Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần lộ trình để “đoạn tuyệt” chế độ bộ chủ quản
Trao đổi với PV Lao Động bên lề cuộc họp Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - khẳng định Việt Nam đang cần nỗ lực đột phá để cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
“Chính phủ có thể không chỉ rút vốn ở những lĩnh vực không cần nắm giữ, mà còn có thể đẩy mạnh cổ phần hóa quy mô lớn ngay cả với DN quan trọng, thông qua nắm giữ quyền quyết định bằng cổ phần chi phối, thậm chí chỉ một cổ phần vàng” - ông nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)
|
Chương trình tái cải cách DNNN đã được Chính phủ dành rất nhiều tâm huyết, song chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhận định của ông?
Tôi cho rằng việc thực hiện CPH và rút vốn nhà nước ra khỏi khu vực này nếu được thực hiện mạnh mẽ sẽ mang lại những lợi ích lớn. Thứ nhất, Nhà nước sẽ có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công trong điều kiện rất khó khăn của ngân sách hiện nay, mà không cần phải nâng quá cao trần nợ công cũng như phát hành quá nhiều trái phiếu vay nợ.
Bên cạnh đó, việc này sẽ tạo dư địa cho đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có tiềm năng mà DNNN đang nắm giữ. Do vậy, sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế đang khát vốn, góp phần tạo ra những động lực tăng trưởng mới.
Thêm vào đó, chúng ta có thể nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của DNNN với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài. DNNN sẽ có điều kiện cải thiện mạnh mẽ về quản trị và điều hành, vươn tới chuẩn mực quốc tế và kết nối chuỗi giá trị của thế giới.
Đã có một số DNNN và tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng lớn, đã thành công với hướng đi này, cho thấy một triển vọng lớn của việc giải quyết bài toán vốn và bài toán quản trị của DNNN để nâng cao sức cạnh tranh.
Quan trọng hơn, chính phủ có thể không chỉ rút vốn ở những lĩnh vực không cần nắm giữ, mà còn có thể đẩy mạnh cổ phần hóa quy mô lớn ngay cả với DN quan trọng, thông qua nắm giữ quyền quyết định bằng cổ phần chi phối, thậm chí chỉ một cổ phần vàng.
Quá trình này sẽ vừa đảm bảo cho DN có thể vận hành một cách linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, hướng tới lợi nhuận, đồng thời những quyết định quan trọng nhất của DN vẫn thuộc quyền Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất mô hình ủy ban quản lý vốn và tài sản DNNN như một biện pháp cải cách quyết liệt. Ông đánh giá như thế nào về mô hình này?
Về mô hình tổ chức quản lý với DNNN, chúng ta đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Do quy mô của khu vực nhà nước ở nước ta quá lớn, chiến lược phát triển còn nhiều lúng túng, quản trị còn thiếu minh bạch, cơ chế giám sát còn yếu..., nên việc tập trung ngay vào một cơ quan của chính phủ theo mô hình ủy ban quản lý vốn và tài sản của Nhà nước sẽ rất khó khăn, thậm chí là không khả thi ở giai đoạn hiện nay. Hoạt động của công ty quản lý vốn và tài sản nhà nước (SCIC) thời gian qua cũng cho thấy thực tế đó.
Nhưng nếu cứ kéo dài chế độ bộ chủ quản, mỗi bộ ngành thực hiện đồng thời cả hai chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu DNNN thì thực sự là họ đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khó bảo đảm một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Mặc dù vậy, tôi nghĩ vẫn phải tích cực chuẩn bị cho việc thành lập ủy ban quản lý vốn và tài sản nhà nước thuộc chính phủ trong những năm tới, như mô hình của một số nước như Bộ DNNN của Indonesia. Dù khó khăn cũng phải làm theo hướng này.
Bình luận của ông trước một số quan ngại rằng việc lập ra một ủy ban quản lý chung về vốn DNNN có thể biến nó thành “siêu ủy ban” hoặc vượt thẩm quyền của các bộ?
Tôi không nghĩ vậy. Ủy ban đó chỉ là cơ quan quản lý vốn của Nhà nước, đưa ra quyết định đầu tư, còn bộ vẫn quản lý nhà nước về mặt chuyên ngành. Ví dụ về phát triển ngành điện, hay ôtô vẫn là của Bộ Công thương, hay chính sách phát triển nông nghiệp vẫn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Tôi cho rằng, các bộ, ngành kinh tế chỉ nên tập trung vào việc quản lý nhà nước, thay vì đóng cả vai trò bộ chủ quản. Quá trình thoái vốn và cổ phần hóa DNNN được triển khai tích cực trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện tập trung vốn nhà nước vào một số ít lĩnh vực trọng yếu, ở một quy mô phù hợp.
Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các nhà đầu tư tư nhân vào công tác quản trị của các DNNN hiện nay sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng quản lý trực tiếp của Nhà nước về mặt kinh doanh. Đó sẽ là điều kiện và cơ hội để đoạn tuyệt với chế độ bộ chủ quản, tập trung quyền quản lý vốn DNNN vào một cơ quan đầu tư của Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Tô Phương Thủy
lao động
|