Lạm phát không còn là quan ngại lớn
Điểm tích cực mà khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam lần này chỉ ra là: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và không còn là mối quan ngại lớn đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của các DN châu Âu tại Việt Nam do Phòng Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố ngày 6/11 cho thấy sự ổn định trong tháng thứ 3 liên tiếp và đứng ở mức 50 điểm. Tuy nhiên nhiều lo ngại mới cũng xuất hiện. Trong đó, 2 mối quan ngại lớn nhất nổi lên là niềm tin kinh doanh giảm và những lo ngại của các DN châu Âu liên quan đến các điều chỉnh về pháp luật, quy định trong thời gian tới.
Chỉ số không thay đổi nhưng niềm tin giảm
Dù Chỉ số BCI quý IV vẫn giữ ở mức 50 điểm nhưng khảo sát cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh của các DN đã giảm đi. Về tổng thể, 38% số DN được hỏi đánh giá tình hình hiện nay là tích cực (không thay đổi so với quý trước) và tốt hơn so với một năm trước đây. Số DN được hỏi có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại (24%) đã giảm so với quý trước (28%).
Tuy nhiên điều đáng ngại là số lượng DN đánh giá triển vọng kinh doanh tích cực đã giảm xuống (44%) lần đầu tiên sau hai quý liên tiếp tăng.
Dù phần lớn các thành viên của EuroCham vẫn cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong lâu dài nhưng sự sụt giảm niềm tin trên cũng cho thấy sự quan ngại và tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc Chính phủ Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về môi trường kinh doanh đang có tác động tiêu cực đến nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, khảo sát BCI quý trước của EuroCham ghi nhận, có một số DN được hỏi cho biết đã xem xét kế hoạch di dời kinh doanh sang một nước ASEAN khác. EuroCham đã nỗ lực tìm hiểu các nguyên nhân của lo ngại này trong thời gian vừa qua để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề này.
Kết quả EuroCham đã phát hiện ra các nguyên nhân chính dẫn đến khả năng chuyển dịch của các DN châu Âu và được công bố trong BCI lần này là: tham nhũng (72%); thiếu hoặc thực hiện pháp luật không nhất quán (67%); thủ tục hành chính khó khăn (52%) và sự thiếu minh bạch (45%).
Khi xem xét chi tiết hơn về tác động của nguyên nhân “thiếu hoặc thực hiện pháp luật không nhất quán”, EuroCham thấy rằng, có 50% số người được hỏi cho rằng thay đổi pháp luật, quy định đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh của họ. Chỉ có 7% cho rằng những thay đổi này là tích cực trong năm 2013.
Nhìn qua năm 2014, một nửa số DN được hỏi tin rằng, pháp luật sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến kinh doanh của họ. Tuy nhiên, cũng có 32% kỳ vọng về một môi trường pháp luật sẽ tích cực trong năm tới. Điều này có thể giải thích tại sao có một điểm đáng kinh ngạc là có tới 89% người được hỏi cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên lưu ý các điểm được nêu trong Whitebook 2014. Sách này sẽ được EuroCham công bố vào ngày 11/11/ 2013.
KTVM và lạm phát không còn là quan ngại lớn
Điểm tích cực mà khảo sát lần này chỉ ra là: KTVM ổn định, lạm phát thấp và không còn là mối quan ngại lớn đối với hoạt động kinh doanh của họ.
“Các biện pháp của Chính phủ Việt Nam thực hiện để kiềm chế lạm phát đã phát huy hiệu quả” – khảo sát nhận định. Điều này cũng được thể hiện trong khảo sát lần này khi chỉ có 29% số DN được hỏi cho rằng lạm phát sẽ có một "tác động đáng kể hoặc đe dọa" đối với hoạt động kinh doanh của họ (giảm đáng kể so với 43% quý trước và 50% vào cùng kỳ năm ngoái).
Tương tự như vậy, số DN tin vào triển vọng KTVM ổn định cũng tăng lên, với 47% tin rằng KTVM sẽ “ổn định và cải thiện" và 35% tin rằng sẽ không có thay đổi so với quý trước.
Một điểm tích cực khác là kế hoạch đầu tư và các đơn đặt hàng kinh doanh dự kiến sẽ tăng, từ đó có thể tác động đến kế hoạch tuyển dụng của các DN. Số lượng DN dự kiến sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam là 41%, tăng từ mức 34% trong quý khảo sát trước. Phù hợp với sự phát triển này, số lượng DN dự kiến đơn đặt hàng kinh doanh sẽ tăng chiếm đến 67% (tăng từ mức 53% trong quý trước).
Các DN được khảo sát lần này cũng cho rằng, các yếu tố lớn nhất làm nên tính hấp dẫn trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam gồm: cơ hội kinh doanh (60%); tốc độ tăng trưởng tương lai của thị trường (60%) và Việt Nam với tư cách như một trung tâm xuất khẩu của khu vực (19%).
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|