Thứ Hai, 04/11/2013 15:16

Nhà mạng tìm cách chặn dịch vụ miễn phí

Hàng triệu người đang được hưởng lợi từ dịch vụ gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh miễn phí nhưng để 'giữ nồi cơm' của mình, các nhà mạng đang tìm mọi cách ngăn chặn dịch vụ này.

Các ứng dụng nghe, gọi, nhắn tin miễn phí đang được người dùng điện thoại ưa chuộng

Đề xuất chặn vì thất thu

Theo Công ty tư vấn viễn thông Ovum, các dịch vụ gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh (OTT) sẽ khiến các nhà mạng trên toàn cầu bị giảm thu tới 479 tỉ USD trong khoảng 8 năm, từ 2012 đến 2020.

Tại VN, các nhà mạng cũng đang tìm cách ngăn cản các dịch vụ này. Trong gần 2 năm qua, các dịch vụ OTT miễn phí Viber, WhatsApp, Line, KaKao Talk, Tango… của các công ty nước ngoài và Zalo của Công ty VNG (VN) ngày càng trở nên phổ biến nên các nhà mạng giảm doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Tại hội nghị OTT gần đây ở Hà Nội, MobiFone đề xuất Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) nên chặn các dịch vụ OTT khi chưa có chính sách quản lý bởi nhà mạng này mỗi năm giảm thu xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Đại diện VNPT cũng cho rằng OTT đã gây giảm thu từ 9 - 10% doanh thu của tập đoàn. Viettel thì kiến nghị xem xét việc quản lý các dịch vụ OTT vì những cuộc gọi điện, nhắn tin miễn phí đã làm giảm doanh thu của họ hàng ngàn tỉ đồng/năm.

Việc giảm thu của các nhà mạng là thực tế khi ước tính số lượng cuộc gọi trên Viber ở VN có khoảng 280.000 cuộc/ngày; 8,7 triệu tin nhắn/ngày với 4 triệu người sử dụng, ứng dụng Zalo có trên 5 triệu người dùng...

Lén lút “tự bù đắp”?

Trong khi đề xuất chưa được phê duyệt thì liên tiếp thời gian gần đây người dùng Viber và Zalo phản ảnh chất lượng truyền tải của các ứng dụng này đang ngày càng đi xuống. Anh H.G.L, ngụ tại Q.7 (TP.HCM) bức xúc: “Nhà mạng hình như đang nỗ lực chặn Viber dù đã tăng cước phí 3G. Viber vẫn báo có tin nhắn đến nhưng mở vào ứng dụng thì không thấy nội dung”. Anh Q.T (ngụ tại Q.1), đang sử dụng mạng Vinaphone, cũng thắc mắc: “Tôi với một người bạn ở nước ngoài thường xuyên trao đổi bằng ứng dụng Zalo nhưng hiện nay hình như chương trình này có gì trục trặc, tin nhắn vẫn gửi đi nhưng đầu bên kia không nhận được”.

Nghi án nhà mạng bóp băng thông, chặn ứng dụng OTT được nhiều người dùng bức xúc đặt vấn đề. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi đề xuất chưa được duyệt, các nhà mạng đã tự bù đắp bằng cách tăng cước 3G.

Tuy nhiên, trong buổi trả lời trực tuyến mới đây, đại diện các nhà mạng đều phủ nhận việc này và cho rằng việc điều chỉnh cước 3G không phải vì OTT.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc VNG Vương Quang Khải bày tỏ: “VNG cũng như một số nhà cung cấp dịch vụ OTT khác đang gặp nhiều khó khăn, lo lắng cho số phận của mình do nhà nước chưa có cơ chế quản lý cụ thể. Để có thể phát triển lâu dài, các doanh nghiệp OTT đang mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng để mang tới cộng đồng người dùng dịch vụ tốt nhất, thay vì chỉ dừng lại ở việc chạy trên nền dịch vụ của nhà mạng như hiện nay”.

Không lý do gì đi ngược lại xu hướng thế giới

Ông Vương Quang Khải gợi ý các bên nên cùng nhau hợp tác, mở ra kênh thanh toán trên mobile, cung cấp các dịch vụ phi thoại, dịch vụ giá trị gia tăng nhắm tới những nhu cầu thiết yếu của người dùng như y tế, giải trí… Nếu việc bắt tay được thực hiện thì các dịch vụ OTT sẽ thêm cơ hội bùng nổ. Doanh thu từ tin nhắn ngắn sẽ giảm, nhưng các nhà mạng có thể tăng doanh thu qua các gói cước thuê bao của dịch vụ nhắn tin miễn phí này cũng như theo kịp xu hướng phát triển của thị trường. Lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cũng nhìn nhận các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí là xu hướng của cả thế giới và không có lý do gì để VN đi ngược lại xu hướng đó.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu các nhà mạng bóp băng thông hoặc cấm đối với dịch vụ OTT thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với nhà mạng, bởi đây là nhu cầu chính yếu của họ.

Tăng cước 3G thu thêm hàng ngàn tỉ

Theo tính toán của Cục Viễn thông, chỉ có khoảng 8% thuê bao di động bị ảnh hưởng từ đợt tăng cước dịch vụ 3G vừa qua. Tuy nhiên, số liệu công bố tại website vnta.gov.vn cho thấy đến tháng 9.2013, VN có khoảng 19,4 triệu thuê bao 3G đang hoạt động trong số khoảng trên 117,6 triệu thuê bao di động đang phát sinh cước. Trong khi đó, 8% thuê bao 3G “bị ảnh hưởng” chỉ tương đương 9,4 triệu thuê bao. Nếu tính trung bình mỗi thuê bao phải chi thêm 20.000 đồng/tháng (mức sử dụng chung trên thị trường tăng từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng), mỗi năm các nhà mạng đã thu thêm khoảng 2.256 tỉ đồng từ việc tăng giá này.

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, từ 16.10, 3 nhà mạng di động đang chiếm thị phần chi phối là Viettel, MobiFone và Vinaphone điều chỉnh các gói cước 3G, có gói tăng, có gói giảm, trong số đó có gói tăng tới 40%. Việc giảm giá chỉ có ở các gói cước mà dung lượng dữ liệu miễn phí rất ít.

Tr.Sơn


Đinh Đang

thanh niên

Các tin tức khác

>   Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần lộ trình để “đoạn tuyệt” chế độ bộ chủ quản (04/11/2013)

>   Nỗi buồn mang tên 'Bình Thống đốc' (04/11/2013)

>   Đề xuất bỏ phiếu kín vấn đề còn khác nhau về Hiến pháp (04/11/2013)

>   “Hãy chỉ rõ nơi nào, ai làm tốt và ngược lại” (03/11/2013)

>   Thực phẩm lại tăng giá (02/11/2013)

>   Làm thủy điện theo phong trào, trách nhiệm thuộc về ai? (02/11/2013)

>   Tuần tới, công khai mọi thông tin về giá cước 3G (02/11/2013)

>   Dùng sai vốn trái phiếu Chính phủ, những ai bị xử lý? (02/11/2013)

>   Tranh chấp chung cư: Ầm ĩ rồi đâu lại vào đấy (02/11/2013)

>   Tham ô, lãng phí, “Quốc hội luôn tự cho mình là vô can” (01/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật