay nhau, thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Thắng nói.
Mức phí 3G hiện chỉ bằng khoảng 60% giá thành
|
Câu hỏi này trên thực tế đã được đặt ra ngay sau khi ba ông lớn ngành viễn thông - Viettel, VinaPhone, MobiFone - người trước, kẻ sau chính thức công bố, song đều đồng loạt tăng 40% gói cước 3G không giới hạn bắt đầu từ ngày 16/10 vừa qua, khiến người tiêu dùng bất bình và nghi ngờ. Cũng chính vì thế, ngày 22/10, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu kiểm tra việc tăng giá cước của ba nhà mạng này.
Nghi ngờ của dư luận là dễ hiểu, khi cả ba ông lớn, nắm giữ đến hơn 97% thị phần dịch vụ điện thoại 3G, đồng loạt tăng cước trong cùng một thời điểm và với mức tăng khá lớn. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông), thì khi chấp thuận việc đăng ký điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G của các DN vào ngày 4/10, Cục Viễn thông không quy định thời gian DN thực hiện điều chỉnh giá cước và gói cước cụ thể.
“Việc xác định thời gian điều chỉnh giá cước và ban hành các gói cước cụ thể là thẩm quyền của DN, tùy thuộc vào năng lực mạng lưới và điều kiện kinh doanh của từng DN”, ông Hải nói.
Hơn nữa, các sở cứ của việc điều chỉnh cước 3G lần này là rất đầy đủ. “Giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các DN viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành”, ông Hải lý giải.
Về giá thành, theo báo cáo của các DN, đã được Bộ Thông tin - Truyền thông xác nhận, mức giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 184,4 đồng/MB, trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường là 100 đồng/MB, tức là chỉ bằng 54% giá thành. Ngay cả sau khi đã tăng cước, thì mức phí hiện tại cũng chỉ bằng khoảng 60% giá thành.
Trong khi đó, về cung cầu thị trường, theo khẳng định của ông Hải, hiện số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G đã tăng mạnh lên đến 18,9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Và để tái đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thì việc từng bước điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G tiến đến giá thành là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động có hiệu quả và cũng phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.
“Trước đây, khi mới bắt đầu cung cấp dịch vụ, để kích cầu, các DN đã phải hạ giá cước xuống thấp”, ông Hải nói.
Thông tin của Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, cho tới nay, các DN viễn thông đã đầu tư trên 30.000 tỷ đồng cho việc triển khai mạng thông tin di động băng rộng công nghệ HSPA (3,5G), với khoảng 44.000 trạm phát sóng.
Còn để so sánh với khu vực và thế giới, thì giá cước dịch vụ 3G của Việt Nam, sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đồng/MB, cũng chỉ bằng 34,9% mức giá cước trung bình của ASEAN.
“Về cả phương thức, mức độ, phạm vi điều chỉnh giá cước 3G, tôi cho rằng, tương đối hợp lý, đúng lộ trình và không gây xáo trộn thị trường”, ông Hải nói.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc tăng hay giảm giá cước là điều hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh của DN, phụ thuộc một phần vào giá thành dịch vụ. “Khi giá thành dịch vụ giảm, thì giá cước cũng sẽ được điều chỉnh giảm theo”, Thứ trưởng Thắng nói.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là việc tăng giá cước có tương ứng với tăng chất lượng dịch vụ, khi mà thực tế, chất lượng dịch vụ 3G không hề được cải thiện. “Chúng tôi đang yêu cầu các DN phải đầu tư để đảm bảo chất lượng dịch vụ, nếu DN nào không đạt cam kết sẽ bị xử phạt”, Thứ trưởng Thắng nói và cho biết, hiện Bộ đang xây dựng và dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành bộ quy chuẩn về chất lượng dịch vụ 3G, cũng như có phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ của các nhà mạng.
Nguyên Đức
đầu tư
|