Nghị định “trên trời rơi xuống”!
Việc mới đây Chính phủ ban hành nghị định 145/2013 thoạt nghe có vẻ như hướng đến mục tiêu chống lãng phí, đề cao lối sống văn hóa, văn minh..., nhưng nếu xem xét kỹ thì có nhiều điều không ổn.
Nghị định 145/2013 cấm cả việc cài nơ, cài hoa của tổ chức, doanh nghiệp dịp khai trương, khánh thành
|
Không chỉ không ổn về văn hóa mà còn thể hiện một tư duy làm luật mang tính bao cấp, thậm chí là độc đoán, độc quyền. Vô lý và thiếu khả thi đến mức buồn cười.
Ôm đồm
Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý và điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội, trên cơ sở bảo đảm các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Việc Chính phủ ban hành các văn bản điều hành, quy định trong các cơ quan hành chính như về nghi thức đón khách quốc tế, việc tổ chức các ngày kỷ niệm... là bình thường.
Cũng như chuyện tiết kiệm chi tiêu, đơn giản thủ tục trong các cơ quan nhà nước là chuyện mà các cơ quan này hiển nhiên phải có trách nhiệm thực hiện. Nhưng đó là chuyện của Nhà nước, không liên quan gì đến người dân, doanh nghiệp.
Nhưng việc trong nghị định 145/2013 quy định không cho phép tặng quà tại các buổi lễ, dịp kỷ niệm... và áp dụng cho cả tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) khiến người ta cảm thấy kinh ngạc vì tư duy theo kiểu rảnh chuyện, thích ôm đồm của cơ quan tham mưu (ở đây là Bộ VH-TT&DL).
Nghị định 145/2013 có nội dung quy định về văn hóa, thuộc phạm trù đạo đức, lối sống và truyền thống - đây không phải là vấn đề pháp luật. Việc một người mặc áo gì, có đeo nơ hay không, có đặt bình hoa hay không... thuần túy là quyền tự do cá nhân, không phát sinh mối quan hệ hay giao dịch với người khác. Những nội dung như vậy không phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định, thông tư.
Rõ ràng những nội dung theo kiểu như vậy xuất phát từ lối tư duy quá cũ mòn, lúc nào cũng muốn “nắm”, muốn “dạy dỗ” thiên hạ. Dù mình chẳng có quyền và thực tế cũng không có khả năng theo dõi, quản lý.
Nếu cấm doanh nghiệp không được tặng hoa, tặng quà thì rõ ràng đây là sự cản trở, thậm chí làm hạn chế quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp. Pháp luật quy định rõ công dân, doanh nghiệp có quyền sở hữu tài sản, quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình - và đây là một trong những quyền căn bản nhất của con người, được Hiến pháp bảo vệ.
Vô lý và xa rời cuộc sống
Kiểu ban hành những văn bản như nghị định 145/2013 còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan ban hành, và rồi đây sẽ gây ra không biết bao nhiêu sự phiền phức, tốn kém về sau.
Hãy thử hình dung dịp tết này có một doanh nghiệp tổ chức buổi lễ tổng kết, rồi có một cán bộ văn hóa thông tin tới kiểm tra và phán là không có “tượng Bác Hồ đặt trên bục cao chếch phía trước bên phải cột cờ”, khẩu hiệu treo ở vị trí không phù hợp, tự ý tặng quà cho khách mời... rồi đòi phạt. Rồi hai bên “cãi nhau”, buổi lễ bị đình hoãn, thậm chí dẫn đến phải khiếu nại, kiện tụng. Những phiền phức, thiệt hại của doanh nghiệp ai sẽ chịu? Câu hỏi đơn giản đặt ra là: dựa trên căn cứ nào mà Chính phủ quy định như vậy - thì ai sẽ giải quyết? Trả lời ra sao?
Có thể nói việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là có vấn đề. Nhiều cái cần thì trì hoãn, trong khi những chuyện vô thưởng vô phạt, không cần thiết thì lại được pháp quy, ban hành liên tục. Rồi sửa đổi, thay thế quá nhiều. Hình như các cán bộ công chức ngồi trong phòng máy lạnh, lãnh tiền ngân sách và cố sức nặn ra, tưởng tượng ra những vấn đề trên mây, xa rời cuộc sống.
Ngoài ra, có thực trạng là các nghị định, thông tư tuy mới ban hành nhưng hầu hết không có gì mới đáng kể, ngoài sự bổ sung, thêm thắt những nội dung trời ơi, không thể áp dụng. Ngay như nghị định 145/2013 được ban hành là để thay thế nghị định 154/2004, tức là chưa tới mười năm. Nhìn rộng ra, có thể thấy rất nhiều luật, nghị định được ban hành theo kiểu như vậy, vừa tốn kém, vừa gây ra những phiền phức, làm ảnh hưởng đến quyền công dân.
Đã đến lúc cần có một cơ chế phán quyết, ngăn chặn việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, vi hiến, xa rời cuộc sống và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Luật sư Trần Hồng Phong
Bộ Tư pháp “can ngăn”
Ngày 9-10-2013, Bộ Tư pháp đã có văn bản thẩm định dự thảo nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ VH-TT&DL.
Trong đó, Bộ Tư pháp cho rằng: “Dự thảo nghị định không nên quy định việc tổ chức lễ kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống đối với các tổ chức kinh tế vì theo Luật doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, tài khoản riêng, có trụ sở giao dịch ổn định... Các tổ chức kinh tế có quyền tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ (điều 8 Luật doanh nghiệp). Vì vậy, để đảm bảo tính chủ động của các doanh nghiệp nói chung, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về quy định này”.
Ngoài ra, văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nên nghiên cứu, cân nhắc để có những quy định logic về một số điều trong nghị định.
Hà Hương
|
tuổi trẻ
|