Chọn 2 - 3 tập đoàn để tái cơ cấu điểm
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được chính người trong cuộc thừa nhận “khó”. Chọn 2 - 3 tập đoàn thí điểm trước là giải pháp được tính đến.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một buổi lấy ý kiến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về dự thảo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN (thay thế Quyết định 14/2011/NĐ-CP) đã buộc phải chia sẻ cảm giác “khó quá”.
“Nếu doanh nghiệp nào cũng viện các quy định hiện hành để cho rằng, không có lý do gì để cổ phần hóa ngành, lĩnh vực hay doanh nghiệp của mình, thì việc bàn luận cần phải thay đổi tiêu chí, phân loại DNNN trở nên vô nghĩa”, ông Đông thẳng thắn trao đổi lại khi những đề nghị “giữ nguyên là DNNN” xuất hiện khá nhiều.
Đề xuất giữ vốn nhà nước của các doanh nghiệp không phải không có lý, khi các ngành, lĩnh vực cốt lõi được giao cho họ bao gồm cả phần kinh doanh và phần công ích. Lý do là, theo phân tích của ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Petrolimex, sẽ rất khó khuyến khích các doanh nghiệp tự đưa mình vào danh mục cổ phần hóa, thoái vốn khi họ đang phải kiếm tiền ở phần kinh doanh có lãi để bù lỗ cho phần công ích.
Cũng phải nói thêm, phần cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích mà nhiều DNNN buộc phải “ôm” đang rất khó cổ phần hóa hay thực hiện theo các hình thức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ này khi mức hỗ trợ từ ngân sách cho các sản phẩm, dịch vụ này không đảm bảo tái đầu tư, nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia.
Trong báo cáo rà soát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích, có doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, vốn nhà nước vẫn chiếm trên 95%.
“Mục tiêu của cổ phần hóa DNNN là bán bớt cổ phần để huy động vốn, thay đổi quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ quản trị thông qua sự góp mặt của các nhà đầu tư bên ngoài. Nếu không đạt được các mục tiêu này, cổ phần hóa không thành công”, ông Đông nói.
Yêu cầu DNNN chủ động, tự nguyện đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa hay thoái vốn dù đã được duyệt càng trở nên khó hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang không thuận cho các hoạt động thoái vốn, mua bán cổ phần. Lo ngại khó tuân thủ yêu cầu về bảo toàn vốn đã đầu tư theo quy định đã khiến nhiều kế hoạch thoái vốn gần như bế tắc.
Đó là chưa kể, vốn phải thoái của các DNNN là rất đa dạng, không chỉ là chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn, mà cả bán tài sản (thành phẩm và bán thành phẩm), chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án…
Trong khi đó, các quy định hiện hành về thoái vốn nằm phân tán ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; nội dung của các quy định đó chưa bao quát hết sự đa dạng của các loại vốn cần thoái và không còn phù hợp với điều kiện thị trường.
Theo các quy định hiện hành, như Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định việc bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp được thực hiện đúng chế độ sử dụng vốn, tài sản và phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luât, bảo toàn vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Hay Thông tư 117/2010/TT-BTC quy định việc thoái vốn các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường hoặc không thấp hơn giá trên sổ sách kế toán của đơn vị có vốn góp.
Đây là lý do mà lãnh đạo của nhiều tập đoàn, tổng công ty cho rằng, nếu không giải quyết kịp thời các vướng mắc nói trên, thì việc thoái vốn khó hoàn thành trước năm 2015…
Trong hàng loạt khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, không thể không nhắc tới nguồn vốn để thực hiện.
Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong Diễn đàn Kinh tế mùa Thu tổ chức cuối tháng 9 năm nay đã thẳng thắn thừa nhận là quá khó.
“Chúng tôi đã mày mò, đã quyết tâm, đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, nhưng kinh phí không có”, ông Hòa phân trần.
Khó khăn của Vinacomin là đội ngũ lao động 140.000 con người sẽ được xử lý ra sao. “Thực hiện tái cơ cấu, chúng tôi dôi dư ít nhất 40.000 người. Kinh phí để chuyển những con người dôi dư này sang những công việc khác ở đâu và như thế nào. Tình hình đang gây áp lực lên các đơn vị cho dù chúng tôi biết rằng, đồng lương hiện tại đang phải chia cho cả các lao động dôi dư, nhưng không thể giải quyết được”, ông Hòa thẳng thắn.
Kinh phí cho tái cơ cấu cũng đang là câu chuyện mà ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đặt ra ngay khi đề xuất lựa chọn 2-3 tập đoàn kinh tế nhà nước để thực hiện.
“Phải xử lý hàng loạt vấn đề trong tái cơ cấu các DNNN, nhưng tôi không nhìn thấy nguồn lực nào được phân bổ cho hoạt động này. Nếu quy định chung chung là tái cơ cấu thì không thể làm được”, ông Thiên đề xuất cách chọn một vài tập đoàn để xử lý theo từng tình huống, lấy cơ sở hoàn thiện các cơ chế, giải pháp cho hoạt động tái cơ cấu DNNN trên diện rộng.
Một số văn bản pháp lý được ban hành để thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012:
- 5 nghị định, 1 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tiền quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng; phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động của kiểm soát viên, giám sát tài chính và đánh giá kết quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...
- Đang nghiên cứu, soạn thảo gần 30 đề án, văn bản quy phạm pháp luật (gồm cả bổ sung, sửa đổi), trong đó một số quy định thiết lập thể chế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp nhà nước đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty…
- Về cơ bản, đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 trên phạm vi toàn quốc.
|
Bảo Duy
đầu tư chứng khoán
|