Nỗi buồn thủy điện
Đã có lúc phong trào làm thủy điện nở rộ ở khắp các địa phương. Nhà nhà, người người đều tung hô làm thủy điện, coi thủy điện như... cứu cánh cho ngành điện. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các ý kiến lại coi thủy điện như một tội đồ, hủy hoại môi trường, gây hậu quả cho an sinh xã hội… Vì đâu nên nỗi ?
Cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ; đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW) (ảnh: Thủy điện Sông Tranh)
|
Mấy ngày qua, diễn đàn Quốc hội đã nóng lên xung quanh tờ trình của Chính phủ thay đổi quy hoạch thủy điện. Hàng trăm dự án thủy điện đã bị loạt bỏ khỏi quy hoạch. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi những sai lầm từ lập quy hoạch đến quản lý dự án, quản lý quy hoạch là do ai? Liệu có ai phải chịu trách nhiệm…
Hậu quả của buông lỏng quản lý
Ông Trần Du Lịch – Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhận xét, dường như trong lĩnh vực thủy điện, chúng ta nặng về phương án kiếm tiền, chứ không nặng về phương án tạo việc làm, thay đổi cuộc sống cho người dân. Các tính toán về vấn đề thoát nước, xả lũ vẫn còn rất mơ hồ. Ví dụ, một hồ chứa dự kiến dung tích đến mức nào thì xả. Vì không dự báo là sắp tới mưa lũ cỡ nào nên người ta cứ chứa nước tới đủ điểm đó. Đây là điểm có vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa DN đầu tư với lợi ích chung. Quan điểm của Nhà nước là phải đứng trên lợi ích chung.
Đại biểu Lê Nam - đoàn Thanh Hóa nhận xét, trừ một số nhà máy thủy điện lớn do nhà nước làm chủ đầu tư, còn lại thì các nhà đầu tư cố gắng làm cách nào đó có lợi nhuận cao nhất. Cho nên họ không quan tâm đến công tác bảo tồn, những tác động xấu. Ví như thủy điện Sông Tranh, khi vỡ lở chúng ta mới lo ngại vì thủy điện này không có cửa xả đáy mà chỉ có đập tràn.
Bên cạnh đó, chức năng giao thông vốn có của các dòng sông cũng bị các nhà máy điện làm biến dạng, hầu như tước hết những chức năng bình thường của dòng sông. Thế nhưng các cơ quan thẩm định vẫn cứ cho làm. Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT, do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.
Thực trạng buông lỏng quản lý thể hiện ngay tại số liệu mà các bộ đưa ra. Bộ Công Thương báo cáo diện tích rừng bị lấy làm thủy điện đến hơn 50.000 ha, còn Bộ NN-PTNT lại báo rằng chỉ mất 19.000 ha rừng. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hậu quả của sự buông lỏng trong quy hoạch thủy điện hết sức nghiêm trọng, không những bây giờ mà cho cả thế hệ con cháu. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cảnh báo nguy cơ nhà đầu tư lợi dụng làm dự án thủy điện nhỏ để nhảy vào những vùng giàu tài nguyên nhằm khai thác gỗ rừng, khoáng sản. Trong khi đó thì chất lượng công trình thủy điện sơ sài khiến người dân phải gánh chịu thiệt hại kép.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại trước việc các dự án thủy điện lơ là nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Hiện diện tích trồng rừng thay thế chỉ đạt 3,7% diện tích rừng đã xóa để làm thủy điện và nhà đầu tư còn đề xuất nộp tiền cấn trừ thay nghĩa vụ này vì không tìm được đất để trồng rừng. Thực tế trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Đáng lưu ý nhất là sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích... đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình.
Khắc phục thế nào ?
Qua một thời gian triển khai, những tác động tiêu cực của rất nhiều dự án thủy điện đã được nhìn ra. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải khắc phục hậu quả của quá trình phát triển nóng thủy điện. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam ông Ngô Văn Minh cho rằng, cần xem xét việc dừng 424 dự án ở mọi khía cạnh như: nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý hậu quả… Đây là hậu quả do cách làm quy hoạch thủy điện của chúng ta. Liệu chúng ta có xử lý người ra chủ trương sai không?
Ở góc độ khác, TS Trần Du Lịch cho chia sẻ: Tôi ủng hộ cắt giảm việc cắt giảm một số thủy điện nhưng cũng xót xa cho các DN, họ làm đúng theo quy hoạch nhưng họ bị loại và mất phí quá lớn có khi lên tới cả trăm tỉ đồng. Quy hoạch là chủ quan của nhà nước còn đầu tư kinh doanh là theo thị trường vậy thì làm sao giải quyết bài toán trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch, lập quy hoạch? Chúng ta không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp, tôi nghĩ phải xem lại quy trình, chất lưng quy hoạch. Từ thực tế này cho thấy chúng ta đang thiếu những đạo luật về quy hoạch chứ không riêng gì quy hoạch thủy điện. Tôi đã nhiều lần đề nghị trước Quốc hội là phải có Luật về quy hoạch.
Các đại biểu Quốc hội đã thống nhất với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo ông Phạm Trường Dân đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết là nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình vận hành khai thác công trình thủy điện nếu để xảy ra hậu quả thiệt hại, thậm chí phải truy cứu hình sự nếu để xảy ra chết người; phân công trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong quá trình vận hành, khai thác công trình thủy điện.
Bài toán an ninh năng lượng
Nên làm thủy điện bậc thang, không nên khuyến khích các dự án ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân mà công suất thủy điện không lớn. |
Theo tính toán của các chuyên gia, việc điều chỉnh lại quy hoạch thủy điện về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến tiềm năng khai thác thủy điện của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch bao giờ cũng tác động không nhỏ đến chi phí đầu tư nghiên cứu của DN và nhà nước vì những khoản chi phí đã bỏ ra.
Ở Việt Nam, thủy điện đóng vai trò rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% điện lượng. Thủy điện còn tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế, gần 90% số các dự án trong quy hoạch là thủy điện nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% tổng sản lượng điện từ thủy điện. Tỉ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Với 418 dự án thủy điện nhỏ bị loại bỏ tương đương tổng công suất 1.174 MW. So sánh với tổng công suất của 815 dự án trong quy hoạch mới là trên 24.000 MW chiếm tỉ lệ khoảng 1/22.
Ủy ban KH - CN - MT của Quốc hội kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất và đồng bộ các quy hoạch phân ngành năng lượng; chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; thành lập các Ủy ban lưu vực sông lớn nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình thủy điện...
“Xử trảm” hàng trăm dự án
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát, đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện, 424 dự án đã bị loại bỏ; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện. Trong đó, số dự án đã vận hành phát điện là 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) cho thấy còn nhiều vấn đề trong quá trình rà soát của Chính phủ chưa được làm rõ. Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Lê Quang Huy nhận xét, việc loại bỏ 424 dự án thủy điện (trong đó có 6 TĐ vừa, còn lại 418 TĐ nhỏ) thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ. Nhưng bên cạnh mặt tích cực của báo cáo, việc loại bỏ đến 34% các dự án thủy điện khỏi quy hoạch nói lên phần nào chất lượng quy hoạch thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ.
Thực tế, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ thời gian qua đã bộc lộ sự yếu kém. Số lượng dự án thủy điện nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện. Chỉ tính riêng số dự án bị loạt bỏ đã lên tới 34% tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế - xã hội... thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh là rất lớn.
Để nói về bất cập trong quản lý dự án, Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội đã chỉ ra, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực.Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Ủy ban KH-CN-MT đã đưa ra những con số báo động, có tới gần 30% số đập công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án chống lũ.
Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là do không ít chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế. Ngoài ra, quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ.
|
Bá Tú
dđdn
|