Thứ Hai, 04/11/2013 11:23

Đầu tư công sẽ là phao cứu sinh

Vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển năm 2014 phải ở mức 260.000 tỉ đồng thì mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nếu không tăng đầu tư công, sẽ khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5,8% của năm 2014. Đó là nhận xét của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội.

Việc tăng đầu tư công có thể là một biện pháp tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang phải đối mặt với khó khăn tài chính. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vốn cho đầu tư công sẽ đến từ đâu và quản lý số vốn đó như thế nào cho hiệu quả.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển năm 2014 phải ở mức 260.000 tỉ đồng thì mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Vinh, do ngân sách bị mất cân đối nghiêm trọng nên số tiền có thể bố trí được chỉ là 163.000 tỉ đồng, trong đó 36.000 tỉ đồng được dự kiến thu từ đất. Nhưng trước tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng chưa chắc đã thu đủ được số tiền đó. “Chi đầu tư phát triển đang giảm rất mạnh, có thể nói là ở mức thấp kỷ lục”, ông nói.

Trên thực tế, giảm đầu tư công là chủ trương của Chính phủ được thực hiện từ những năm trước, nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao (một phần vì đầu tư dàn trải và sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả). Chính phủ kỳ vọng sẽ thúc đẩy được nguồn vốn tư nhân bù đắp cho khoảng trống do thiếu đầu tư công.

Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không thành hiện thực vì phần lớn doanh nghiệp tư nhân đều phải đối mặt với khó khăn tài chính và không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, cho dù lãi suất cho vay đã giảm gần một nửa trong 1 năm qua. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm chỉ đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của cả năm chắc chắn sẽ khó mà đạt được. Do ngân hàng hiện vẫn là nguồn cung ứng vốn chính cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, cho nên con số này cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân đã xuống thấp so với mức tăng trưởng hơn 20% trong những năm trước đây.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, cũng ủng hộ việc tăng đầu tư công. Theo ông, với tình hình như hiện nay, muốn phục hồi tăng trưởng thì phải tăng đầu tư công. Tuy nhiên, ông cho rằng về lâu về dài sẽ vẫn phải siết đầu tư công và tập trung đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Có như vậy mới mong giảm dần được thâm hụt và tiến tới cân bằng ngân sách.

Vậy khi ngân sách đang bị thâm hụt, vốn ở đầu ra để tăng đầu tư công? Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi từ mức tương đương 4,8% GDP lên 5,3% nhằm tăng chi tiêu cho đầu tư và phát triển. Nguồn vốn tăng thêm đó sẽ được huy động thông qua phát hành bổ sung 170.000 tỉ trái phiếu chính phủ cho giai đoạn 2014-2016. Phần bổ sung này không bao gồm 75.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ đã có kế hoạch phát hành từ trước.

“Bây giờ chúng ta phải phát hành trái phiếu để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế,” ông Vinh nói. Ông cho rằng phát hành trái phiếu không tác động nhiều đến lạm phát, vì không phải in thêm tiền mà chỉ là Chính phủ vay một khoản tiền có sẵn trong lưu thông.

Nếu Quốc hội thông qua đề xuất trên, sẽ có một khoản vốn không nhỏ được đổ vào nền kinh tế. Đặc biệt, theo kế hoạch của Chính phủ, vốn bổ sung sẽ được dành cho việc nâng cấp hai tuyến đường quan trọng là quốc lộ 1A và quốc lộ 14 và cho một số dự án dang dở.

Một phần trong đó, khoảng 20.000 tỉ đồng, sẽ được sử dụng làm vốn đối ứng cho các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA). Theo ông Vinh, nếu có số vốn đối ứng này thì sẽ thúc đẩy được việc giải ngân một lượng lớn vốn ODA tồn đọng (khoảng 16-17 tỉ USD).

Một biện pháp nữa có thể giúp tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Từ năm 2003-2013, tổng chi ngân sách đã tăng 4,9 lần, trong đó chi thường xuyên tăng 7 lần và chi đầu tư lại chỉ tăng 3 lần. Như vậy, nếu giảm chi thường xuyên, một lượng tiền không nhỏ sẽ được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, việc tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng không phải là không có rủi ro. Việc đầu tư công dàn trải và không hiệu quả được cho là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao trong những năm 2008-2011.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét lạm phát tăng trở lại vẫn là một rủi ro lớn khi bội chi ngân sách tăng. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững và loại bỏ rủi ro trên, cách duy nhất là quản lý hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách. Mặc dù Chính phủ đã có Chỉ thị 1792/CT-TTg từ năm 2011, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo hiệu quả của vốn đầu tư từ ngân sách, nhưng xem ra đây vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Thùy Trang

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 (04/11/2013)

>   Quyết tâm phấn đấu để đạt kết quả cao hơn, vững chắc hơn (03/11/2013)

>   PMI tháng 10 tiếp tục duy trì mức 51,5 điểm (03/11/2013)

>   CPI không lặp lại chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” (03/11/2013)

>   Chính sách tiền tệ chưa qua thách thức (03/11/2013)

>   “Đề nghị Thống đốc vi hành” (02/11/2013)

>   'Báo cáo kinh tế màu hồng, còn nhân dân thấy màu tối' (31/10/2013)

>   'Kiểm soát lạm phát phải như giải phương trình' (31/10/2013)

>   Đổi mới thể chế kinh tế: “Muốn nhanh thì phải... từ từ” (31/10/2013)

>   Quốc hội bàn chuyện bội chi vỡ kế hoạch, GDP tăng trưởng thấp (31/10/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật