Chính sách tiền tệ chưa qua thách thức
Dù đánh giá cao những kết quả NHNN đã đạt được trong điều hành thị trường vàng, tỷ giá, tái cấu trúc hệ thống, nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tại buổi Tọa đàm "Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước 2011-2013: Những kết quả và thách thức" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức giữa tuần qua, các chuyên gia có sự thống nhất cao trong việc đánh giá những kết quả NHNN đã đạt được trong điều hành thị trường vàng, tỷ giá, tái cấu trúc hệ thống cũng như nhiều thách thức ngành ngân hàng đang phải đối mặt.
Đấu thầu vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá cao vai trò trong việc thiết lập lại trật tự trên thị trường vàng cũng như đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước đang rất hạn hẹp của NHNN thời gian qua. Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, phải ổn định giá vàng.
“Giá vàng trong nước vẫn còn vênh với giá vàng thế giới là điều người dân vẫn còn bức xúc”, TS. Hiếu nêu quan điểm.
Quan sát diễn biến giá vàng từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã giảm từ khoảng 1.679 USD/ounce xuống còn 1.354 USD/ounce, tương đương mức giảm gần 20%; trong khi đó, giá vàng trong nước thời điểm đầu năm là 46,7 triệu đồng/lượng nay xuống 37,3 triệu đồng/lượng, mức giảm cũng gần 20%. Nghĩa là giá vàng thế giới và trong nước biến động cùng chiều và việc giảm giá vàng gần như không chịu tác động của việc đấu thầu vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn lớn dù các phiên đấu thầu vàng liên tục trong 6 tháng nay đã cung ra thị trường khối lượng vàng rất lớn.
TS. Hiếu nhận định, hoạt động đấu thầu vàng miếng tiềm ẩn nhiều rủi ro:
Thứ nhất, rủi ro về thanh khoản của hệ thống, nếu NHNN tiếp tục bán vàng sẽ phải nhập khẩu vàng bởi rõ ràng không có nguồn vàng dự trữ để bán mãi trong khi vàng trong dân lại không huy động được.
Thứ hai, rủi ro tập trung. Hiện NHNN là đơn vị duy nhất cung cấp vàng, nên nếu NHNN dừng cung cấp vàng sẽ tạo ra khoảng trống lớn nếu không có bước chuẩn bị kỹ càng.
Thứ ba, rủi ro thị trường khi NHNN nhập vàng với giá cao, nhưng sau đó vàng giảm giá nhanh trong khi NHNN chưa kịp bán ra.
“Trong ngắn hạn, NHNN nên đặt hạn mức sử dụng dự trữ ngoại hối trong nhập khẩu vàng. Không nên sử dụng quá 5% dự trữ ngoại hối (hiện tại vào khoảng 30 tỷ USD) để mua vàng trong một quý. Dần dần, NHNN có thể cho phép các tổ chức tài chính tham gia nhập khẩu và bán vàng để khi NHNN rút ra, không để lại khoảng trống. Để tránh biến động giá, NHNN cần sử dụng những công cụ phái sinh. Về dài hạn, NHNN nên đứng ra huy động vàng trong dân thông qua phát hành chứng chỉ, thành lập sàn vàng quốc gia và tiến tới trả lại vàng cho thị trường”, TS. Hiếu khuyến nghị.
Chính sách tỷ giá, “không nên ngủ quên trên chiến thắng”
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TS. Đào Lê Minh cho biết, 2 năm qua, chính sách tỷ giá đã góp phần giúp cán cân vãng lai từ thâm hụt tiến tới thặng dư, với khoảng 5 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP vào cuối quý II/2013. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định hạn chế tác động tới lạm phát, làm tăng dự trữ ngoại hối, củng cố niềm tin vào tiền đồng...
“Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một hạn chế, đó là mục tiêu đảm bảo cân bằng nội-ngoại chưa đạt, dù tỷ lệ lạm phát giảm nhưng diễn biến tỷ giá chưa thực sự phản ánh được sự ổn định của đồng nội tệ. Xu hướng tỷ giá tăng, sức ép giảm giá đồng Việt Nam lớn sẽ gây bất ổn thị trường ngoại hối và làm suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và dòng vốn đầu tư gián tiếp trên TTCK nói riêng.
Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thiện chính sách tỷ giá còn được phản ánh ở việc duy trì chế độ tỷ giá neo USD với biên độ hẹp trong một thời gian dài, trong điều kiện dự trữ ngoại hối mỏng, thị trường ngoại hối chưa phát triển và thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất chưa thực sự khách quan và chính sách tỷ giá còn dựa nhiều vào công cụ phá giá nội tệ”, TS. Minh nhận định.
Còn theo TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các chính sách chống đô - la hóa nền kinh tế đã phát huy tác dụng tốt, nếu không tỷ giá không thể ổn định như hiện nay.
“Việc sử dụng các biện pháp hành chính, đương nhiên nhiều khi hơi khắc nghiệt, để can thiệp thị trường ngoại hối đã làm cho độ hấp dẫn của đồng USD giảm đi so với đồng Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng thấp, đặc biệt tín dụng ngoại tệ giảm làm cho cầu ngoại tệ thấp xuống, tuy nhiên những rủi ro của thị trường ngoại hối vẫn còn đó. Chúng ta không nên ngủ quên trên chiến thắng của tỷ giá”, ông Phước nói.
Sở hữu chéo phức tạp hơn sau tái cấu trúc
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, trong vòng 2 năm qua, nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được tập trung vào các ngân hàng yếu kém.
Theo Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc không chỉ là giải quyết khó khăn trước mắt mà còn làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng với hệ thống quản trị mới cũng như thay đổi cấu trúc sở hữu đặc biệt là khắc phục vấn đề sở hữu chéo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tái cấu trúc 3 ngân hàng yếu kém đầu tiên bằng sáp nhập chỉ là một phép tính cộng đơn giản, vì các nhóm cổ đông cũ vẫn còn và cổ đông mới lại có quan hệ khăng khít với cổ đông cũ.
Hay việc đứng đằng sau Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam lại là một tập đoàn xây dựng và một nhóm DN bất động sản. Như vậy, một ngân hàng trước kia yếu kém do sở hữu chéo được tái cấu trúc thành ngân hàng có sở hữu chéo phức tạp hơn.
“Nhìn vào kết quả của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, có thể thấy, sức ép trong ngắn hạn của ngành ngân hàng vẫn rất lớn. Chúng ta cần những nhà đầu tư thực sự với nguồn lực thực sự, không có công ty sân sau để thay thế các cổ đông cũ . Đồng thời, tư duy không dùng nguồn lực thực để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng cần phải thay đổi”, ông Thành nhấn mạnh.
Nhuệ Mẫn
Đầu tư chứng khoán
|