Thứ Năm, 07/11/2013 15:02

Tái cơ cấu nền kinh tế: Trì trệ, chậm chạp

Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế được đánh giá là chậm so với yêu cầu, chưa có những thay đổi đột phá. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

Tái cơ cấu đặt ra nhiều thách thức, trong đó nổi bật là sở hữu chéo.

Chưa xử lý vấn đề cốt lõi

Ông nhận định như thế nào về hiệu quả của việc tái cơ cấu nền kinh tế cho đến thời điểm này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam bắt đầu tiến hành chương trình kinh tế trung hạn từ năm 2011, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc. Lúc đó, Đại hội Đảng đã đưa ra một loạt chủ trương, kế hoạch rất cao, nhưng khi Đại hội Đảng kết thúc, toàn bộ chỉ tiêu đó đã trở nên lạc hậu và Chính phủ phải ngay lập tức điều chỉnh toàn bộ kế hoạch phát triển năm 2011-2015.

 Những khiếm khuyết, những thất bại của DN bộc lộ ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở những DN nhỏ và vừa mà có nguy cơ gây khó khăn cho các DN lớn, tập đoàn ở khu vực quốc doanh lẫn khu vực tư nhân. Thị trường bất động sản, thị trường tài sản nói chung vẫn còn trong tình trạng đóng băng. Lý do là ngoài những việc rất lớn đã được làm trong thời gian rất ngắn nhưng vẫn chưa xử lý được những vấn đề cốt lõi.

Điều này cho thấy dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ đó rất kém, mặt khác do chúng ta đánh giá sai lầm trong giai đoạn từ 2007-2010. Vì vậy thời điểm 2011 kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ khủng hoảng, lạm phát ở mức rất cao (18%), lãi suất tăng cao, nợ xấu lần đầu tiên được công bố với con số rất lớn, bất động sản đóng băng và có nguy cơ sụp đổ.

Tỷ giá điều chỉnh đến 10%, dự trữ ngoại tệ sụt giảm xuống còn 7 tỷ USD, đặc biệt cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thâm hụt rất lớn. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam càng chống đỡ càng rơi sâu vào khủng hoảng, suy thoái. Nền kinh tế thực sự bước vào một giai đoạn tăng trưởng thấp và đây là lần đầu tiên nước ta rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp kéo dài nhiều năm.

Cho đến nay, lạm phát được kéo xuống còn 7%, tăng dự trữ ngoại tệ rất mạnh từ 7 tỷ USD lên 28 tỷ USD và tạo lập được cán cân thanh toán thặng dư ước tính năm 2013 đạt trên 5 tỷ USD.

Tỷ giá hối đoái được duy trì ổn định, lãi suất giảm rất mạnh từ trên 20%/năm xuống còn xấp xỉ 10%/năm, nguy cơ khủng hoảng thanh khoản của các NHTM đã được loại bỏ hoàn toàn. Mặc dù vậy, việc tái cơ cấu nền kinh tế nhìn chung thực hiện rất chậm và DN vẫn còn khó khăn rất lớn.

Về ngắn hạn, tổng cầu vẫn yếu, tồn kho hàng hóa tăng khá nhanh, đặc biệt là tồn kho bất động sản, công nghiệp, công nghiệp chế biến và nợ xấu vẫn còn ở mức cao.

Về dài hạn, mô hình kinh tế nước ta định hình chưa rõ ràng, DN nhà nước chưa cải cách, toàn bộ những tiến trình cải cách để có thể đảm bảo thực thi tốt đẹp các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta sẽ ký vào năm 2015 và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong TPP vẫn còn rất nhiều vấn đề.

- Một số ý kiến cho rằng tái cơ cấu NHTM bước đầu có hiệu quả?

- Đối với tái cơ cấu hệ thống NHTM, hiện chúng ta đã kiên quyết xử lý 8/9 NHTM yếu kém nhằm loại bỏ nguy cơ các NH này có thể gây ra khủng hoảng thanh khoản lan truyền cho hệ thống NH. Đồng thời, Chính phủ cũng nhận ra rằng nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng nhất của tái cấu trúc NHTM.

Để xử lý nợ xấu, VAMC đã ra đời và đang tiến hành mua nợ xấu của các NHTM. Hiện tại đã có nhiều tập đoàn tài chính lớn như Blackstone Group, Công ty Tài chính quốc tế (IFC)… đã nghiên cứu, khảo sát cách thức mua nợ của Việt Nam và đặt vấn đề tham gia.

Tuy nhiên, tái cơ cấu hệ thống NH vẫn còn rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, VAMC còn mới mẻ, nợ mua về chưa nhiều, chưa đủ năng lực phân loại nợ để bán. Hơn nữa, thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa hoàn thiện nên để bán được nợ cho nước ngoài, như việc tháo gỡ một số vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là thủ tục mua, bán nợ.

Thứ hai là phải giải quyết vấn đề sở hữu chéo. Chúng ta đang từng bước loại bỏ sở hữu chéo và lũng đoạn NH, nhưng đây là vấn đề tế nhị và phải làm trong nhiều năm. Bởi một mặt, loại bỏ sở hữu chéo và lũng đoạn NH gây ra có thể ảnh hưởng đến một số NHTM khác và ảnh hưởng lan truyền cả hệ thống. Mặt khác, nước ta vẫn đang thiếu chế tài để xử lý vấn đề này.

Đối với sở hữu chéo, ông chủ các tập đoàn đồng thời là ông chủ các NH, sử dụng gần như toàn bộ vốn trung và dài hạn của NH đó cho các DN của mình mà hội đồng quản trị, thậm chí cả tổng giám đốc cũng không biết.

Chúng tôi đã khảo sát một vài NHTM và phát hiện ông chủ không là chủ tịch hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị không biết ông chủ nhà băng này vay ở chính NH mình là bao nhiêu, vì các khoản vay đứng tên ông ta rất ít, phần lớn đứng tên các công ty “con”, mà các công ty con của ông chủ nhà băng lại còn có công ty “cháu” đằng sau nên thực chất không thể thống kê nổi. Đó là khiếm khuyết trong việc xử lý vấn đề tín dụng có liên quan.

Tăng đầu tư công

- Ông đã từng đưa ra dự báo, tổng đầu tư xã hội sẽ tăng từ 29-30% năm 2013 lên khoảng 32-33% cho năm 2014. Tổng đầu tư xã hội bao gồm 3 phần: phần của nước ngoài đầu tư, DN trong nước và một phần đầu tư của Chính phủ hay đầu tư công. Nhưng hiện không thể kỳ vọng vào đầu tư của nước ngoài và DN trong nước, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng đầu tư công để tăng trưởng kinh tế. Vậy theo ông tăng đầu tư công có lợi hay không khi chúng ta đang muốn tái cơ cấu đầu tư công?

 Để giải quyết vấn đề sở hữu chéo, chúng ta đang tiến hành điều tra các NHTM và DN, ít nhất là đẩy DN liên quan ra khỏi hệ thống tài chính, hệ thống NH. Cách xử lý tùy vào tình hình, mức độ, quy mô của từng trường hợp để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của NHTM cũng như hoạt động của cả hệ thống.

- Lộ trình cắt giảm chi tiêu ngân sách của Chính phủ rất nghiêm khắc, Quốc hội đưa ra là 4,8% sau đó xuống còn 4,5%. Thế nhưng năm nay lại tăng lên, điều này chứng tỏ đã có một ý tưởng chính sách thực sự, bởi ngân sách tăng lên không phải chi tiêu thường xuyên mà để tăng đầu tư công.

Chúng tôi khảo sát và thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam có lúc lên đến 41% và đã sụt giảm xuống 21%, nên muốn có tốc độ tăng trưởng cao hơn rất khó khăn. Sở dĩ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại do tổng cầu nội địa chậm và do nợ xấu nên DN không thể tiếp cận vốn NH để đẩy sản xuất lên được.

Vì vậy, toàn bộ khu vực đầu tư của DN bị đình trệ. Còn đầu tư của nước ngoài cũng chỉ ở mức độ nhất định, không thể như mong muốn. Như vậy, trong 3 nguồn đầu tư để có thể phục hồi lại đà tăng trưởng kinh tế chỉ còn nguồn đầu tư công. Đẩy đầu tư công lên sẽ thúc đẩy hạ tầng, đi vào ngành xây dựng, lan tỏa sang các ngành khác, kích thích tổng cầu và có thể tạo tiền đề tăng trưởng trong tương lai cho Việt Nam.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ kích đầu tư công với 2 hàm ý. Một là có thể hoàn thành những cơ sở hạ tầng quan trọng, có giá trị thúc đẩy cho tương lai như hạ tầng về giao thông vận tải, năng lượng, tức là tạo được đà tăng trưởng trong tương lai bắt đầu từ bây giờ.

Hai là đầu tư này sẽ lan tỏa nhanh sang các ngành kinh tế khác, đặc biệt là ngành xây dựng, bởi chỉ đẩy đầu tư công trong thời gian tháng 9 là chỉ số giá xây dựng bắt đầu tăng lên, đứng thứ 2 sau giá dịch vụ giáo dục. Mức độ lan tỏa của ngành xây dựng vào trong các ngành kinh tế khác hiện rất cao.

Cẩn trọng tập đoàn tư nhân

- Ông nhận định gì về việc tái cấu trúc DN nhà nước, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế hiện tại? Tình hình xử lý nợ xấu gần đây đối với tổng công ty, DN nhà nước được thực hiện như thế nào?

- Việt Nam có 101 tập đoàn thì 100 tập đoàn được phê chuẩn đề án cải cách. Tỷ lệ có thể coi là 100%, nhưng quan trọng các tập đoàn có thực hiện hay không. Tôi nhận thấy việc phê chuẩn đã chậm nhưng thực hiện có thể chậm hơn vì các lý do như lợi ích nhóm, thị trường tài sản yếu, đặc biệt là quy định ngặt nghèo trong việc thoái vốn.

Chẳng hạn trước kia DN đầu tư vào 500 tỷ đồng, bây giờ thoái vốn chỉ được 100 tỷ đồng, câu hỏi đặt ra là 400 tỷ đồng kia đưa vào việc gì. Do vậy, cá nhân đó không dám thoái vốn vì không muốn chịu trách nhiệm, bởi đó là tài sản công, trách nhiệm quy cho cá nhân nên nhiều cá nhân cố gắng kéo dài không thoái vốn cho hết nhiệm kỳ. Từ đó cản trở tâm lý trong việc giữ hoặc thoái vốn của DN nhà nước.

Hiện dư nợ của DN nhà nước chiếm 45% tổng dư nợ của hệ thống NHTM Việt Nam. Trong đó, tập đoàn có dư nợ lớn nhất là EVN và PVN, nhưng 2 tập đoàn này có nợ xấu không đáng kể.

Tập đoàn có nợ xấu đáng kể là Vinashin với nợ xấu vay các NHTM trong nước bao gồm cả tín dụng và trái phiếu xấp xỉ 37.000 tỷ đồng. Hiện nay chúng ta đã cơ cấu gần như xong Vinashin. Còn lại các tập đoàn nhà nước khác dư nợ ít và nợ xấu cũng thấp.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện những tập đoàn tư nhân có nợ xấu lớn hơn Vinashin rất nhiều, có những tập đoàn tư nhân có dư nợ lên đến 100.000 tỷ đồng, hạng trung cũng từ 40.000-60.000 tỷ đồng, rất nhiều tập đoàn có khoản nợ trên dưới 10.000 tỷ đồng và các công ty kiểm toán đánh giá khả năng trả nợ rất thấp.

Đấy mới là mối lo của hệ thống NH hiện nay. Các tập đoàn này vừa là chủ tập đoàn vừa là chủ NH. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng phải rất cảnh giác đối với các tập đoàn tư nhân này. Nếu như kinh tế phục hồi nhanh, thị trường phục hồi nhanh, tín dụng đóng băng được giải tỏa nhanh thì họ sẽ thoát và hệ thống NHTM cũng sẽ thoát.

Nhưng nếu những DN này làm ăn không tốt làm cho thị trường bất động sản sụp đổ, kéo theo thị trường tài sản sụp đổ, nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm, kéo dài.

- Xin cảm ơn ông.

Yên Lam

Đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Kinh tế suy thoái do “tham nhũng tràn lan” (07/11/2013)

>   EuroCham tiếp tục lạc quan với kinh tế vĩ mô Việt Nam (06/11/2013)

>   Lạm phát không còn là quan ngại lớn (06/11/2013)

>   'CPI dự báo tăng tương đương tháng 10' (05/11/2013)

>   Đầu tư công sẽ là phao cứu sinh (04/11/2013)

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 (04/11/2013)

>   Quyết tâm phấn đấu để đạt kết quả cao hơn, vững chắc hơn (03/11/2013)

>   PMI tháng 10 tiếp tục duy trì mức 51,5 điểm (03/11/2013)

>   CPI không lặp lại chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” (03/11/2013)

>   Chính sách tiền tệ chưa qua thách thức (03/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật