Mức tiết kiệm đã đạt mục tiêu
“Mục tiêu tiết kiệm 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả nhất định.” Đó là đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) được ghi nhận trong Báo cáo sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các chương trình MTQG mà Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Ngành điện chú trọng tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm
|
Kết quả đạt được
Báo cáo cho thấy, năm 2011, lượng điện năng tiết kiệm được là 5.969 GWh điện thương phẩm, tương đương với 5,9%. Năm 2012, lượng điện năng tiêu thụ tiết kiệm được là 9.942 GWh điện thương phẩm, tương đương với 8,6%. Như vậy, mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt những kết quả nhất định.
Theo đánh giá, việc thực hiện các nội dung của chương trình trong giai đoạn 2011-2013 tiếp tục góp phần thúc đẩy các hoạt động sử dụng NLTK&HQ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của toàn xã hội. Chương trình đã tập trung đầu tư chiều sâu theo hướng cải thiện và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải trên cơ sở tuân thủ Luật Sử dụng NLTK&HQ và tranh thủ các nguồn tài trợ cam kết từ các nhà tài trợ và tổ chức nước ngoài.
Các nội dung triển khai trong giai đoạn 2011 - 2013 cũng góp phần tạo bước chuyển biến, đột phá trong việc nâng cao và cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các khâu sử dụng năng lượng cuối cùng. Bước chuyển biến được tập trung vào bốn lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng dân dụng sử dụng nhiều năng lượng, giao thông vận tải, và sử dụng năng lượng trong hoạt động dịch vụ, các hộ gia đình.
Nhiều tồn tại cần khắc phục
Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình sử dụng NLTK&HQ giai đoạn 2011 - 2013 khoảng 292 tỷ đồng, đạt 32,1% tổng kinh phí được phê duyệt của chương trình, trong đó ngân sách trung ương là 151 tỷ đồng (đạt 37,8%), ngân sách địa phương là 44 tỷ đồng (đạt 14,1%), vốn ngoài nước là 97 tỷ đồng (đạt 48,8%). |
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình vẫn còn nhiều tồn tại. Việc ban hành các tiêu chuẩn chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc dán nhãn năng lượng theo quy định của Quyết định 51/2011/QĐ-TTg. Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp TKNL. Trong khi đó, DN không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL.
Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây truyền công nghệ lạc hậu bằng dây truyền công nghệ hiệu suất cao, TKNL chưa hiệu quả. Nhiều DN còn chưa thực sự thực hiện các yêu cầu của Luật, chưa xây dựng mô hình quản lý năng lượng cũng như xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về tiêu thụ năng lượng.
Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình chưa thật sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao; nguồn lực tài chính, lực lượng các chuyên gia kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải và tại các địa phương còn hạn chế. Do vậy, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các DN thuộc lĩnh vực này để xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án TKNL còn yếu và thiếu.
Để chương trình phát huy hiệu quả, thời gian tới cần sớm khắc phục những tồn tại vướng mắc, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và tuân thủ Luật SDNLTK&HQ.
Hồng Dương
Công thương
|