Thứ Năm, 31/10/2013 09:11

Đổi mới thể chế kinh tế: “Muốn nhanh thì phải... từ từ”

“Muốn nhanh thì phải từ từ” hay “Hà Nội không vội được đâu”, lối nói vui từ dân gian nay đã đi vào hành lang nghị trường...

Đấy là “đại vấn đề”, nhưng “muốn nhanh thì phải... từ từ”, một vị đại biểu Quốc hội khái quát với VnEconomy về câu chuyện đổi mới thể chế kinh tế.

Câu hỏi được người viết đặt ra với ông và một số vị đại biểu khác có liên quan mật thiết đến một trong các nội dung rất quan trọng tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội bắt đầu từ sáng 31/10: kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội trao đổi tại hành lang nghị trường

Tại báo cáo về nội dung này gửi đến Quốc hội, Chính phủ đánh giá, các giải pháp thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho đến nay về cơ bản vẫn trong thể chế hiện hành, chưa có đột phá trong thể chế huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường.

Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, chưa đi cùng với tạo lập môi trường vi mô năng động thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, chưa có thay đổi đáng kể về cách thức tăng trưởng, chưa phục hồi được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch.

Theo Chính phủ, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải có thay đổi đột phá về thể chế kinh tế và tổ chức hành chính liên quan đến huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực quốc gia. Mà “việc thay đổi lớn về thể chế đang phụ thuộc vào sửa đổi các nội dung có liên quan của Hiến pháp 1992”.

Vậy những điểm mới nào ở dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tạo ra thay đổi lớn về thể chế kinh tế?

“Nói thật là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không tạo ra cái gì đột phá thể chế kinh tế cả”, đó là câu trả lời của không ít các vị đại biểu đề nghị không nêu tên. Một vị bộ trưởng đang rất tâm đắc với cải cách thể chế kinh tế cũng đồng tình với nhận xét đó.

Nhưng, theo một số vị đại biểu thì dù là thế, vẫn có thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên nền thể chế hiện tại, bởi lâu nay nhiều vướng mắc nằm ở quá trình thực thi chứ chưa hẳn do thể chế.

Trả lời rằng chưa nghiên cứu sâu nên chưa dám phát biểu dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tạo điều kiện đột phá thể chế thế nào, song Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TVK), đại biểu Quốc hội đương nhiệm Trần Xuân Hòa cho rằng chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế là rất đúng. Nhưng, “tôi làm thực tế, tôi thấy rất hàng loạt vấn đề vướng,”, ông Hòa bộc bạch.

Theo đại biểu Hòa thì nhất thiết giai đoạn đầu phải đổ tiền ngân sách vào quá trình tái cơ cấu, ít nhất là để giải quyết lao động dôi dư. Có quốc gia họ đổ đến 10% ngân sách vào làm việc đó cơ mà, ông Hòa so sánh.

Đồng tình với ý kiến một số vị đại biểu khác là cần có ban chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế, ông Hòa cho rằng “nếu chỉ nói chung chung thì rất dễ, mà mình hay có tính nói chung chung”.

Một đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì không cần sửa Hiến pháp mà chỉ cần điều chỉnh ở tầm nghị định hoặc luật là đủ.

Theo ông, mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cần được thay đổi một cách căn bản, rạch ròi nhà nước làm gì thị trường làm gì chứ không thể lằng nhằng không minh bạch như hiện tại. Hai bên cần sòng phẳng với nhau, nếu nhà nước đã giao cho doanh nghiệp nhà nước làm gì thì phải đảm bảo để họ không lỗ từ việc đó, dù lãi có thể không cao bằng doanh nghiệp tư nhân làm.

Kể ra thì không cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhưng chủ đạo cũng là khái niệm tương đối trừu tượng, vị chuyên gia bình luận.

Có quan điểm khác, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Phạm Xuân Đương nhấn mạnh, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhất thiết kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này quy định rất rõ chế độ sở hữu và vai trò của các thành phần kinh tế, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật đổi mới thể chế kinh tế. Mục tiêu không thay đổi nhưng cách làm có thể khác nhau, ông Đương lạc quan.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu khác không được lạc quan như vậy, khi cho rằng sẽ còn phải chờ đợi rất lâu nữa mới có thể sửa đổi Hiến pháp, nên nội dung nào còn có ý kiến khác nhau thì nên bàn thảo đến cùng để chịu trách nhiệm trước nhân dân.

“Muốn nhanh thì phải từ từ” hay “Hà Nội không vội được đâu”, lối nói vui từ dân gian nay đã đi vào hành lang nghị trường rất tự nhiên, trong những câu chuyện hết sức vĩ mô.

Nhưng, nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội được dẫn trên báo Tuổi Trẻ ngày 25/10, là “nếu Việt Nam không đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn trương, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, sẽ tụt hậu xa so với khu vực, thậm chí tụt hậu so với Campuchia, Lào”.

Theo Bộ trưởng, trong thể chế kinh tế là vấn đề trọng tâm, quyết định mọi thứ khác. “Thể chế kinh tế ở đây là gì, là tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được, để cho mỗi một chủ thể kinh tế mang toàn bộ tài năng, tâm huyết của mình ra làm cho đất nước phát triển. Nôm na là như vậy”, Bộ trưởng chia sẻ với các đại biểu cùng tổ thảo luận.

Vị “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư cũng nói trúng tâm tư của khá nhiều vị đại diện cho dân rằng tài nguyên lớn nhất của Việt Nam không phải là khoáng sản, dầu khí, bởi dăm năm nữa hết dầu khí thì không còn cái gì để thu.

“Tài nguyên lớn nhất của Việt Nam là con người. Nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi là Bộ trưởng, muốn nhận một cháu học tiến sĩ giỏi đang làm bên ngoài 50 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ về Bộ, cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác. Nhưng tôi không nhận được vì không trả lương như vậy được, và nếu tôi cho nghỉ việc mấy người kém để tuyển cậu ấy vào thì tôi sẽ bị kiện ngay. Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà cán bộ dốt, không thu hút được người tài thì làm sao có chính sách tốt được”, Bộ trưởng phát biểu tại tổ (vẫn theo báo Tuổi trẻ).

Nghe nói, đã có rất nhiều tiếng vỗ tay vang lên khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kết thúc bài phát biểu khá dài đó, vào ngày 24/10 vừa qua.

Nguyên Thảo

vneconomy

Các tin tức khác

>   Quốc hội bàn chuyện bội chi vỡ kế hoạch, GDP tăng trưởng thấp (31/10/2013)

>   Lạm phát tiếp tục giảm thấp (30/10/2013)

>   Thị trường lao động ảo (29/10/2013)

>   Việt Nam trụ hạng vị trí 99 xếp hạng môi trường kinh doanh (29/10/2013)

>   Tổ Điều hành thị trường: Dự báo CPI tháng 11 chỉ tăng 0,5 - 0,6% (28/10/2013)

>   5 năm, hai gói kích cầu? (28/10/2013)

>   Tăng trưởng kinh tế dưới các góc nhìn khác nhau (28/10/2013)

>   Thủ tướng: “Lạm phát không còn là vấn đề nóng” (27/10/2013)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Đại biểu chê chậm, Chính phủ nói gì? (27/10/2013)

>   Kinh tế năm 2013: Ba chỉ tiêu khó đạt (26/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật