Lại đổ tiền xuống biển?
Sau khi đổ hàng trăm tỉ đồng xây các công trình nhưng không phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng ở các địa phương này tiếp tục yêu cầu đổ thêm gần cả ngàn tỉ đồng để xây dựng tiếp các hạng mục còn lại.
Khu neo đậu tàu thuyền An Hòa (Núi Thành, Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư gần 78 tỉ đồng nhưng ngư dân không dám cho tàu thuyền vào tránh bão
|
Tuy nhiên tính hiệu quả của các công trình này vẫn chưa ai dám chắc...
Xây 1, bổ sung 8
Gần 150 tỉ đồng đổ vào hai cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh (Đức Phổ) nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Vậy nên, giải pháp như ngành chức năng Quảng Ngãi cho biết không còn cách nào khác là phải đổ tiếp vào đó với số vốn “khủng” hơn, dự kiến khoảng 785 tỉ đồng.
Với cửa biển Mỹ Á, theo ông Phan Huy Hoàng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư), giai đoạn 1 mới có 104 tỉ đồng làm vũng neo đậu và hai đê chắn sóng chưa hoàn chỉnh, nếu đủ tiền đã làm hết rồi. Khi được hỏi các đơn vị thi công trước sẽ tiếp tục thực hiện công việc hay đấu thầu đơn vị khác, ông Hoàng cho rằng cái đó không cần quan tâm, vì chưa biết đơn vị nào.
Giai đoạn 2 và số vốn “khủng” mà ông Hoàng nói là khoảng 185 tỉ đồng nữa để tiếp tục “đắp” hai con đê nam - bắc dài ra, nổ mìn đánh đá mồ côi, nạo vét luồng lạch và mở rộng vũng neo đậu cho 50 tàu thuyền nữa, nâng công suất chứa của âu thuyền này lên khoảng 300 chiếc.
Theo ông Hoàng, dự án đã được lập để sang năm thực hiện, vốn cũng đã có, dự kiến từ nguồn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 140 tỉ và đối ứng của tỉnh là 45 tỉ đồng. Hiện Quảng Ngãi đang trình Chính phủ xin kinh phí và sẽ được phê duyệt dự án sắp tới để sang năm khởi công.
Dù vậy, ông Hoàng cũng thừa nhận thực tế là do mới thi công “nửa vời” nên vẫn chưa hạn chế được nạn bồi lấp xảy ra hằng năm. Muốn không bị bồi lấp, đê nam phải thi công kéo dài đúng 200m, đê bắc kéo dài khoảng 175m. “Không phải giai đoạn 1 làm không tốt dẫn đến bồi lấp mới làm giai đoạn 2, mà phải làm giai đoạn 2 để hoàn thiện nên không có gì phải ầm ĩ lên” - ông Hoàng nói.
Đối với tuyến đê nam đang thi công đã bị sóng đánh vỡ một đoạn, ông Hoàng cho biết đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm bảo hành và sẽ tiếp tục làm giai đoạn 2 để khắc phục tình trạng đó vì công trình chưa hoàn chỉnh (mới làm được 50m).
“Không có vấn đề gì cả, đê có vỡ thật nhưng cái đó chưa phải là công trình hoàn chỉnh. Và chính đơn vị thi công phải bỏ tiền ra để khắc phục, hiện Sở NN&PTNT đang giữ lại hơn 1 tỉ đồng của đơn vị thi công để giải quyết sự cố đó. Giai đoạn 2 là để khắc phục và nối dài đê” - ông Hoàng khẳng định thêm.
Riêng với cửa Sa Huỳnh, theo ông Hoàng, chưa ghi vốn đầu tư dù đã có chủ trương từ năm 2011. “Chưa thể ghi vốn do kinh phí khó khăn mà dự kiến nếu làm hoàn chỉnh nạo vét, mở rộng luồng lạch, kè chắn sóng, vũng neo đậu cho trên 300 phương tiện thì phải mất 600 tỉ đồng nữa” - ông Hoàng cho biết.
Bất khả kháng!?
Tương tự Quảng Ngãi, các khu neo đậu ở Quảng Nam không thể phát huy tác dụng, trong khi đó các cơ quan liên quan đòi hỏi phải bỏ thêm tiền. Tại sao khu neo đậu tàu thuyền An Hòa (Núi Thành) đầu tư gần 80 tỉ đồng mà tàu thuyền không đậu được?
Ông Nguyễn Hồng Lam, phó giám đốc Ban quản lý dự án NN&PTNT (thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam), cho biết rất nhiều cơ quan, người dân có ý kiến việc này, UBND tỉnh họp với địa phương đưa ra vấn đề là “do không có phương án sắp xếp neo đậu tàu thuyền”.
Theo ông Lam, vào tháng 4-2011 Sở NN&PTNT của tỉnh đã thành lập phương án diễn tập giống như có bão thì tàu thuyền đã neo đậu được.
“Nhưng thực tiễn hiện nay, bão vừa rồi thì đúng là tàu thuyền vẫn đậu nhưng đậu trong bờ nhiều hơn” - ông Lam nói. Sao không họp để nghe ý kiến của ngư dân mà tự đầu tư rồi bỏ hoang phế và không phát huy hiệu quả? “Tham vấn thì có tham vấn nhưng ý kiến của xã và lãnh đạo các phòng ban của huyện” - ông Lam nói.
Ông Lam cũng cho biết theo yêu cầu của nhà tài trợ phải tham vấn ý kiến địa phương, có cả chuyên gia nước ngoài, lúc đó người dân chưa có ý kiến gì.
Sau khi tư vấn độc lập WB đồng ý thống nhất đầu tư, yêu cầu công khai, công bố dự án, ban quản lý cũng phối hợp mời một số người dân để công bố quy mô, công suất để người dân tham vấn và chủ yếu là triển khai đền bù giải tỏa...
Ông Lam cho rằng vấn đề còn lại là âu thuyền đang thiếu đê chắn sóng, bây giờ đầu tư thêm con đê 100 tỉ đồng nữa thì tàu thuyền có thể an tâm neo đậu.
Nói về tình cảnh bi đát của khu neo đậu Hồng Triều ở Duy Xuyên đầu tư hơn 43 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, ông Lam cho rằng do bất khả kháng.
Theo ông Lam, tại âu thuyền Hồng Triều, công suất thiết kế 1.000 tàu thuyền 300CV neo đậu, năm 2008 bão số 9 vào triều cường nước dâng ngập nhưng khi đó đang thi công chưa hoàn thành từ đó đến nay sau khi bàn giao cho UBND huyện Duy Xuyên mà trực tiếp xã Duy Nghĩa quản lý.
Ông Lam cũng khẳng định hiệu quả của công trình, đồng thời phủ nhận hoàn toàn việc các công trình trên sử dụng chưa hiệu quả là lỗi do khâu thiết kế.
Vẫn phải đầu tư thêm
Tại Thừa Thiên - Huế, năm 2011 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Phú Hải (huyện Phú Vang) lớn nhất được đưa vào sử dụng với diện tích 11ha, tổng mức đầu tư 42 tỉ đồng.
Công trình gồm: kè chắn sóng, cầu cảng, hệ thống dịch vụ hậu cần... với sức chứa 500 chiếc tàu, thuyền. Thế nhưng, mùa mưa bão vừa qua chỉ những tàu công suất nhỏ mới vào đậu, còn tàu lớn không dám vào đây vì sợ mắc cạn.
Ông Trần Kim Thành, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong các cơn bão vừa qua có khoảng 140 tàu vào neo đậu ở Phú Hải.
Hiện luồng lạch đi vào khu neo đậu Phú Hải đang xảy ra hiện tượng bồi lấp. “Trước đây, luồng vào được nạo vét dài 600m, rộng 30m, tuy nhiên hiện có tới 300m đã bị bồi lấp, độ rộng còn lại 10-15m. Việc bồi lấp là bình thường vì đối với các luồng lạch ra vào cảng hay khu neo đậu thì thường vài năm phải nạo vét một lần. Hiện sở đang có đề xuất với tỉnh để nạo vét, tuy nhiên gặp khó khăn về nguồn vốn nên chưa thực hiện được”.
Riêng đối với dự án cảng cá Tư Hiền, ông Thành cho rằng sở chỉ mới nhận bàn giao ngày 24-9 từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
Theo ông Thành, dự án này phục vụ mục đích quân sự nhưng trong thời bình sợ để lãng phí thì tạm thời giao cho ngành nông nghiệp quản lý, còn vì sao xây năm 2005 mà đến nay mới bàn giao thì ông chịu. “Chúng tôi chỉ thực hiện việc chuyển giao theo lệnh của UBND tỉnh. Hiện đơn vị được giao quản lý là cảng cá Thừa Thiên - Huế đang khảo sát sửa chữa lại để khai thác” - ông Thành nói.
Tấn Vũ - Hữu Khá - Trà Giang
Dân đi... bậy bạ rồi đổ cho thiết kế là không có cơ sở (!?)
Trả lời Tuổi Trẻ về phản ảnh của ngư dân rằng các trụ neo được xây dựng mật độ dày khiến nhiều tàu thuyền ra vào cùng lúc sẽ khó khăn, va đập vào trụ, ông Phan Huy Hoàng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: “Trụ đó không thể va đập được vì nhà thiết kế đã tính toán bán kính, chiều ngang, chiều dài của tàu... Dân đi không đèn không đóm, trời tối đi bậy bạ đâm vào rồi nói do thiết kế, nói thế không có cơ sở nào hết”.
|
Tàu thuyền tránh bão phải được hướng dẫn an toàn
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng nhiều âu neo đậu, tránh trú bão cho hàng nghìn phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Các âu neo đậu tàu thuyền được xây dựng tương đối lớn, hiện đại tại thị xã Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia đã và đang phát huy hiệu quả.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Lạch Hới ở phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) được đưa vào sử dụng gần bốn năm nay (với tổng kinh phí đầu tư 107 tỉ đồng) đã trở thành nơi neo đậu an toàn của 700 phương tiện đánh bắt hải sản mỗi khi mùa mưa bão về. Âu thuyền này rộng 40ha, được xây dựng trên cửa sông Đơ, cách cảng cá Lạch Hới 600m về phía đông bắc, nằm trong vùng kín gió, có thể tiếp nhận tàu công suất đến 600CV, thuận tiện cho việc neo đậu tàu thuyền. Âu thuyền này được chia thành ba âu nhỏ, mỗi âu đón từng loại tàu thuyền theo công suất. Giữa các khu vực âu là khoảng trống để lưu thông tàu thuyền và canô đi kiểm tra của lực lượng chức năng. Mỗi khi có tàu thuyền vào âu, cán bộ quản lý âu hướng dẫn vào nơi neo đậu đúng quy định.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục xây dựng, mở rộng cảng cá ở xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia) kết hợp nâng cấp, xây dựng âu thuyền Lạch Bạng phía xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) với tổng vốn đầu tư 254 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dương - phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia - cho biết thêm: “Cảng cá Lạch Bạng có tổng chiều dài cầu cảng 400m, công suất hàng hóa thông qua cảng 170 tấn/ngày. Còn khu âu thuyền tránh trú bão Lạch Bạng có chỗ đậu an toàn cho hơn 600 tàu thuyền các loại (loại có công suất đến 400CV). Hiện nay tại âu thuyền này thường xuyên đón phương tiện đánh bắt hải sản ngoài khơi của ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, các huyện trong tỉnh Thanh Hóa đến bán hải sản, tiếp nhiên liệu, đá lạnh, neo đậu tránh trú bão. Tàu thuyền đến đây neo đậu đều được hướng dẫn neo đậu an toàn, được bảo vệ...”.
Hà Đồng
|
tuổi trẻ
|